Hướng tới sự phát triển vững bền

21-11-2018 13:45 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Phê duyệt Đề án truyền thông về cải thiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch nông thôn giai đoạn 2018-2025 và tầm nhìn đến năm 2030”

“Thực hiện Nghị quyết Trung ương số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, ngày 13/11/2018 Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký quyết định Phê duyệt Đề án truyền thông về cải thiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch nông thôn giai đoạn 2018-2025 và tầm nhìn đến năm 2030”.

Thực trạng công tác vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và sử dụng nước sạch

Trong những năm vừa qua, việc thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã mang lại hiệu quả đáng kể, góp phần cải thiện đời sống của người dân. Theo báo cáo tổng hợp từ 63 tỉnh thành phố năm 2017, tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh tại nông thôn đã tăng lên gần 12,8% trong vòng 10 năm. Tuy nhiên, tỷ lệ nhà tiêu HVS phân bố không đồng đều giữa các vùng sinh thái. Khu vực Đồng bằng sông Hồng 97,8%, Đông Nam Bộ 97,1%, tiếp theo là các tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 84%, các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc 67,6%, Đồng bằng sông Cửu Long 67,3%, và các tỉnh Tây Nguyên 63,3%, trong đó nhiều tỉnh có tỷ lệ nhà tiêu HVS hộ gia đình đạt dưới 50%.

Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh tăng hơn 8% từ năm 2011 đến năm 2015. Đến đầu năm 2017, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn của cả nước được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 85,7%, trong đó chỉ có 49% được sử dụng nước sạch theo QCVN 02:2009/BYT của Bộ Y tế.

Về cấp nước và vệ sinh đối với trường học (mầm non, tiểu học và trung học cơ sở) và trạm y tế: Đến nay có khoảng 93% trạm y tế có nước sạch và nhà tiêu HVS được quản lý và sử dụng tốt. Tuy nhiên, một số vùng có tỷ lệ trạm y tế có nước sạch và nhà tiêu HVS còn thấp thuộc miền núi phía Bắc (80%) và Tây Nguyên (84%). Đến cuối năm 2015 tỷ lệ các trường học có nguồn nước sạch và nhà tiêu HVS là 78,6%, vẫn còn nhiều trường học, nhà trẻ, mẫu giáo thiếu nguồn nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh.

Việc thực hiện hành vi rửa tay với xà phòng của người dân vào các thời điểm quan trọng như trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh còn thấp và chưa duy trì được thành thói quen thường xuyên. Tỷ lệ rửa tay với xà phòng của người dân trước khi ăn là 54%, rửa tay với xà phòng sau khi đi đại tiện là 63,8% và rửa tay với xà phòng sau khi đi tiểu tiện là 11,8%...

Các nữ thanh niên thu gom rác thải hưởng ứng phong trào vệ sinh yêu nước.

Và những hạn chế trong công tác truyền thông

Các cấp lãnh đạo chính quyền địa phương, Bộ, ban ngành, đoàn thể ở nhiều nơi chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác truyền thông, chưa coi đây là nhiệm vụ ưu tiên trong phát triển kinh tế của từng địa phương; Công tác phối hợp liên ngành trong công tác truyền thông chưa thường xuyên.

Chính quyền các cấp địa phương, chưa chủ động cân đối, bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương cho việc triển khai công tác truyền thông về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và nước sạch nông thôn; Việc huy động sự hỗ trợ để cải thiện điều kiện vệ sinh chưa đáp ứng được so với nhu cầu; Đội ngũ thực hiện công tác truyền thông về nước sạch và vệ sinh còn hạn chế về năng lực, phương tiện truyền thông còn thiếu thốn.

Các phương pháp và nội dung truyền thông triển khai đến từng đối tượng thụ hưởng chưa chú trọng tới đặc điểm địa lý, văn hóa, dân tộc của từng vùng miền.

Còn tồn tại khoảng cách rất lớn từ kiến thức tới thực hành, đặc biệt ở các nhóm đối tượng là người nghèo, người dân tộc thiểu số và người dân ở vùng nông thôn, miền núi, vùng kinh tế khó khăn. Rửa tay với xà phòng chưa thành thói quen. Thực hành vệ sinh tại hộ gia đình về xử lý rác còn nhiều hạn chế…

Các mô hình truyền thông đã triển khai, tuy nhiên chưa được tổng kết, đánh giá để áp dụng phù hợp với từng vùng miền, từng đối tượng.

Vì vậy Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế là đầu mối đã phối hợp với các Bộ, Ban, Ngành liên quan xây dựng “Đề án truyền thông về cải thiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch nông thôn giai đoạn 2018-2025 và tầm nhìn đến năm 2030” nhằm tăng cường triển khai có hiệu quả các hoạt động thông tin, truyền thông về cải thiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và sử dụng nước sạch nông thôn, góp phần củng cố, nâng cao nhận thức và trách nhiệm thực hiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các bộ, ban ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và sử dụng nước sạch nông thôn nhằm phòng chống dịch, bệnh và nâng cao sức khỏe nhân dân.


Mai Hương
Ý kiến của bạn