Mặc dù dịch HIV có xu hướng chững lại nhưng vẫn ẩn chứa các yếu tố nguy cơ làm bùng nổ dịch trong cộng đồng nếu không triển khai các biện pháp can thiệp một cách hiệu quả. Nhân Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS, phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống có cuộc trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Thanh Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế về thực trạng dịch HIV ở nước ta và các giải pháp phòng, chống trong thời gian tới.
PV: Nhân Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS năm 2009, xin ông cho biết những nhận định về tình hình dịch HIV ở nước ta trong thời gian qua?
PGS.TS. Nguyễn Thanh Long: Tại Việt Nam, tính đến ngày 30/9/2009, số người nhiễm HIV hiện còn sống được phát hiện là 156.307 người, trong đó có 34.110 bệnh nhân AIDS hiện còn sống, tính từ đầu vụ dịch đến nay đã có 44.232 người nhiễm HIV đã tử vong. Có 100% các tỉnh, thành phố; 97,5% các huyện và trên 70,5% các xã, phường báo cáo có người nhiễm HIV và một số tỉnh, thành phố có 100% số xã, phường báo cáo có người nhiễm HIV.
Hình thái lây nhiễm HIV ở nước ta vẫn đang trong giai đoạn dịch tập trung. Tỷ lệ nhiễm HIV rất cao trong nhóm nghiện chích ma tuý, cao trong nhóm gái mại dâm và đã có dấu hiệu lan ra cộng đồng thể hiện qua tỷ lệ nhiễm HIV tăng trong nhóm phụ nữ mang thai và thanh niên khám tuyển nghĩa vụ quân sự trong những năm gần đây.
Dịch HIV có xu hướng chững lại và không tăng nhanh như những năm trước đây trong nhóm có hành vi nguy cơ cao như nghiện chích ma tuý, gái bán dâm, nhưng có xu hướng gia tăng trong nhóm phụ nữ mang thai và đa dạng hóa đối tượng nhiễm ở nhiều ngành nghề khác nhau như công nhân, trí thức, học sinh, sinh viên...
PV: Với sự cố gắng nỗ lực trong thời gian qua chúng ta đã thu được những kết quả nhất định trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Ông có thể chia sẻ cùng bạn đọc?
PGS.TS. Nguyễn Thanh Long: Với sự quyết tâm chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ban, ngành, đoàn thể và toàn bộ hệ thống phòng, chống HIV/AIDS từ Trung ương đến địa phương, công tác phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam trong năm qua đã đạt được nhiều kết quả:
Đã có 61/63 tỉnh, thành phố thành lập Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS trong đó 58 tỉnh, thành phố có trung tâm riêng biệt và có 3 tỉnh lồng ghép với trung tâm khác. Hệ thống phòng, chống HIV/AIDS được kiện toàn và củng cố là cơ sở cho việc tổ chức các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS ở các địa phương có hiệu quả.
Hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông được thực hiện dưới nhiều hình thức, đa dạng, phong phú về nội dung, đặc biệt chúng ta đã phát động và tổ chức thành công Chiến dịch dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và hiện nay Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đã được phát động và triển khai trên toàn quốc. Phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” cũng đang được các địa phương tích cực triển khai.
Chương trình tiếp cận cộng đồng thu hút trên 6.000 tuyên truyền viên đồng đẳng và 8.582 cộng tác viên tham gia các chương trình can thiệp giảm tác hại (phát bơm kim tiêm sạch và thu hồi bơm kim tiêm bẩn, phát và hướng dẫn sử dụng bao cao su đúng cách trong quan hệ tình dục) dự phòng lây nhiễm HIV. Chương trình điều trị thí điểm thuốc thay thế methadone đã được điều trị tại 6 điểm điều trị của 2 thành phố Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh đã và đang điều trị cho 1.646 bệnh nhân. Ngày 1/12, Hà Nội chính thức khai trương điểm điều trị methadone đầu tiên tại huyện Từ Liêm và sẽ tiếp tục mở rộng tại một số các tỉnh thành phố khác.
