Hà Nội

Hướng tới tiếp cận công bằng ít nhất 2 tỷ liều vắc-xin COVID-19 đến cuối năm 2021

11-09-2020 14:39 | Quốc tế
google news

SKĐS - Hội nghị Ủy ban thúc đẩy công cụ ứng phó với COVID-19 (ACT-A) do WHO và EC đồng tổ chức đặt ra mục tiêu tiếp cận công bằng ít nhất 2 tỷ liều vắc-xin COVID-19 trên toàn cầu tới cuối năm 2021.

Ngày 10/9, Ủy ban châu Âu (EC) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đồng tổ chức Hội nghị cấp cao Ủy ban tạo điều kiện thuận lợi cho chương trình “Access to COVID-19 Tools Accelerator – ACT-A” (Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19) dưới hình thức trực tuyến.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tại hội nghị trực tuyến giải pháp toàn cầu ứng phó COVID-19 (ATC-A).

Hội nghị trực tuyến có sự tham dự của Tổng thư ký LHQ António Guterres, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Thủ tướng Na Uy Erna Solberg, Tổng thống Rwanda Paul Kagame và Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tại hội nghị trực tuyến ACT-A.

Nam Phi và Na Uy đồng chủ trì cuộc họp cấp cao đầu tiên của Ủy ban ACT-A. Thành viên tham dự Hội nghị trực tuyến là các quốc gia đại diện cho các nhóm cấp khu vực (Việt Nam hiện tại đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020); các quốc gia tài trợ và các quốc gia định hình các thị trường cho các công cụ của COVID-19. Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam GS.TS. Trần Văn Thuấn đại diện cho Bộ Y tế Việt Nam tham dự hội nghị trực tuyến.

Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam GS.TS. Trần Văn Thuấn tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Việt Nam

Các mục tiêu của ACT-A đặt ra bao gồm: cung cấp một cách công bằng ít nhất 2 tỷ liều vắc-xin đến cuối năm 2021, tập trung vào các nhóm ưu tiên; cung cấp 245 đợt điều trị và 500 triệu xét nghiệm cho các quốc gia có thu nhập trung bình thấp từ nay đến giữa năm 2021 bên cạnh việc cung cấp các trang thiết bị bảo hộ cá nhân và máy thở oxy cho các quốc gia có nhu cầu.

Cơ chế ACT-A được khởi động vào ngày 24/4 với tầm nhìn là tạo ra một giải pháp toàn cầu mang tính đầu cuối để  đẩy nhanh việc kết thúc đại dịch COVID-19. Để thực hiện mục tiêu của mình, ACT-A cần huy động số tiền là 38 tỷ USD đề đầu tư vào 3 trụ cột, bao gồm nghiên cứu vắc-xin (15,9 tỷ USD); điều trị (7,2 tỷ USD), và chẩn đoán (6 tỷ USD) bên cạnh đầu tư cho hoạt động kết nối các hệ thống y tế (9 tỷ USD).

Hiện tại, ACT-A đã huy động được số tiền là 2,7 tỷ USD. Canada và Pháp là hai nhà tài trợ lớn nhất cho chương trình này đến thời điểm hiện tại.

Các nhà tài trợ thành lập nên ACT-A gồm có: Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Na Uy, Saudi Arabia, Tây Ban Nha và Anh quốc.


Nguyễn Vân
Ý kiến của bạn