Hà Nội

Hướng tới mục tiêu chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người bệnh phong

14-03-2012 09:47 | Bệnh thường gặp
google news

Từ năm 2000, Việt Nam đã đạt được mục tiêu loại trừ bệnh phong theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (tỉ lệ lưu hành

Từ năm 2000, Việt Nam đã đạt được mục tiêu loại trừ bệnh phong theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (tỉ lệ lưu hành <1/10.000). Tháng 11/2010, đã có 43 tỉnh, thành loại trừ bệnh phong theo 4 tiêu chuẩn của Việt Nam. Bệnh phong không còn là mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, sự kỳ thị về căn bệnh này vẫn diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Bệnh nhân phong và gia đình họ bị phân biệt đối xử, có xu hướng tách riêng và sống bên lề xã hội. Nhân Hội thảo “Chống sự kỳ thị và phân biệt đối xử với bệnh nhân phong”, phóng viên Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Hậu Khang - Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Phòng chống phong quốc gia về vấn đề này.

PV: Theo tiêu chuẩn của WHO, chúng ta đã loại trừ bệnh phong, việc duy trì và hướng tới thanh toán bệnh phong như thế nào, thưa ông?

 PGS.TS. Trần Hậu Khang.
PGS.TS. Trần Hậu Khang:
Với việc áp dụng trị liệu phối hợp nhiều loại thuốc, hay còn gọi là đa hóa trị liệu (ĐHTL) trong điều trị bệnh phong, dịch tễ bệnh phong ở nước ta đã thay đổi một cách đáng kể. Tỉ lệ lưu hành từ 6-7/10.000 dân số trong những năm 1980 đã giảm xuống dưới 1/10.000 năm 1995. Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì Việt Nam đã loại trừ bệnh phong (Elimination). Tuy nhiên, đây chỉ là mục đích bước đầu nhằm loại trừ những vấn đề bệnh phong gây ra cho cộng đồng, vì vậy, các hoạt động của chương trình chống phong vẫn phải được tiếp tục.
 
Chúng ta vẫn duy trì Chương trình phòng chống phong quốc gia và đặc biệt có sự ưu tiên về nhân lực, vật lực cho các vùng khó khăn, có tỉ lệ bệnh cao. Chính vì vậy, trong những năm qua, tỉ lệ lưu hành bệnh tiếp tục giảm, năm 2010 chỉ còn 0,2/10.000 dân số. Tuy nhiên, số bệnh nhân bị tàn tật cần phải chăm sóc và phục hồi chức năng trong cả nước vẫn còn cao. Ngoài ra, ở một số tỉnh miền núi, vùng khó khăn, số bệnh nhân mới phát hiện vẫn còn cao, vì vậy, chúng ta vẫn phải cố gắng để giảm thiểu hơn nữa những gánh nặng do bệnh phong gây ra cho cộng đồng để hướng tới mục đích cuối cùng là thanh toán bệnh phong (Eradication).

PV:Ông có thể nói rõ hơn vấn đề giải quyết những thành kiến phân biệt đối xử với bệnh nhân phong và người nhà của họ để đưa bệnh nhân phong tái hòa nhập cộng đồng?

PGS.TS. Trần Hậu Khang: Một trong những thắng lợi có ý nghĩa nhất của chương trình chống phong trong những năm qua là thay đổi quan niệm sai lầm về bệnh phong trong cộng đồng. Các bệnh nhân phong không bị xua đuổi, xa lánh mà được điều trị miễn phí tại nhà. Trường hợp bị phản ứng phong, tàn tật, biến chứng... được điều trị tại các cơ sở y tế đa khoa hay chuyên khoa. Ngoài ra, con em bệnh nhân và người nhà của họ vẫn được học tập, lao động bình thường.

Tuy nhiên, vẫn xảy ra những trường hợp đáng tiếc ở một số nơi: sự mặc cảm về bệnh làm cho những người mắc bệnh không dám đi khám, để bệnh tiến triển nặng dẫn đến tàn tật. Chính những tàn tật này đã làm cho cộng đồng xa lánh họ. Một số nơi không cho các bệnh nhân phong sống cùng trong khu vực tái định cư…

Để giải quyết những vấn đề này, chương trình chống phong đã phát động chiến dịch thông tin, tuyên truyền về bệnh phong trong cộng đồng để người dân hiểu được rằng bệnh phong là một bệnh nhiễm khuẩn hoàn toàn bình thường như những bệnh khác, rất ít lây và rất khó lây lan. Nếu phát hiện và điều trị kịp, sớm, bệnh khỏi hoàn toàn, không để lại di chứng. Ngoài ra, chúng tôi có những chế độ ưu tiên đặc biệt cho những người bị tàn tật và con em của họ như mở các lớp phục hồi chức năng miễn phí, đào tạo, dạy nghề, tạo điều kiện tìm việc làm…

 Trực khuẩn phong gây tổn thương thần kinh ngoại biên.

PV:Hội thảo lần này nhằm mục đích “chống sự kỳ thị và phân biệt đối với bệnh nhân phong”, vậy những giải pháp được đưa ra thảo luận là gì, thưa ông?

PGS.TS. Trần Hậu Khang: Nhằm loại bỏ, chấm dứt những thành kiến, phân biệt đối xử với những người bị ảnh hưởng do bệnh phong và gia đình của họ, cần có các giải pháp sau: Phát động một chiến dịch thông tin tuyên truyền, đặc biệt ở những vùng xa xôi, hẻo lánh, khó khăn, dịch tễ bệnh cao; Cần có sự cam kết của chính quyền trong công tác loại trừ bệnh phong; Huy động sự giúp đỡ vật lực của các nhà hảo tâm; Có sự phối hợp với các tổ chức phi chính phủ trong việc xây dựng các đề án, đề tài hòa nhập cộng đồng cho người bệnh; Tổ chức các lớp đào tạo về chăm sóc tàn tật cho bản thân bệnh nhân và các thành viên trong gia đình họ.

PV: Chương trình “Bệnh phong và giá trị con người” đang được thực hiện tại 5 nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Xin ông cho biết mục tiêu, ý nghĩa và tính khả thi của chương trình?

PGS.TS. Trần Hậu Khang: Đây là một chương trình nhân đạo, rất nhân văn do Tổ chức Nippon, Nhật Bản tài trợ cho các nước trong khu vực Đông Nam Á. Việt Nam là nước thứ 5 thực hiện chương trình này (sau Campuchia, Thái Lan, Philippines, Indonesia). Mục đích của chương trình này là thực hiện nghị quyết của Liên hợp quốc về quyền con người (ban hành tháng 10/2010) nhằm chấm dứt mọi sự kỳ thị, phân biệt đối xử với những người bị ảnh hưởng do bệnh phong và gia đình họ, tạo điều kiện cho họ được sống, lao động, học tập bình thường khi đang điều trị cũng như khi đã khỏi bệnh, tái hòa nhập cộng đồng. Ngoài ra, các hoạt động của chương trình này cũng nhằm tạo điều kiện cho các bệnh nhân giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong vấn đề tự chăm sóc sức khỏe, tinh thần.

PV: Xin cảm ơn ông!

         Mai Linh (thực hiện)


Ý kiến của bạn