Hiện chúng ta có 256 phòng tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện. 100% tỉnh, thành phố đã triển khai điều trị ARV. Trên cả nước đã có 288 điểm điều trị bằng thuốc đặc hiệu kháng virut (ARV), đang điều trị thuốc ARV cho 35.126 bệnh nhân, trong đó có 33.116 bệnh nhân AIDS người lớn, 1.879 trẻ em nhiễm HIV/AIDS và 131 bà mẹ được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Về hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con: Trong 9 tháng đầu năm 2009, trên toàn quốc đã tiến hành tư vấn trước xét nghiệm HIV trước khi sinh cho 298.934 phụ nữ mang thai, trong đó xét nghiệm cho 171.017 người và đã phát hiện 453 phụ nữ mang thai nhiễm HIV (trong đó có 369 trường hợp được điều trị dự phòng). Số trẻ em sinh ra từ mẹ nhiễm HIV sống là 439 trẻ, số được dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang là 428 trẻ. Số trẻ em được xét nghiệm khẳng định tình trạng HIV khi trẻ 18 tháng tuổi là 223 trẻ, điều trị dự phòng bằng cotrimoxazol theo hướng dẫn của Bộ Y tế cho 284 trẻ nhiễm HIV....
Tất cả những nỗ lực trên và nhiều các hoạt động khác đã góp phần làm cho dịch HIV ở Việt Nam trong năm 2009 đã chững lại và không tăng nhanh như những năm trước đây.
Khám, điều trị cho trẻ em nhiễm HIV tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Ảnh: P. H |
PV: Để đạt được những kết quả trên, bên cạnh những thuận lợi chắc cũng còn không ít những khó khăn. Xin ông có thể cho biết những khó khăn nhất chúng ta đang gặp phải trong công tác phòng, chống HIV/AIDS là gì?
PGS.TS. Nguyễn Thanh Long: Mặc dù dịch có xu hướng chững lại nhưng về cơ bản chúng ta vẫn chưa khống chế được dịch, vẫn tiềm ẩn các yếu tố nguy cơ làm lan tràn HIV ở Việt Nam nếu chúng ta không có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả.
Số bệnh nhân HIV/AIDS tiếp cận điều trị thuốc ARV tại những tỉnh trọng điểm ngày càng tăng nhanh dẫn đến tình trạng quá tải cho các cơ sở điều trị ngoại trú. Chưa có cơ chế tổ chức hoạt động cụ thể đối với các phòng khám ngoại trú tại các tuyến. Chính sách đãi ngộ đối với cán bộ làm công tác điều trị còn có nhiều bất cập.
Còn thiếu đầu tư cho các phòng xét nghiệm chuẩn thức, giám sát bị động. Các tỉnh chưa có khả năng đánh giá và dự báo về tình hình dịch. Mạng lưới theo dõi và đánh giá chương trình mới bắt đầu được thiết lập, chưa có nhiều kinh nghiệm.
Nguồn lực của cả Trung ương và địa phương đầu tư cho vấn đề này còn rất thấp so với nhu cầu. Nhiều tỉnh thành phố vẫn hoàn toàn dựa vào nguồn ngân sách Trung ương, thiếu cơ sở pháp lý cần thiết trong việc huy động nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp và tư nhân.
PV: Vậy công tác phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta trong thời gian tới sẽ như thế nào thưa ông?
PGS.TS. Nguyễn Thanh Long: Để công tác phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới có hiệu quả, chúng ta cần thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:
Củng cố và hoàn thiện đội ngũ cán bộ: Giải pháp này bao gồm xây dựng chính sách, khuyến khích cán bộ dự tuyển vào hệ thống phòng, chống HIV/AIDS, hoàn thiện tổ chức mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS từ Trung ương đến cơ sở. Tăng cường đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ trong hệ thống phòng, chống HIV/AIDS.
Xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn chuyên môn, tăng cường thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi phòng lây nhiễm HIV, huy động cộng đồng và phối hợp liên ngành tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS. Đẩy mạnh các hoạt động Can thiệp giảm tác hại và dự phòng lây nhiễm HIV tư vấn, xét nghiệm, tự nguyện, giám sát, theo dõi và đánh giá chương trình, điều trị, chăm sóc, hỗ trợ và bao gồm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Để thực hiện được các giải pháp này thì rõ ràng cần có sự quan tâm và đầu tư đúng mức của cả Trung ương và địa phương cũng như sự tham gia của mỗi cá nhân, tổ chức. Đồng thời năm 2010 chúng ta sẽ tổ chức đánh giá Chiến lược phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam trong thời gian qua và khi đó chắc chắn các định hướng phòng, chống HIV/AIDS trong giai đoạn tới sẽ sát thực hơn.
PV: Xin cảm ơn ông!
PV (thực hiện)