Tuần lễ “Dinh dưỡng và Phát triển” năm nay diễn ra từ 16-23/10 với chủ đề: “Bữa ăn đa dạng đảm bảo đủ dinh dưỡng, hợp lý, an toàn cho gia đình trong tình hình biến đổi khí hậu”.
Biến đổi khí hậu và an ninh thực phẩm
Khi thiên tai xảy ra, bên cạnh những tổn thất rất nặng nề về người và của, nhiều vùng, nhiều người đã lâm vào cảnh bị cô lập, bị đói, bị bệnh tật và suy dinh dưỡng. Ở những vùng thường xuyên bị thảm họa thiên tai, vùng sâu, vùng xa như miền núi phía Bắc, ven biển miền Trung, vùng Tây Nguyên... Những địa phương chịu ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu thì khả năng tiếp cận với thực phẩm cần thiết trở thành nỗi lo canh cánh của mỗi người, mỗi nhà. Hậu quả trước mắt là trẻ em dễ bị suy dinh dưỡng (SDD), luôn bị đe dọa bởi bệnh tật và tử vong. Nếu may mắn thoát khỏi SDD, thì tương lai của những trẻ này cũng sẽ vẫn bị đe dọa do không thể phát huy hết tiềm năng phát triển về tầm vóc thể lực cũng như trí tuệ, dẫn đến học vấn thấp, khả năng lao động cống hiến cho gia đình và xã hội sẽ giảm, đồng thời lại có nguy cơ mắc nhiều bệnh mạn tính không lây khi trưởng thành và có thể ảnh hưởng tới thế hệ sau.
Bữa ăn đa dạng, hợp lý giúp giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ.
Ảnh hưởng của ANTP tới tình trạng dinh dưỡng trẻ em
Nghèo đói và thiếu kiến thức là hai nguyên nhân của SDD trẻ em ở nước ta. Nguyên nhân trực tiếp là do khẩu phần ăn (thiếu cả về số lượng và mất cân đối về chất lượng), bệnh tật và các yếu tố về chăm sóc mà nguyên nhân gốc dễ là sự nghèo đói. Sự chênh lệch về giàu - nghèo giữa các vùng, các nhóm dân cư, các khu vực là nguyên nhân của tình trạng chênh lệch về SDD. Theo số liệu năm 2015, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị SDD thấp còi là 24,6%, thể nhẹ cân là 14,1%. Tỷ lệ SDD vẫn tập trung cao ở những nơi khó khăn như Tây Nguyên, Trung du và miền núi phía Bắc với tỷ lệ SDD thấp còi tương ứng là 34,2% và 30,3%, nhẹ cân là 21,6% và 19,5%. Tỷ lệ SDD thể thấp còi, nhẹ cân ở khu vực nông thôn; đặc biệt là các xã nghèo đều cao hơn so với khu vực thành thị. Nhiều bà mẹ trước khi sinh con, trước khi lập gia đình chưa được trang bị kiến thức về dinh dưỡng như: chăm sóc bà mẹ có thai dẫn đến trẻ bị SDD bào thai; nuôi con bằng sữa mẹ, cho trẻ ăn bổ sung, theo dõi sự phát triển của trẻ,... dẫn đến thực hành dinh dưỡng không đúng, chăm sóc con chưa đúng khoa học dẫn đến SDD...
Giải pháp
Để đảm bảo ANLT, ANDD hộ gia đình góp phần giảm đói nghèo, nâng cao tình trạng dinh dưỡng cho người Việt Nam cần phải phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp, hướng dẫn người dân về kỹ thuật canh tác phù hợp, phát triển VAC gia đình, đưa giống mới, kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi, chuyển đổi mô hình canh tác truyền thống phù hợp, nhất là thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu, bảo quản và chế biến sản phẩm sau thu hoạch tạo nguồn thực phẩm an toàn, giàu dinh dưỡng nhằm đảm bảo ANLT, cải thiện chất lượng bữa ăn, góp phần tăng thu nhập cho gia đình và nâng cao chất lượng cuộc sống, gắn liền với ý thức giữ gìn bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Đưa giống mới, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi hợp lý tới từng hộ gia đình. Đặc biệt quan tâm tới các hộ gia đình ở những vùng khó khăn, vùng thường xảy ra thiên tai, lụt bão.
Hướng dẫn người dân về quy trình sản xuất, quy trình canh tác, hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật: thuốc trừ sâu, phân bón... để tạo ra nguồn lương thực, thực phẩm đảm bảo an toàn cho người sử dụng, đồng thời bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng cũng như người sản xuất; Tăng cường tuyên truyền về ý thức trách nhiệm, đạo đức kinh doanh, chế biến lương thực và thực phẩm phải gắn liền với ý thức đảm bảo sức khỏe người dân, sức khỏe cộng đồng.