Bên cạnh nhiều đầu sách quen thuộc của những cây bút tên tuổi được tái bản, sách thiếu nhi thời điểm này có không ít tác phẩm mới hứa hẹn trở thành món ăn tinh thần bổ ích đối với các độc giả nhí mùa hè này.
Có thể nói, thiếu nhi là đối tượng chiếm tỷ lệ lớn trong thị trường sách ở Việt Nam. Tuy nhiên thực tế phản ánh, chúng ta chưa có nhiều tác phẩm mới đặc sắc để giữ chân các em nhỏ, thay vào đó, nhiều nhà xuất bản (NXB) và các đơn vị phát hành phải nhập tác phẩm của nước ngoài về để phục vụ nhu cầu đọc, học kiến thức của các em. Giám đốc NXB Trẻ, ông Nguyễn Minh Nhựt từng chia sẻ, một số tác phẩm dành cho thiếu nhi của các tác giả tên tuổi trước đây như Tô Hoài, Phạm Hổ, Trần Hoài Dương... tái bản đều khó bán do trẻ em thời nay có cách tiếp cận rất khác. Trong khi đó, hiện nay rất ít các tác giả Việt viết sách thiếu nhi và nếu có thì tác phẩm được đón nhận chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều NXB vì khó khai thác bản thảo sách thiếu nhi Việt nên phần lớn đều mua bản quyền sách nước ngoài để dịch cho nhanh và có hình ảnh đẹp, bắt mắt, đáp ứng nhu cầu của trẻ em ngày nay.
Các em nhỏ có nhiều lựa chọn hơn trong việc đọc sách khi không ít tác phẩm của tác giả Việt vừa được phát hành (Ảnh minh họa).
Không để sách ngoại lấn át, dịp hè này, các độc giả nhí ở nước ta đã có nhiều sự lựa chọn hơn bởi không ít tác phẩm mới đã được phát hành. Trong số này có thể kể đến cuốn Cua Kềnh vượt Vũ Môn (tác giả Phạm Thanh Quang) là một truyện đồng thoại dễ thương với thông điệp hiện đại về ý nghĩa của chiến thắng. Tác phẩm kể về cuộc thi bơi “Vượt Vũ Môn” của cư dân đáy hồ hấp dẫn và căng thẳng hơn mọi năm. Nhà cá chép chiến thắng quá nhiều lần đã trở nên chây lười. Nhân cơ hội đó, nhà cua với đại diện là Cua Kềnh ra sức tập luyện để giành giải nhất. Tuy nhiên, cuộc thi đã khởi đầu cho nhiều sự kiện bất ngờ. Từ những tranh cãi, giận dữ, thế rồi chiến tranh đã xảy ra giữa hai nhà cua cá. Những bài học Cua Kềnh rút ra trong cuộc thi sẽ trở thành hành trang bổ ích cho bạn đọc nhỏ tuổi trong quá trình học tập và phát triển bản thân.
Trong khi đó, mới đây, cuốn Chào thế giới bây giờ con đã đến (thơ, tác giả Lê Minh Quốc) gồm 99 bài thơ dành cho các thiên thần nhỏ và người lớn nhận được sự quan tâm của đông đảo độc giả. Theo đánh giá của nhiều bạn đọc và giới chuyên môn, Chào thế giới bây giờ con đã đến là món quà tặng cao quý của người cha, người mẹ chắp cánh cho con vào đời với niềm vui vô hạn và cũng là tiếng lòng của nhiều phụ huynh: Hãy làm tất cả những gì tốt đẹp nhất cho thế hệ tương lai của chúng ta, ngay từ hôm nay. Trên cuộc đời này, điều gì đó có thể tàn phai nhưng lòng yêu thương dành cho nhau, cha mẹ dành cho con cái vẫn luôn còn lại và tươi xanh mãi mãi.
Trên “bàn tiệc” sách thiếu nhi mùa hè này cũng vừa xuất hiện cuốn Chiếc vòng cổ màu xanh (truyện dài; tác giả Đặng Chương Ngạn) với nội dung vừa sâu sắc, gần gũi, có tính nhân văn và giáo dục cao. Chiếc vòng cổ màu xanh kể về cuộc đời của một con chó có tên là Kẹo bị bọn cẩu tặc bắt khi mới 6 tháng tuổi. Nhờ những bài học ở trường nuôi dạy chó, Kẹo đã tìm cách trốn thoát được để tìm đường trở về với gia đình chủ. Một hành trình trở về đầy khó khăn, bao nhiêu tình huống nghẹt thở. Đặc biệt, Kẹo thông minh chiến đấu chống lại bọn cẩu tặc cứu thoát một số con chó khác, cứu thoát một sinh viên đi giao hàng bị nhận nhầm là cẩu tặc và cứu một em bé bị bọn người xấu bắt cóc... Nhưng cuối cùng, Kẹo đã chết khi dùng thân mình chặn xe hai tên cẩu tặc trên đường chúng đi gây tội ác, qua đó để lại nhiều nỗi tiếc thương trong gia đình ông chủ.
Ngoài ra, dịp này, các em nhỏ còn được thưởng thức truyện dài Anh em... hô biến của nhà văn Trần Tùng Chinh. Tác phẩm là những câu chuyện vừa nghịch ngợm vừa đáng yêu giữa anh trai và em gái, được kể lại bằng một giọng văn hồn nhiên, hóm hỉnh của một cây bút có tâm hồn trẻ thơ bay bổng. Đồng thời, nhiều cuốn sách thiếu nhi cũng đã được phát hành rộng rãi, hứa hẹn sẽ được nhiều em nhỏ chọn mua và đọc như: Món quà của yêu thương (Hồ Xuân Đà), Cúc Dại và Tia Nắng (Dy Duyên), Trong sương thương má (Trương Chí Hùng), Người đi ngang cửa (Kai Hoàng), Mật nắng biên thùy (Nghiêm Quốc Thanh), Tuổi dấu yêu (Hoàng Mai Quyên), Đồi cỏ may (Lê Nghĩa Thành)...
Có thể nói, trong bối cảnh sách thiếu nhi Việt chưa phát triển như kỳ vọng và nhiều khi bị sách ngoại lấn át, thì việc hè năm nay nhiều đầu sách mới kể trên đến với các em nhỏ như một làn gió mát lành cho mảng sách này. Điều này phần nào cho thấy, một số cây bút đã dấn thân vào mảng sách thiếu nhi, viết về trẻ em hôm nay nhưng nỗ lực viết với tâm trạng tuổi thơ của mình. Nhờ sự cộng hưởng hai tâm trạng này, các tác giả ít nhiều tạo nên được dấu ấn trong tác phẩm. Đặc biệt, nhiều người đánh giá, sách cho thiếu nhi nước ta hiện tại ngoài nội dung đã được cải thiện, phù hợp tâm lý và nhu cầu tiếp nhận của trẻ thì khâu mỹ thuật, công nghệ in ấn sách nhằm bắt mắt, hấp dẫn hơn với các em nhỏ đã được đầu tư hơn trước.