Với gần 92 triệu người, Việt Nam đứng thứ 14 trên thế giới và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về quy mô dân số. Hiện, Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ dân số vàng nhưng tỉ trọng người cao tuổi (NCT) từ 60 tuổi trở lên đã chiếm 10,5%, chỉ số già hóa là 44,6%.Số NCT tăng là một thành tựu vì nó khẳng định công tác chăm sóc sức khỏe, chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của người dân được nâng cao. Tuy nhiên cũng đem lại nhiều thách thức trong công tác chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội…
Tốc độ già hóa dân số nhanh
Theo ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế, ở các nước phát triển, để đạt được 7-14% số dân trên 65 tuổi (giai đoạn già hóa dân số) cần thời gian ít nhất vài chục năm, thậm chí là 100 năm. Nhưng ở Việt Nam, quá trình này chỉ diễn ra từ 17-18 năm. Nguyên nhân được chỉ ra là do Việt Nam đã thực hiện thành công công tác KHHGĐ, trong đó số trẻ em sinh ra giảm nhanh khiến tỉ trọng NCT tăng. Dự báo đến giữa thế kỷ 21, số người trên 60 tuổi ở nước ta có thể đạt 30 triệu người, chiếm 1/5 dân số. Theo đại diện Tổng cục DS-KHHGĐ, số NCT tăng là một thành tựu vì nó khẳng định công tác chăm sóc sức khỏe, chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của người dân được nâng cao. Đặc biệt, NCT tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm và có thể tiếp tục có những đóng góp quan trọng cho gia đình, cộng đồng và đất nước. Theo dự báo từ năm 2009 của Tổng cục Thống kê, đến năm 2017-2018, Việt Nam chính thức bước vào quá trình già hóa dân số, tức là số người từ 65 tuổi trở lên đạt 7% dân số. Tuy nhiên, con số này đã hiện hữu ở nước ta từ năm 2011, sớm hơn 6 năm so với dự báo.
Một tiết mục biểu diễn của người cao tuổi tỉnh Thái Bình.
Nâng cao nhận thức về già hóa dân số
Vấn đề đặt ra là khi số NCT tăng thì nhu cầu chăm sóc sức khỏe toàn diện cũng tăng cao, nhất là khi nhu cầu và mô hình bệnh tật cũng thay đổi do tỉ trọng những người có bệnh là NCT cao hơn so với trung niên và thanh niên. Cũng theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, một xã hội có đông NCT sẽ dẫn đến mô hình tiêu dùng thay đổi do nhu cầu của nhóm này tăng lên... Vì vậy, đòi hỏi phải xây dựng một xã hội thích ứng với quá trình già hóa dân số, cả về chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt văn hóa và sản xuất những hàng hóa, dịch vụ phù hợp nhu cầu của NCT.
Cùng quan điểm này, ông Ngô Trọng Vịnh, Phó Chủ tịch TW Hội NCT Việt Nam cho rằng, chăm sóc NCT không chỉ là chăm sóc y tế mà cần chăm sóc toàn diện, cả về vật chất lẫn tinh thần, sao cho mỗi người khi về già đều có được một cuộc sống đảm bảo và an toàn. Để làm tốt công tác chăm sóc NCT, cần nâng cao nhận thức về già hóa dân số và vấn đề của NCT về nghĩa vụ đối với NCT, về cách thức chuẩn bị cho tuổi già... Cần quan tâm thực chất tới 23,5% NCT nghèo, gần 100.000 NCT cô đơn và rất nhiều NCT khuyết tật, khó khăn không có lương hưu bằng các chính sách hiệu quả, huy động sự đóng góp của cộng đồng, xã hội (trợ cấp xã hội, tình nguyện viên, các câu lạc bộ, cấp thẻ bảo hiểm y tế, xây dựng nhà chăm sóc...
Bên cạnh đó, nhu cầu chăm sóc sức khỏe NCT rất lớn, nhưng tại nước ta hiện chỉ mới có 1 bệnh viện tuyến cuối chuyên trách chăm sóc, khám chữa bệnh lão khoa, phục hồi chức năng cho NCT là Bệnh viện Lão khoa Trung ương. Còn tại tuyến tỉnh, chỉ mới có 2/15 bệnh viện tỉnh thành lập khoa Lão, 6/15 bệnh viện tỉnh ghép khoa trong đó có lão khoa. Về nhân lực, cán bộ có chuyên môn, được đào tạo chăm sóc lão khoa rất thiếu thốn.