Từ tháng 7 đến nay, Di Li - nữ nhà văn đã ra mắt 2 cuốn sách Gã Tây kia sao lấy được vợ Việt, Nụ hôn thành Rome khiến nhiều người phải... “choáng”. Trước đó, chị đã xuất bản hàng chục cuốn sách từ tiểu thuyết, truyện ngắn đến bút ký, tản văn. Di Li cũng là một cộng tác viên “ruột” của báo Sức khỏe&Đời sống, chị được đánh giá là nữ nhà văn đi và viết sung sức, các tác phẩm luôn tươi mới, chuyển dịch nhưng luôn cuốn hút...
Có thể thấy Di Li là một người khá bận rộn, hiện nay chị đảm nhiệm nhiều công việc cùng lúc: giảng viên PR, giảng viên tiếng Anh tại các trường đại học; dịch giả, nhà báo, chuyên gia PR và làm cả người dẫn chương trình. Có người đặt câu hỏi, làm nhiều việc như thế thì Di Li lấy thời gian đâu để viết sách? “Ngày nào tôi cũng viết, mỗi khi thức dậy vào buổi sáng. Kể cả những ngày nghỉ lễ hoặc Tết Nguyên đán, tôi vẫn ngồi vào bàn viết, mỗi lần như thế tôi viết vài nghìn từ rồi sau đó làm công việc khác. Đặc biệt là chủ nhật, tôi dành cả buổi sáng để viết nên thường tắt điện thoại hoặc bạn bè biết thói quen này nên không nhắn tin, gọi điện” - nhà văn Di Li “bật mí”.
Qua một số tác phẩm, không khó để nhận ra Di Li là nữ nhà văn có sở thích “phượt khắp hành tinh”. Chị đi từ Á sang Âu, nơi nào chị đặt chân đến đều được chị “chụp” lại bằng tâm hồn nhạy cảm. Với Di Li, chị luôn yêu những chuyến đi vì đó là nguồn cảm xúc vô tận luôn chảy ào trong huyết quản. “Nhưng hết thảy, tôi yêu Hà Nội bằng một tình yêu da diết và kỳ lạ” - Di Li chia sẻ. Di Li đi du lịch một cách “có văn hóa”, như nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên - Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội nhận định: “Chị không chỉ đi để biết, cách đi của chị là du lịch văn hóa. Những người như chị rất hiếm”. Cũng dễ hiểu vì sau những chuyến đi, Di Li đều “thai nghén” và sau đó chị “hạ sinh” những đứa con tinh thần để giới thiệu đến công chúng.
Nhà văn Di Li tên thật là Nguyễn Diệu Linh, sinh năm 1978. Đến nay chị đã xuất bản hơn 20 cuốn sách bao gồm cả sáng tác và dịch. Di Li cũng đã có một số giải thưởng đáng giá như: Giải Ba cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2005-2006 với truyện ngắn Cocktail và Ma học trò; Giải Ba viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh tổ quốc và bình yên cuộc sống 2007- 2010” cho tiểu thuyết Trại Hoa Đỏ...
Trước đây, Di Li từng có tập bút ký Đảo thiên đường với nhiều bài viết chủ yếu ở các nước châu Á mà chị đã ghé tới. Đảo thiên đường làm công chúng có phần lặng lẽ mà tràn trề hy vọng khi đứng giữa “cánh đồng chết” ở Campuchia đang hồi sinh. Hoặc bạn đọc phải bật cười vì công tác kiểm tra an ninh ở sân bay quốc tế Luang Prabang tại Lào; cần tinh tế và khéo léo trước kỹ năng tiếp thị đầy mê hoặc ở Trung Quốc nhưng tác giả cũng khuyên mọi người nên đến với Trung Quốc một lần để biết thế nào là “ăn Quảng Châu, mặc Hàng Châu, ngắm cảnh Tô Châu, chết ở Liễu Châu”. Đảo thiên đường vì thế có thể xem là một bản đồ du lịch thu nhỏ, góp lại thành một cẩm nang sinh động nhưng phong phú, đa dạng.
