Hưởng ứng phong trào Vệ sinh yêu nước tiến tới vệ sinh môi trường bền vững

09-12-2016 15:21 | Thời sự
google news

SKĐS - Cộng đồng không phóng uế bừa bãi (ODF - Open Defecation Free) là tình trạng cộng đồng hoàn toàn xóa bỏ việc phóng uế bừa bãi.

Cộng đồng không phóng uế bừa bãi (ODF - Open Defecation Free) là tình trạng cộng đồng hoàn toàn xóa bỏ việc phóng uế bừa bãi. Phân người được quản lý chặt chẽ, không còn thấy phân người tiếp xúc trực tiếp với môi trường kể cả phân trẻ em. Sử dụng nhà tiêu đúng cách một cách thường xuyên trở thành thói quen của mọi người dân kể cả trẻ em trong cộng đồng. Tiếp đó là hướng dẫn và tuyên truyền về xây dựng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh và thay đổi hành vi trong lĩnh vực vệ sinh môi trường và hành vi vệ sinh cá nhân tiến tới vệ sinh môi trường bền vững.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế và nhiều tổ chức đã thực hiện mô hình khuyến khích vệ sinh theo cách tiếp cận CLTS như Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (Unicef); Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV), Tổ chức Tầm nhìn thế giới (World Vision), Tổ chức Cứu trợ nhà thờ thế giới (CWS), Tổ chức Plan... Tất cả các mô hình khuyến khích vệ sinh đều nhằm tới đích cuối cùng là chấm dứt tình trạng phóng uế bừa bãi và nâng tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh. Bộ Y tế đã xây dựng hướng dẫn thẩm định. Mục đích của Hướng dẫn là nhằm triển khai, nhân rộng quy trình thẩm định và công nhận cộng đồng không phóng uế bừa bãi trên phạm vi cả nước một cách thống nhất, hướng tới việc thay đổi nhận thức, hành vi vệ sinh của người dân từ việc xóa bỏ hoàn toàn phóng uế bừa bãi đến việc quản lý được phân người trong cộng đồng; tăng tỷ hộ gia đình có và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Trên cơ sở đó cải thiện tình hình vệ sinh môi trường một cách bền vững, góp phần đạt được mục tiêu của Chương trình Mục tiêu quốc gia về Nước sạch và vệ sinh môi trường giai đoạn 2012-2015, Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ vào năm 2015 và mục tiêu “Một Việt Nam không còn phóng uế bừa bãi” vào năm 2025.Lễ công nhận ODF tại Nà Tấu, Điện Biên, năm 2014.

Lễ công nhận ODF tại Nà Tấu, Điện Biên, năm 2014.

Bộ Y tế, Unicef cùng các tổ chức đã thực hiện thí điểm thẩm định và công nhận cộng đồng không phóng uế bừa bãi tại các tỉnh Điện Biên, Lào Cai, An Giang, Đồng Tháp, Ninh Thuận, Gia Lai và Kon Tum. Tổ chức Plan International đã thực hiện thẩm định và công nhận cộng đồng không phóng uế bừa bãi tại một số tỉnh như: Hà Giang, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Kon Tum và Quảng Trị. Cho tới hết tháng 9 năm 2015, đã có khoảng hơn 160 thôn, bản, ấp được cấp chứng nhận chấm dứt tình trạng phóng uế bừa bãi. Kết quả thu được từ việc triển khai các mô hình thí điểm này cho thấy việc công nhận cộng đồng không phóng uế bừa bãi là một giải pháp tích cực nhằm ghi nhận kết quả thay đổi hành vi chấm dứt phóng uế bừa bãi, khuyến khích động viên kịp thời các cộng đồng đã có thành tích bước đầu quan trọng trong quá trình thay đổi hành vi, giúp cho họ có động lực để xây dựng và duy trì  hành vi sử dụng nhà tiêu đúng cách thành một thói quen mới.

Tính hiệu quả cao của hoạt động triển khai thí điểm đã được ghi nhận. Hầu hết các cán bộ tham gia dự án của các cấp đều đánh giá đây là một hoạt động rất có ý nghĩa trong việc truyền thông, làm tăng hiệu ứng lan tỏa hành vi trong cộng đồng. Rất nhiều hộ gia đình tham gia hoạt động là những gia đình khó khăn nhưng họ cũng tự lập để xây dựng một nhà tiêu riêng cho gia đình mình. Ngay cả hành vi đi tiêu trên nương rẫy cũng được ý thức hơn với hình thức chôn lấp “hố mèo” (Điện Biên). Quan trọng hơn cả là nhận thức của người dân về ảnh hưởng nghiên trọng đến sức khỏe và đời sống của cộng động gây ra bởi hành vi đi tiêu bừa bãi: “Đi vệ sinh bừa bãi thì khi mưa xuống, phân trôi ra nguồn nước rồi nước đó mình dùng sẽ bị ô nhiễm, gây bệnh cho mình, cho con mình” (PV HGĐ thôn Long Tum, xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum, nữ). Người dân cũng nhận thức được những ảnh hưởng khác của hành vi này: “Nếu mà cứ đi tiêu ra ngoài, khách nơi xa lên đây du lịch sẽ không muốn đến nữa. Đường mà bẩn với hôi thối thì ai người ta muốn đi qua nữa” (PV HGĐ bản Hốc, xã Mường Thín, huyện Tuần Giáo, Điện Biên).

“Cái hay nhất của ODF là làm một nhưng được mười. Từ khi em làm vệ sinh môi trường đến nay em thấy đây là một can thiệp rất giá trị. Mới đợt đầu triển khai chỉ có 20 thôn, bản đăng ký tham gia, sau cái lễ công nhận có mời hết cả UBND của xã tham gia và chưa tham gia đến, những nơi chưa được vinh danh thì họ thấy có vẻ thua kém, danh dự không được bằng nơi khác, nên họ đã tự nguyện nhận chỉ tiêu về đơn vị mình, thế là đợt thứ 2 triển khai tại Điện Biên có tới 111 thôn đăng ký tham gia, chỉ sau chưa đến 1 năm” (PV đại diện TTYTDP tỉnh Điện Biên).


Ý kiến của bạn