Suy giảm trí nhớ, hay còn gọi là quên, khiến chất lượng cuộc sống của họ rất thấp. Trong phạm vi bài viết này tác giả muốn đề cập đến những nguyên nhân chủ yếu gây suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi, để từ đó bản thân người cao tuổi và người thân sẽ có các biện pháp cụ thể phòng ngừa suy giảm trí nhớ ở họ.
Trầm cảm
Trầm cảm chiếm tỷ lệ rất cao ở người cao tuổi (15% với nam và 25% với nữ). Vì vậy trầm cảm sẽ trở thành vấn đề sức khỏe hàng đầu cho người cao tuổi.
Trầm cảm có thể xuất hiện từ trước hoặc khởi phát ở lứa tuổi này, chúng có những đặc điểm sau:
Trí nhớ kém, đặc biệt là trí nhớ gần, đây có thể là lý do chính khiến bệnh nhân phải đi khám bệnh. Các trường hợp có sự suy giảm trầm trọng về trí nhớ được gọi là mất trí giả.
Mất ngủ trầm trọng, thường là mất ngủ cuối giấc. Bệnh nhân tuy khó vào giấc ngủ nhưng vẫn ngủ được, họ thường dậy rất sớm (khoảng 1-2 giờ sáng) và không thể ngủ lại được.
Hay có hành vi tự sát. Bệnh nhân cho rằng mình đã già, bị bệnh nan y, là gánh nặng cho gia đình và xã hội nên tốt nhất là chết đi. Các bệnh nhân này thường có kế hoạch và sự chuẩn bị chu đáo cho hành vi tự sát. Họ thường đợi lúc các thành viên khác trong gia đình không có nhà để thực hiện các hành vi tự sát một cách bạo lực và quyết liệt (như thắt cổ tự tử), nên nguy cơ tử vong là rất cao.
Thường phối hợp với các bệnh cơ thể khác như tăng huyết áp, đái tháo đường, u tiền liệt tuyến... khiến bệnh cảnh lâm sàng trở nên phức tạp hơn.
Dung nạp với thuốc chống trầm cảm và thuốc an thần kém, do đó liều thuốc khởi đầu phải thấp, thời gian điều trị tấn công kéo dài hơn so với các bệnh nhân khác. Tuy nhiên, đáp ứng điều trị ở người cao tuổi thường rất tốt. Sau 3 tháng điều trị liên tục bằng thuốc chống trầm cảm, trí nhớ của bệnh nhân có thể phục hồi gần như hoàn toàn. Các thuốc chống trầm cảm hay dùng là sertralin, paroxetin, mirtazapin.
Chơi cờ giúp phòng ngừa suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi (ảnh minh họa).
Lo âu lan tỏa
Do lo lắng quá mức, bệnh nhân không thể tập trung chú ý, vì thế họ không ghi nhớ được và rất hay quên. Bệnh nhân thường than phiền quên, mất trí nhớ gần, tức là các sự vật, hiện tượng mới xảy ra, ví dụ họ không nhớ mình đã ăn sáng chưa, bỏ chùm chìa khóa ở đâu.
Bệnh nhân lo lắng quá mức về mọi lĩnh vực đa dạng, bao gồm cả các sự kiện hoặc các vấn đề hàng ngày và dự kiến trước (sức khỏe). Họ có triệu chứng trương lực cơ tăng, mất khả năng thư giãn, khó tập trung chú ý, mất ngủ, dễ bị kích thích và mệt mỏi ở các bệnh nhân lo âu lan tỏa. Bệnh nhân nhận biết được điều này nhưng không làm sao kiểm soát được tình trạng này. Họ nhanh chóng mệt mỏi dù chỉ với một cố gắng rất nhẹ nhàng.
Các triệu chứng cơ thể của lo âu được xếp vào 4 nhóm triệu chứng bao gồm triệu chứng tim mạch, dạ dày - ruột, hô hấp và các biểu hiện khác.
Các triệu chứng tim mạch thường gặp: hồi hộp, tăng huyết áp động mạch, đau bỏng vùng trước ngực, cảm giác co thắt trong lồng ngực.
Các triệu chứng dạ dày - ruột: nôn, cảm giác trống rỗng trong dạ dày, trướng bụng, khô miệng, tăng nhu động ruột, cảm giác “hòn, cục ở trong cổ”.
Các triệu chứng hô hấp bao gồm: tăng nhịp thở, cảm giác thiếu không khí, cảm giác khó thở.
Các biểu hiện khác bao gồm: tăng trương lực cơ, run, mệt mỏi, đau đầu, mót đi tiểu, ra mồ hôi, rét run...
Rối loạn lo âu lan tỏa cần được điều trị bằng thuốc chống trầm cảm và thuốc benzodiazepine.
Mất trí
Nổi bật của mất trí là quên, quên cả trí nhớ xa và trí nhớ gần. Bệnh nhân luôn than phiền là quên mọi thứ, bỏ đâu, quên đấy. Bệnh nhân không nhớ tên người quen, không nhớ các sự vật, tác dụng của các đồ vật và không thể tiếp thu được bất kỳ một kiến thức gì mới. Mất trí có mấy nhóm triệu chứng sau:
Vong ngôn: Ngôn ngữ của bệnh nhân nghèo nàn dần. Cuối cùng thì bệnh nhân chỉ nói được vài từ đơn giản.
Vong tri: Bệnh nhân mất dần các tri thức cũ. Cuối cùng họ không còn một chút hiểu biết gì về những người, những đồ vật xung quanh.
Vong hành: Khả năng phối hợp động tác của bệnh nhân kém dần. Họ không thể làm được các việc đơn giản như cài cúc áo, đi đứng loạng choạng, dễ ngã.
Teo não: Trên phim chụp CT Scanner hoặc MRI não có hình ảnh teo não rõ ràng. Teo não hay xảy ra ở vùng trán, thái dương, đỉnh.
Có nhiều nguyên nhân gây ra mất trí như bệnh Alzheimer, Pic, Parkinson, mất trí do căn nguyên mạch máu, mất trí do rượu... Với bất kỳ nguyên nhân nào thì mất trí đều rất khó điều trị, hoặc không thể điều trị được. Việc chăm sóc, nuôi dưỡng bệnh nhân đóng vai trò quyết định trong điều trị mất trí. Bệnh nhân mất trí thường tử vong do nhiễm trùng, đói ăn và tai nạn.
Phòng ngừa thế nào?
Để phòng ngừa suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi, ngay từ trẻ chúng ta cần phải có một lối sống lành mạnh, tránh sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá... Năng hoạt động cả thể chất lẫn trí não. Ngủ đủ giấc, tránh thức khuya, tránh lối sống không lành mạnh như làm việc quá độ, ăn uống quá độ, lười vận động cả tay chân lẫn trí não, ỉ lại, sống thiếu mục tiêu...
Đối với người cao tuổi, tuy tuổi cao sức yếu nhưng cần giữ cho mình một lối sống khoa học, làm việc chân tay và trí óc vừa sức, tránh ngồi, nằm, ngủ nhiều, tránh ăn uống thiếu dinh dưỡng và quá nhiều đồ ăn uống độc hại như đồ ăn nhanh, thức ăn nhiều dầu mỡ, ngọt... Luôn giữ cho tinh thần được cân bằng, tự tại, sống giản dị, chan hòa với mọi người, yêu thương con cháu... Tất cả sẽ giúp cho người cao tuổi có một tuổi già hữu ích, hạnh phúc, bình an bên con cháu và những người thân.