Hà Nội

Hưởng ứng Ngày Quốc tế trẻ em gái 11/10: “Không phân biệt giới, không lựa chọn giới tính thai nhi”

02-10-2015 11:16 | Thời sự
google news

SKĐS - Nhằm chấm dứt các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi do định kiến giới, Bộ Y tế cùng phối hợp với UNFPA tại Việt Nam tổ chức...

Nhằm chấm dứt các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi do định kiến giới, Bộ Y tế cùng phối hợp với UNFPA tại Việt Nam tổ chức chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và kêu gọi sự tham gia, hành động của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước chung tay giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS). Với chủ đề “không phân biệt giới, không lựa chọn giới tính thai nhi”.

Hưởng ứng Ngày Quốc tế trẻ em gái 11/10: “Không phân biệt giới, không lựa chọn giới tính thai nhi”

Con gái thật tuyệt - Con là niềm tự hào của bố mẹ.

Theo thống kê của Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế, tỷ suất giới tính khi sinh (TSGTKS) ở Việt Nam đang ở mức cao, tăng nhanh  và  ngày càng lan rộng; tình trạng MCBGTKS xảy ra cả ở thành thị và nông thôn. Cụ thể, TSGTKS của Việt Nam từ năm 2006 đến nay luôn ở mức trên 110 trẻ em trai/100 trẻ em gái, liên tục tăng và còn tiếp tục tăng. Năm 2014, 10 tỉnh có TSGTKS cao nhất cả nước bao gồm: Quảng Ninh: 124.4, Hưng Yên: 119.5, Lào Cai: 118.4, Hải Dương: 118.3, Bắc Ninh: 117.8, Sơn La: 117.6, Hà Nội: 117.3, Lạng Sơn: 117.1, Tuyên Quang: 116.9, Hòa Bình: 116.7. Kết quả điều tra biến động DS-KHHGĐ năm 2011 của Tổng cục Thống kê cho thấy, tất cả các lần sinh, TSGTKS của Việt Nam đều ở mức cao và đều mất cân bằng. Các nhà nghiên cứu dự báo rằng, trong tương lai, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 2,3-4,3 triệu phụ nữ. Tình trạng “dư thừa” nam giới trong độ tuổi kết hôn trước hết có thể sẽ dẫn tới tan vỡ cấu trúc gia đình, một bộ phận nam giới sẽ phải kết hôn muộn và nhiều người trong số họ không có khả năng kết hôn. Mặt khác, việc gia tăng TSGTKS không những không cải thiện được vị thế của người phụ nữ mà thậm chí còn làm gia tăng thêm sự bất bình đẳng giới như: nhiều phụ nữ phải kết hôn sớm hơn, tỷ lệ ly hôn và tái hôn của phụ nữ sẽ tăng cao, tình trạng bạo hành giới, mua dâm, buôn bán phụ nữ sẽ gia tăng. Nếu khuynh hướng này không thay đổi thì vào năm 2035, Việt Nam sẽ dư thừa khoảng hơn 10% nam giới so với nữ giới. TS. Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết, theo số liệu Tổng cục Thống kê năm 2011, xét ở phạm vi vùng kinh tế - xã hội thì năm 2011, chỉ có 3 vùng còn ở ngưỡng an toàn là Tây Nguyên và Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung. Theo báo cáo thống kê của Tổng cục DS-KHHGĐ năm 2014, 6/6 vùng có tình trạng MCBGTKS, cao nhất là vùng đồng bằng sông Hồng (115), thấp nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long (108.5). Tình trạng gia tăng TSGTKS sẽ dẫn tới những hệ lụy khó lường về mặt xã hội, kinh tế, thậm chí cả an ninh chính trị,... khi nam nữ thanh niên bước vào độ tuổi kết hôn (ở Việt Nam, thời điểm này sẽ bắt đầu xảy ra vào khoảng năm 2025).

Theo đó, với mục đích nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi thái độ của cộng đồng về vai trò và giá trị của con gái trong gia đình và xã hội, đặc biệt là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ; nam, nữ thanh niên, vị thành niên. Đồng thời thúc đẩy trách nhiệm của cá nhân, cộng đồng, các tổ chức và xã hội chung tay giải quyết vấn đề MCBGTKS - một vấn đề cản trở với phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và ảnh hưởng tới cuộc sống của phụ nữ, nam giới, gia đình và cộng đồng. Tổng cục DS-KHHGĐ tổ chức cuộc thi Kể chuyện bằng hình ảnh “Con gái thật tuyệt” trên mạng xã hội. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ của Dự án VNM8P02 do UNFPA tài trợ.

Độc giả quan tâm có thể truy cập vào trang http://cpcs.vn và fanpage “Hạnh phúc gia đình”.    

Bài, ảnh: Nguyễn Tuệ

Cung cấp dịch vụ y tế an toàn cho dân Cung cấp dịch vụ y tế an toàn cho dânGiám sát chặt cúm gia cầm A/H5N6, không để lây sang người Giám sát chặt cúm gia cầm A/H5N6, không để lây sang ngườiNhiều sai phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng, vì sao? Nhiều sai phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng, vì sao?

 


Ý kiến của bạn