Hà Nội

Hưởng ứng sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị 05 CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: Nắm lạt tre của Bác Hồ

27-05-2017 15:02 | Thời sự
google news

SKĐS - Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Một cuộc vận động to lớn và sâu sắc đã được toàn Đảng, toàn dân hưởng ứng. Phong trào đã được sơ kết, tổng kết nhiều đợt. Qua việc tổ chức thực hiện, thông qua người thật, việc thật, nhiều tấm gương sáng đã được biểu dương, khen thưởng. Từ các chiến sĩ cầm súng bảo vệ biên giới, hải đảo của Tổ quốc, đến cán bộ, viên chức, công nhân, trí thức, nông dân, các doanh nhân cho đến thế hệ trẻ là học sinh, sinh viên... ai ai cũng học, cũng làm theo gương Bác; ngành nào, địa phương nào, qua học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cũng muốn có nhiều tấm gương tốt. Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được tỏa sáng trong trái tim của mỗi người, thông qua những việc làm cụ thể để góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam hôm nay.

Nhân đây tôi xin kể lại một câu chuyện nhỏ trong tiết kiệm chi tiêu công quỹ của Bác Hồ. Khi tôi đang công tác ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô (nay là Bệnh viện Hữu Nghị) tôi được giao nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe về y học cổ truyền cho cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, trong số đó có đồng chí Hồ Viết Thắng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lương thực lúc bấy giờ. Có lần tôi hỏi anh: Anh hay được gặp Bác Hồ, làm việc với Bác, sao không thấy kể những mẩu chuyện về Bác Hồ. Đồng chí Hồ Viết Thắng nói: “Từ Việt Bắc về Hà Nội mình có nhiều lần được làm việc với Bác Hồ. Khi về Hà Nội có lần Bác gọi lên hỏi về tình hình lương thực vụ giáp hạt, năm đó dân no đói thế nào? Có đủ gạo bán cho dân không? Mình báo cáo với Bác, Bác rất vui. Nhìn trên bàn làm việc của Bác có một nắm lạt tre, mình nghĩ chắc Bác để đập ruồi, nhưng ngước nhìn lên trên tường nhà đã thấy cái vỉ ruồi treo đó. Mình không dám hỏi Bác về nắm lạt tre để trên bàn. Công việc xong được Bác bắt tay ra về”. Lần thứ hai Bác gọi vào hỏi vụ chiêm xuân vừa qua thu hoạch thế nào? Vừa báo cáo với Bác, mình vừa nhìn nắm lạt tre trên bàn. Xong việc, Bác nói: “Chú có vẻ thắc mắc nắm lạt tre trên bàn làm việc của Bác, có phải không”? Mình trả lời: “Thưa Bác cháu không hiểu”. Bác cười nói: “Người thông minh như chú mà không hiểu cái việc cỏn con ấy à”. Bác lại nói tiếp: “Hằng ngày các báo gửi đến cho Bác đọc để góp ý kiến, đọc xong Bác gói riêng từng loại báo, để trả lại cho ban biên tập. Nếu lấy tiền ngân sách để mua lạt buộc thì tốn tiền của dân. Trong Phủ Chủ tịch có bụi tre, Bác chặt mấy cành tre non chẻ nắm lạt, khi đọc xong báo buộc lại để chú Vũ  Kỳ (thư ký riêng của Bác) mang đi trả lại cho các báo”. Lúc đó mình nghĩ bụng, Bác trăm công nghìn việc lớn, mà còn nghĩ đến và làm những việc như vậy thật là chưa hiểu hết sự vĩ đại của Bác.

Có lần đồng chí Vũ Kỳ vào nằm viện, tôi hỏi chuyện nắm lạt tre của Bác Hồ, đồng chí Vũ Kỳ nói ngay: “Anh Hồ Viết Thắng kể chứ gì?”, tôi vâng. Đồng chí Vũ Kỳ lại nói: “Hôm ấy tôi có mặt ở đó”. Rồi đồng chí nói tiếp: “Một hôm sau giờ làm việc buổi chiều, Bác bảo chú cảnh vệ xuống nhà bếp mượn cho Bác con dao, nếu có rựa thì tốt, đồng chí cảnh vệ mang con dao thái thịt ra, Bác bảo không được, lấy dao thái thịt chặt tre thì hỏng mất. Bác trực tiếp vào nhà bếp mượn chú cấp dưỡng cái dao chặt xương, rồi ba Bác cháu đi thẳng ra bụi tre trong Phủ Chủ tịch, đồng chí cảnh vệ nói: “Bác chặt gì để cháu chặt cho”, Bác bảo “Chú chặt cành tre non dưới thấp”. Thấy đồng chí cảnh vệ lúng túng, Bác lại cầm lấy dao từ tay chú cảnh vệ nói: “Chặt tre phải chặt xiên mới nhanh, còn chặt ngang thì lâu, nhất là tre đang non càng dễ chặt”. Rồi Bác cầm dao phứt một cái cành tre đứt, Bác chặt thành 2 khúc, rồi Bác chẻ lạt, đồng chí cảnh vệ xin Bác làm, Bác bảo: “Chú nhìn Bác làm một lần rồi lần sau chú làm giúp Bác”. Thấy Bác chẻ lạt, tôi và đồng chí cảnh vệ đứng nhìn lo lắng sợ Bác đứt tay thì khuyết điểm to, nhưng chẻ xong nắm lạt mà tay Bác không việc gì, hai chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Sau đó Bác bảo tôi cầm lạt về văn phòng cho Bác, chú cảnh vệ mang dao trả cho nhà bếp. Bác ra chỗ tập thể dục. Rồi đồng chí Vũ Kỳ nói tiếp: “Bác Hồ của chúng ta như vậy đó Hướng ạ”. Việc gì cũng biết, cũng làm được. Hồi ở trên Việt Bắc, Bác còn cuốc đất tăng gia, còn bày cho chúng tôi cách bón phân cho ngô, cho rau... Từ việc lớn đến việc nhỏ cái gì Bác cũng biết trước, đi trước, làm trước. Có lần lãnh đạo Bộ Ngoại giao sang báo cáo tình hình thế giới với Bác, Bác bảo sự việc Bác biết rồi chú chỉ nói cách giải quyết cho Bác biết thôi. Có lần đồng chí Trần Quốc Hoàn - Bộ trưởng Bộ Công an đến báo cáo với Bác về trật tự an ninh, Bác nói: “Chú nói việc này với Bác hơi chậm, Bác đã nắm được rồi”, đồng chí Trần Quốc Hoàn ngồi im lặng! “Chú đã giải quyết xong chưa? Cho Bác biết ý kiến giải quyết của chú”...

Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là vĩ đại, trong sáng, là di sản văn hóa của Việt Nam, nó sẽ trường tồn mãi mãi với non sông đất nước này. Tôi nghĩ rằng không chỉ có thế hệ hôm nay học tập làm theo tấm gương vĩ đại ấy để xây dựng và bảo vệ đất nước. Mãi mãi các thế hệ mai sau cũng phải học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, để  tiếp tục xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp; Bác Hồ và các bậc tiền bối cách mạng đã hy sinh xương máu để xây dựng, cho chúng ta hôm nay đầy tự hào và hạnh phúc...


TTND.BSCC Nguyễn Xuân Hướng (nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị)
Ý kiến của bạn