Hướng tới mục tiêu giảm tỷ lệ thấp còi cho trẻ dưới 3 tuổi

11-12-2013 21:21 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Sau 10 năm thực hiện Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng, Việt Nam đã đạt được những thành tích rất đáng khích lệ trong việc giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi

Sau 10 năm thực hiện Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng, Việt Nam đã đạt được những thành tích rất đáng khích lệ trong việc giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi. Tình trạng dinh dưỡng của trẻ em đã được cải thiện đáng kể và đã đạt được Mục tiêu thiên niên kỷ về giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân...

Báo cáo mới nhất của Bộ Y tế (2012) về kết quả thực hiện Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Việt Nam về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe trong đó có phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em thì tỷ lệ SDD thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 41% (năm 1990) xuống còn 16,2% (năm 2012), hoàn thành mục tiêu trước thời hạn 3 năm. Tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm gần 3 lần, từ 59‰ (năm 1990) xuống còn 23,2‰ (năm 2012), tiếp cận với mục tiêu đặt ra đến 2015 là 19,3‰. Tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi cũng giảm mạnh từ 44,4‰ (năm 1990) xuống còn 15,4‰ (năm 2012), gần đạt mục tiêu đề ra cho năm 2015 là 14,8‰. Tuy nhiên, theo kết quả điều tra của Viện Dinh dưỡng cho thấy, trong khi tỷ lệ SDD trẻ em ở một số tỉnh đồng bằng đã giảm xuống mức thấp như TP. Hồ Chí Minh (7,8%), Hà Nội (9,7%); thì nhiều khu vực miền núi vẫn còn ở mức rất cao như Đăk Nông (31,9%), Kon Tum (31,5%), Quảng Bình (30,6%), Lai Châu (30,0%); đặc biệt là tỷ lệ SDD liên quan mật thiết với tình trạng đói nghèo của người dân ở các vùng xa xôi, hẻo lánh, miền núi, hải đảo... Để đạt được các mục tiêu phòng chống SDD trẻ em theo thời hạn chót của Mục tiêu thiên niên kỷ vào năm 2015 là vấn đề không hề dễ.


	Phải cho trẻ ăn uống đủ dinh dưỡng. Ảnh: TM

Phải cho trẻ ăn uống đủ dinh dưỡng. Ảnh: TM

Trên cơ sở khảo sát 1.200 bà mẹ tuổi từ 18-40 có con dưới 4 tuổi ở cả 3 vùng Bắc, Trung, Nam theo khu vực thành thị và nông thôn, Viện Nghiên cứu gia đình và giới (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) nghiên cứu về bổ sung chất dinh dưỡng cho trẻ nhỏ từ 6-36 tháng. Nghiên cứu này đã chỉ ra, mặc dù Việt Nam đã ban hành các chính sách nhằm bảo đảm cho việc nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng tuổi, nhưng dinh dưỡng bổ sung song song với sữa mẹ cho trẻ dường như vẫn chưa được đánh giá đúng mức.

Vẫn còn nhiều bất cập trong bổ sung dinh dưỡng cho trẻ về thời điểm, các loại thực phẩm, khẩu phần, nhận thức của người mẹ trong việc bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ. Có tới 65% bà mẹ cho trẻ ăn bổ sung không đúng độ tuổi khuyến nghị, quá sớm tức dưới 5 tháng tuổi hoặc quá muộn sau 10 tháng tuổi. Hậu quả ăn sớm khiến nhu cầu bú sữa mẹ của trẻ ít đi và người mẹ cũng tiết ra ít sữa hơn khiến trẻ không nhận dưỡng chất quan trọng của sữa mẹ cho hệ miễn dịch hoặc ăn quá muộn là nguyên nhân trẻ chậm phát triển và bị SDD. Gần 5% số trẻ không được bổ sung nước theo khuyến nghị. Do đó, để hướng tới mục tiêu giảm tỷ lệ thấp còi cho trẻ dưới 3 tuổi còn 26% vào năm 2015 và 23% vào năm 2020, Viện Nghiên cứu gia đình và giới đề xuất Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ nhỏ dưới 3 tuổi cũng như mở rộng Chương trình dinh dưỡng sữa học đường tới cả nhóm tuổi nhỏ hơn; tập trung thực hành dinh dưỡng bổ sung cho trẻ từ 7 - 36 tháng tuổi, giai đoạn trẻ dễ bị SDD nhất. Vấn đề quan trọng là việc lựa chọn dinh dưỡng bổ sung tốt và phù hợp nhất cho con mình phải được xem là quyền và cũng là trách nhiệm cao nhất thuộc về người mẹ...   

Hồng Hoa

 


Ý kiến của bạn