Hướng tới mục tiêu không còn ca nhiễm HIV mới

06-09-2011 13:09 | Tin nóng y tế

Từ ngày 26 - 30/8/2011 tại Bussan, Hàn Quốc đã diễn ra Hội nghị quốc tế về HIV/AIDS khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 10 (ICAAP10).

Từ ngày 26 - 30/8/2011 tại Bussan, Hàn Quốc đã diễn ra Hội nghị quốc tế về HIV/AIDS khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 10 (ICAAP10). Tại đây, nhiều giải pháp ứng phó với HIV trong thời gian tới đã được đưa ra thảo luận…

Ứng phó với HIV đang đứng trước ngã ba đường

Ước tính vào năm 2009 vẫn còn 4,9 triệu người sống với HIV ở châu Á và Thái Bình Dương (4,5 - 5,5 triệu). Việt Nam là 1/11 quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi HIV trong khu vực.

Các ca nhiễm HIV mới trong khu vực vẫn tập trung trong các nhóm chính có nguy cơ lây nhiễm cao, gồm những người tiêm chích ma túy, người mua và bán dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới và những người chuyển giới.

Ở Việt Nam, ước tính cứ 5 nam giới tiêm chích ma túy thì có 1 người sống với HIV vào năm 2009. Số hiện nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới cũng rất cao, chiếm tới 16,7%. Thời gian qua chúng ta đã có những bước tiến trong việc dự phòng lây nhiễm HIV cho những phụ nữ bán dâm, với số hiện nhiễm HIV toàn quốc trong nhóm này vào năm 2009 là 3,2%. Tuy vậy, vẫn phát hiện những điểm nóng với số hiện nhiễm cao, như Hải Phòng với số hiện nhiễm HIV trong phụ nữ bán dâm trên đường phố là 8,5% vào năm 2009.

Trong toàn khu vực, số người tiếp cận được điều trị kháng virut để tiếp tục sống đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 2006. Nhưng đến cuối năm 2009 vẫn còn hơn 60% số người đủ tiêu chuẩn tham gia điều trị trong khu vực chưa tiếp cận được chương trình. Ở Việt Nam, số người được điều trị đã tăng 18 lần trong vòng 5 năm qua nhưng vẫn còn hơn một nửa số người lớn cần đến điều trị chưa tiếp cận được chương trình điều trị kháng virut.

Ứng phó với HIV ở châu Á và Thái Bình Dương hiện đang đứng trước ngã ba đường. Mặc dù toàn khu vực đã đạt được nhiều thành tựu nhưng tiến độ thì còn vô cùng mong manh. Hầu hết các quốc gia trong khu vực bao gồm cả Việt Nam vẫn còn cách xa các mục tiêu về tiếp cận phổ cập tới dự phòng HIV, điều trị, chăm sóc và hỗ trợ.

 PGS.TS. Bùi Đức Dương trình bày tại Hội nghị về Kế hoạch điều trị HIV 2.0 tại Việt Nam.Ảnh: LHQ

Giải pháp nào?

Tại Hội nghị quốc tế về HIV/AIDS khu vực châu Á và Thái Bình Dương lần thứ 10, các đại biểu nhấn mạnh cần phải có các chương trình HIV tập trung hơn cho các nhóm chính có nguy cơ lây nhiễm cao, cải tổ mạnh mẽ hơn nữa khung chính sách và pháp lý liên quan đến HIV và huy động nhiều nguồn lực trong nước hơn nữa để đảm bảo ngân sách bền vững cho phòng, chống AIDS.

Ông Michel Sidibé, Giám đốc điều hành UNAIDS cho biết, để tiến tới thực hiện không còn ca nhiễm HIV ở châu Á và Thái Bình Dương, các ứng phó quốc gia với HIV trong khu vực phải được xây dựng dựa trên các thành tựu trong nghiên cứu khoa học cũng như những thực tiễn về phòng chống dịch ở trong nước. Và để thực hiện được “mục tiêu ba không”, Việt Nam và các quốc gia trong khu vực hơn bao giờ hết cần có những hành động táo bạo và vai trò lãnh đạo mạnh mẽ hơn nữa nhằm giải quyết những thách thức nêu trên, tận dụng được những tiến bộ khoa học và những cam kết đã đưa ra trong bản Tuyên bố chính trị về HIV/AIDS năm 2011 của Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Việt Nam là một trong số ít các quốc gia sẽ thử nghiệm phương pháp điều trị 2.0, một sáng kiến phối hợp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và UNAIDS nhằm tiếp cận một cách toàn diện tới việc đơn giản hóa, giảm chi phí và tăng tính hiệu quả của điều trị HIV. Thử nghiệm điều trị HIV 2.0 sẽ được thực hiện tại tỉnh Cần Thơ và tỉnh Điện Biên trong thời gian từ tháng 10/2011 - 12/2012.

Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS Bùi Đức Dương - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam đã trình bày kế hoạch thử nghiệm điều trị 2.0 và cho biết: “Việt Nam vui mừng là một trong những quốc gia thử nghiệm điều trị 2.0, bởi chúng ta cần phải làm được nhiều hơn, tốt hơn và bảo đảm sự bền vững của ứng phó quốc gia với HIV”. Điều này đã chứng tỏ sự quyết tâm và vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong việc thực hiện tiếp cận phổ cập tới các dịch vụ về HIV.             

Bích Huệ


Ý kiến của bạn