Thông qua các ý kiến đóng góp này, ngành y tế TP sẽ chủ động nắm bắt tình hình để phân tích tìm nguyên nhân và có giải pháp cải tiến chất lượng phục vụ người bệnh.
Nhân viên y tế hướng dẫn người dân sử dụng bảng điện tử.
Trong các tháng đầu năm 2018, phần mềm tổng hợp kết quả của hệ thống kiot khảo sát thuộc Sở Y tế TP.HCM cho thấy: trong tháng 4/2018 có tổng cộng 1.153 lượt ý kiến không hài lòng, giảm 59% so với tháng 3/2018 (2.808 lượt). Hầu hết các khâu đều có số lượt phản ánh giảm hơn 50% so với tháng 3/2018, trong đó giảm mạnh nhất là khâu làm thủ tục khám BHYT (67 lượt, giảm 68,5%).
Kiot khảo sát được đặt tại khoa khám bệnh trong các BV.
Khâu làm thủ tục đăng ký khám cũng đã có sự giảm đáng kể, 123 lượt (giảm 62% so với tháng 3/2018 và 77% so với tháng 1/2018) nhưng vẫn đứng đầu trong nhóm chiếm tỷ lệ không hài lòng cao. Như vậy, tính từ đầu năm 2018, hệ thống kiot khảo sát không hài lòng tại các bệnh viện ghi nhận số ý kiến không hài lòng của người bệnh tiếp tục giảm ở tất cả các nội dung (gồm 15 câu hỏi).
Kết quả này là tín hiệu đáng mừng của ngành y tế TP.HCM vì xuất phát từ ý kiến không hài lòng của người bệnh có trong kiot, các bệnh viện đã không ngừng tiếp nhận và triển khai cải thiện chất lượng dịch vụ với phương châm “Lấy người bệnh làm trung tâm” để tiếp tục gắn với mọi hoạt động của các bệnh viện, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, hướng đến sự hài lòng của người bệnh.
Khi người bệnh không hài lòng, chỉ cần nhấn nút phản ánh tại máy khảo sát.
Tuy nhiên, sang tháng 5, hệ thống kiot khảo sát lại ghi nhận ý kiến không hài lòng của người dân tăng cao đột biến so với các chỉ số không hài lòng giảm dần từ tháng trước, với tổng cộng 4.397 lượt so với tháng 3 với 2.808 lượt, tháng 4 với 1.153 lượt… Đây là điều trái ngược, dù có giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng nếu tính từ đầu năm đến nay, tháng 5 có số lượt ý kiến không hài lòng tăng cao, đáng chú ý, sự không hài lòng tăng ở tất cả 15 nội dung đánh giá. Trong đó, tăng cao nhất ở khâu thanh toán chi phí khám, chữa bệnh (263 lượt) và khâu làm thủ tục khám Bảo hiểm y tế (320 lượt).
Kết quả khảo sát 4 tháng đầu năm 2018.
Thông qua việc nắm bắt tình hình biến động hàng tháng, đặc biệt trong tháng 5 với chỉ số không hài lòng tăng đột biến, ngành y tế thành phố sẽ chủ động chọn nội dung được người bệnh phản ánh không hài lòng với số lượt cao nhất để phân tích tìm nguyên nhân và có giải pháp cải tiến chất lượng phục vụ người bệnh. Theo Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh: Các bệnh viện thường sẽ mất từ 3-6 tháng để khắc phục hiệu quả phản ánh không hài lòng. Nếu sau 6 tháng vẫn tiếp nhận chỉ số “không hài lòng” cao ở cùng một nội dung phản ánh không hài lòng, Sở Y tế sẽ kiểm tra bệnh viện đó có thật sự thực hiện các biện pháp cải tiến, sau đó mới quy rõ trách nhiệm của giám đốc.
Được biết, Sở Y tế TP.HCM cũng đã yêu cầu các bệnh viện báo cáo các hoạt động được bệnh viện chọn để cải tiến chất lượng, hướng tới hài lòng người bệnh. Thông qua báo cáo của các bệnh viện, Sở Y tế TP.HCM sẽ có kế hoạch kiểm tra, giám sát thực tế tại một số bệnh viện, đồng thời tiếp tục phát hiện và ghi nhận những cách làm hay để giới thiệu nhân rộng trong toàn ngành.