Sau những chuyến đi, Di Li lại ngồi vào bàn viết, chị truyền cảm hứng cá nhân đến công chúng từ những gì chị đã cảm nhận được, như một sự sẻ chia về một không gian mới với những câu chuyện thú vị. Cuốn bút ký Nụ hôn thành Rome của Di Li vừa ra mắt là minh chứng cụ thể. Cuốn sách này là chuỗi câu chuyện tác giả kể về những vùng đất ven bờ Địa Trung Hải như Santorini, Athens, Istanbul, Rome... cho đến Đông Âu như Budapest, Warsawa và cả thành phố New Dehli, Agra, Jaipur, Kolkata ở Ấn Độ. Trải nghiệm hành trình của Di Li miêu tả nỗi sợ hãi của những người đồng hành ở Kolkata, những lo lắng khi trót chọn nhầm khách sạn ở khu dân cư Omonia có nhiều xã hội đen, những phút lặng mình vì vẻ đẹp kiến trúc lộng lẫy và lãng mạn tại thành Rome. Điều đáng chú ý, trong mỗi bài viết của chị cho thấy việc tìm kiếm các giá trị văn hóa, tầm quan sát và cảm nhận về con người, xã hội ở nơi đó bằng góc nhìn mềm mại, nữ tính pha lẫn hài hước.
Ở Việt Nam, trào lưu sách du ký của các nhà du hành nữ giới mới thịnh hành và phát triển trong khoảng 5 năm trở lại đây. Di Li là một trong những nữ nhà văn đi đầu trong trào lưu này với cuốn Đảo thiên đường (2009) và mới nhất là Nụ hôn thành Rome. Theo ngài Akif Ayhan - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam: “Di Li là một chân đi với kỹ năng quan sát sắc bén để có thể miêu tả không thiên vị về những thành phố và vùng đất mà cô đã đi qua. Đây là câu chuyện khám phá được kể lại một cách tài hoa bởi một phụ nữ Việt Nam đã nổi tiếng vì niềm đam mê khám phá những miền đất lạ. Sự phóng khoáng của cô trong các câu chuyện cũng sẽ quyến rũ độc giả như đã từng khiến họ say mê với những cuốn tiểu thuyết trinh thám mà cô đã viết”. Trong khi đó, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bình luận: “Nói đến “chân đi” ở Việt Nam, ít bậc chữ nghĩa nào bỏ được tên Di Li ra khỏi danh sách độ 10 gương mặt tiêu biểu... Tôi thấy rất rõ qua những trang ghi chép đầy báo chí mà cũng đầy văn học của “người dẫn đường du lịch khắp địa cầu” Di Li một cái chất Đàn Bà. Đàn bà đến đáy chứ không phải đàn bà lớt phớt”.
Không chỉ nổi tiếng với dòng sách du ký, Di Li còn được giới chuyên môn, bạn đọc đánh giá cao với các tiểu thuyết trinh thám đã từng xuất bản. Điều đặc biệt nữa, Di Li luôn “chuyển dịch” bởi chị còn viết cả tạp văn. Nhà thơ Trần Đăng Khoa khi đọc cuốn tạp văn Gã Tây kia sao lấy được vợ Việt của Di Li nhận xét: “Tôi cho rằng, với tạp văn, không ai viết hơn được Phan Thị Vàng Anh. Nhưng Di Li cũng sắc sảo không kém. Nếu Vàng Anh sắc nét như một con dao được bóc trần ra thì Di Li lại sắc như một con dao bọc lụa”. Gã Tây kia sao lấy được vợ Việt là cuốn tạp văn thứ ba của Di Li sau Cocktail thị thành (năm 2011) và Adam & Eva (2013). Trong các tạp văn này, bạn đọc đều nhận thấy sự mới mẻ, khác biệt và những dòng văn đầy sâu sắc của Di Li!
Hoa Quỳnh