Hưởng ứng “Ngày thế giới vì trẻ sinh non”: Mang đến điều kỳ diệu cho thiên thần nhỏ

16-11-2014 11:26 | Thời sự
google news

SKĐS - Hưởng ứng ngày “Thế giới vì trẻ sinh non” -17/11 và tôn vinh, ghi nhận những đóng góp của cán bộ y tế trong công tác chăm sóc trẻ sơ sinh đặc biệt là chăm sóc trẻ sinh non/nhẹ cân, chương trình “Ngày thế giới vì trẻ sinh non” đã được tổ chức tại Hà Nội ngày 15/11

Chương trình “Ngày thế giới vì trẻ sinh non”  đã được tổ chức với sự hỗ trợ của Công ty Abbott Việt Nam.

 Chương trình do Bộ Y tế (Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em), Hội Phụ sản khoa và sinh đẻ có kế hoạch Việt Nam, Bệnh viện Phụ sản Trung ương phối hợp tổ chức với sự tham dự của PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, lãnh đạo các Vụ/Cục trực thuộc Bộ Y tế; Lãnh đạo và cán bộ của các bệnh viện như: Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bạch Mai, Phụ sản Hà Nội, Thanh Nhàn,…và sự tham gia của các Giáo sư, Tiến sĩ đầu ngành về sản phụ khoa, Nhi khoa và Dinh dưỡng.

Đặc biệt Chương trình còn có sự tham gia của các sản phụ và các bà mẹ/gia đình có trẻ sinh non/nhẹ cân.

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, Việt Nam là một trong 8 nước trên thế giới được công nhận là đang trên đà đạt cả 2 Mục tiêu Thiên niên kỷ 4 và 5 là cải thiện sức khỏe, giảm tử vong bà mẹ, trẻ em vào năm 2015. So với năm 1990, tỷ lệ tử vong mẹ giảm từ 233/100,000 xuống 69/100,000 năm 2009 và tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 58/1,000 xuống 23.2/1,000 năm 2012.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến phát biểu tại buổi lễ              Ảnh: Thu Toàn

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến phát biểu tại buổi lễ Ảnh: Thu Toàn

Để đạt được những thành tựu trên là nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước; sự cống hiến của các cán bộ y tế từ trung ương đến địa phương, sự tham gia tích cực của các Bộ, ngành và sự hỗ trợ của các Tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, trong bước tiến vượt bậc về cải thiện sức khỏe bà mẹ trẻ em của toàn quốc, vẫn còn một số tồn tại cản trở đáng kể trong đó có 2 vấn đề chính cần được sự quan tâm đặc biệt. Đó là (1) sự khác biệt lớn về sức khỏe bà mẹ trẻ em giữa các vùng, miền; (2) tốc độ giảm tử vong trẻ sơ sinh chậm hơn nhiều so với tốc độ giảm tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi và tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi.

Theo báo cáo của Bộ Y tế năm 2011, tỉ lệ trẻ đẻ non/nhẹ cân chiếm 19% trong mô hình bệnh tật của trẻ sơ sinh; tỷ lệ tử vong sơ sinh chiếm 59% số tử vong trẻ dưới 5 tuổi và 70,4% tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi. Nguyên nhân gây nên tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh là do đẻ non/thấp cân, ngạt, chấn thương trong khi đẻ, dị tật và các bệnh nhiễm khuẩn, trong đó nguyên nhân do đẻ non/nhẹ cân chiếm tới 25%, những nguyên nhân này lại có thể phòng tránh được bằng các can thiệp đơn giản như: chăm sóc/quản lý thai nghén; dự phòng đẻ non bằng liệu pháp corticoid; chăm sóc trẻ đẻ non/nhẹ cân bằng phương pháp Kanguroo…..

Các số liệu trên khẳng định thực tế là Việt Nam cần phải có nhiều cố gắng hơn nữa vào các can thiệp giảm tử vong sơ sinh, đặc biệt là giảm tỉ lệ tử vong do đẻ non/nhẹ cân nhằm bảo đảm cho mọi trẻ sinh ra đều được sống, khỏe mạnh và góp phần hướng tới một thế hệ trẻ Việt Nam khỏe mạnh về thể chất, trong sáng về tinh thần và phát triển về trí tuệ.

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh, nhằm làm giảm tỉ lệ trẻ đẻ non/nhẹ cân, bên cạnh sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của Ngành Y tế thì rất cần sự phối hợp của các Bộ/Ngành, cấp ủy/chính quyền địa phương; sự chung tay của toàn thể cộng đồng và sự tham gia của các doanh nghiệp để triển khai đồng bộ các giải pháp từ việc truyền thông, đến việc chăm sóc phụ nữ có thai, dự phòng sinh non và chăm sóc/điều trị cho trẻ sinh non để giảm được tỉ lệ trẻ đẻ non/nhẹ cân, góp phần cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho sự phát triển của đất nước, dân tộc.

Ngọc Thành

 

 

 

 


Ý kiến của bạn