Bệnh đường tiêu hóa
Các bệnh đường tiêu hóa thường gặp như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy... thường do ăn uống phải những thực phẩm hay nước uống bị nhiễm khuẩn gây bệnh.
Tả: Là bệnh truyền nhiễm cấp tính do phẩy khuẩn tả (Vibrrio Cholerae) gây ra, lây truyền qua đường tiêu hóa. Nếu không chữa trị kịp thời sẽ khiến mất nước, trụy tim mạch, kiệt sức và tử vong.
Bệnh tả dễ gây thành dịch, sau những đợt thiên tai lớn (bão, lụt...) và ở những nơi vệ sinh kém, thiếu nước sạch, xử lý phân, rác chưa tốt...
Thương hàn: Là một hội chứng gồm các biểu hiện đường tiêu hóa và toàn thân do S.typhi gây nên. Người bị bệnh ăn uống phải thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh là do ăn uống phải những loại thực phẩm mang vi khuẩn gây bệnh, nước sinh hoạt bị nhiễm chất thải có vi khuẩn thương hàn không được nấu chín hoặc do ăn những thức ăn tươi sống rửa bằng nguồn nước nhiễm khuẩn thương hàn.
Lỵ trực khuẩn: Đây là một loại bệnh viêm đại tràng cấp tính do trực khuẩn Shigella gây ra. Bệnh lỵ trực khuẩn lây trực tiếp là từ người sang người hoặc do bàn tay bẩn nhiễm khuẩn hoặc lây gián tiếp thường qua nước uống, thức ăn.
Lỵ amip: Lỵ amip là tình trạng nhiễm trùng ở ruột già do Entamoeba histolitica. Bệnh lỵ amip dễ hoành hành trong điều kiện sinh hoạt kém, ăn uống thiếu vệ sinh, vệ sinh ngoại cảnh thấp, rác thải quanh nhà tạo điều kiện cho ruồi phát triển và mang amip reo rắc khắp nơi. Bệnh lây qua đường tiêu hóa, amip theo thức ăn, nước uống vào cơ thể, khi đến ruột thì xâm nhập niêm mạc ruột, gây hội chứng lỵ.
Rửa rau dưới vòi nước để loại bỏ vi khuẩn, hóa chất khỏi rau.
Các bệnh về mắt, ngoài da, bệnh phụ khoa
Đa phần các bệnh về mắt, bệnh ngoài da và bệnh phụ khoa, tỷ lệ mắc bệnh liên quan chặt chẽ với việc dùng nước nhiễm bẩn trong sinh hoạt và ăn uống. Các bệnh về da như hắc lào, nấm, lang ben, ghẻ, chàm... Các bệnh về mắt như đau mắt đỏ, đau mắt hột, viêm kết mạc, viêm màng tiếp hợp... Các bệnh phụ khoa như viêm âm đạo có thể mắc do tiếp xúc với nguồn nước bị ô nhiễm. Bởi vậy, để phòng tránh các bệnh này cần có đủ nước sạch để sử dụng hàng ngày.
Bệnh giun sán
Giun đũa, giun tóc, giun móc, giun kim thường lây truyền do trứng giun của người bệnh theo phân ra ngoài rồi lại vào hệ tiêu hóa của người khỏe qua thức ăn, nước uống nhiễm bẩn. Nhiễm giun, sán là tình trạng khá phổ biến ở các nước đang phát triển trong vùng nhiệt đới, do khí hậu nóng ẩm, tập quán ăn uống, vệ sinh môi trường kém.
Ngoài những bệnh do virut, vi khuẩn thì các chất phóng xạ, chất hóa học (dioxin, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, chất diệt côn trùng...) hay kim loại nặng (asen, chì, thủy ngân...) tồn dư trong nước cũng là nguyên nhân gây nên nhiều căn bệnh nguy hiểm như khối u, ung thư, sẩy thai, dị tật bẩm sinh...
Các bệnh nêu trên gây ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường cộng đồng. Vì vậy, công tác xử lý và khử trùng nước đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Điều này góp phần tích cực trong việc ngăn ngừa vi sinh vật xâm nhập nguồn nước, hạn chế tối đa bệnh lây truyền qua nguồn nước, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ nguồn nước.
Bên cạnh đó, mỗi cá nhân phải nâng cao ý thức bảo vệ môi trường như: không vứt rác, đổ chất thải bừa bãi, sử dụng nguồn nước sạch, cần chú ý hơn khi lựa chọn nguồn thực phẩm, rau tươi, hoa quả đảm bảo chất lượng, không có thuốc trừ sâu, rửa rau quả dưới vòi nước chảy để loại trừ trứng giun sán cùng các chất ô nhiễm, thực hiện ăn chín, uống sôi, rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh...