“Điều quan trọng nhất không phải là biết BV kém thế nào để chê trách, mà quan trọng nhất, ý nghĩa cao nhất là việc đánh giá giúp chúng ta nhìn thẳng vào sự thật, xem BV đang yếu ở đâu, mạnh ở đâu để cái mạnh thì phát huy, chỗ nào còn yếu thì cải tiến” - đó là chia sẻ của PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế với phóng viên (PV) báo SK&ĐS về việc kiểm tra, đánh giá chất lượng BV mà Bộ Y tế đã và đang triển khai, nhằm tìm ra những cách làm hay để nâng cao chất lượng BV cũng như chất lượng phục vụ người bệnh...
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê
PV: Qua thời gian thực hiện thực tế một năm qua, ông đánh giá như thế nào về việc áp dụng Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng BV?
Ông Lương Ngọc Khuê: Theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế, ngày 3/12/2013, “Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng BV” đã được ban hành thí điểm áp dụng trên toàn quốc. Bộ tiêu chí này có 83 tiêu chí, gồm 5 phần chính là hướng đến người bệnh, hướng về nhân viên y tế, chất lượng chuyên môn, cải tiến chất lượng và các tiêu chí đặc thù chuyên khoa. Đây là một giải pháp rất quan trọng và có ảnh hưởng, tác động to lớn đến các BV vì định hướng của Bộ Y tế là căn cứ Bộ tiêu chí này, trước mắt các BV tự nghiêm túc đánh giá thực trạng chất lượng, tiến tới chúng ta sẽ có các cơ quan đánh giá độc lập và xếp hạng các BV theo các tiêu chí chất lượng và sự hài lòng người bệnh. Việc xếp hạng BV, thi đua khen thưởng và đặc biệt là thanh toán BHYT sẽ dựa trên kết quả đánh giá chất lượng.
Đến nay, toàn bộ 100% các BV do Cục Quản lý Khám chữa bệnh quản lý đã áp dụng bộ tiêu chí này tự đánh giá chất lượng. Bên cạnh đó, năm 2014 các BV y học cổ truyền cũng đồng loạt triển khai áp dụng bộ tiêu chí này để tự đánh giá chất lượng. Cục Quân Y, Bộ Quốc phòng cũng đã chỉ đạo các BV Quân đội nghiên cứu nội dung bộ tiêu chí, tự tổ chức đánh giá chất lượng BV và đến năm 2015 sẽ tiến hành đánh giá chất lượng BV chính thức.
Như vậy, có thể nói các cơ quan quản lý và BV đã tích cực tham gia đánh giá chất lượng, tạo tiền đề cho việc cải tiến chất lượng sau này. Đồng thời, tạo ra cuộc đua tranh lành mạnh và rất tích cực, hướng tới đem lại sự hài lòng và chất lượng dịch vụ tốt cho người bệnh. Sau khi áp dụng bộ tiêu chí, rất nhiều BV đã xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng và có những cải tiến mạnh mẽ về quy trình khám bệnh, chỉ dẫn, hướng dẫn người bệnh... được người bệnh đánh giá cao. Tuy nhiên, bên cạnh những nơi làm tốt thì vẫn còn một số địa phương chưa tích cực triển khai, chưa dành nhiều quan tâm tới vấn đề đánh giá và cải tiến chất lượng. Đây là vấn đề cần sớm khắc phục trong thời gian tới.
PV: Theo ông, các tiêu chí đề ra trong bộ tiêu chí có đảm bảo đánh giá đúng chất lượng BV hiện nay?
Ông Lương Ngọc Khuê: Kết quả tổng hợp số liệu đánh giá trên toàn quốc năm 2014 có thể đưa ra nhận định rằng, bộ tiêu chí đã đánh giá tương đối đúng thực trạng chất lượng BV, từ đó giúp phân loại được chất lượng giữa các tuyến, các hạng BV. Điểm trung bình của các BV tuyến TW cao hơn rõ rệt BV tuyến tỉnh, và tỉnh cao hơn huyện. Điều này cũng tương tự nếu chia theo hạng. Trước đây, kết quả đánh giá giữa BV các tuyến, các hạng không có sự khác biệt nhiều. Chính kết quả đánh giá này sẽ giúp các BV tự xác định được mình đang đứng ở đâu, mạnh yếu ở điểm nào, từ đó sẽ cải tiến. Ngay như các BV tuyến TW cũng mới đạt khoảng 3/5 điểm, mức trung bình khá. Nhiều BV huyện chưa đạt mức 2. Điều này phản ánh đúng thực trạng và đòi hỏi các BV cần rất nhiều nỗ lực để cải tiến.
Kết quả đánh giá cũng chỉ ra rằng, các BV tuyến Trung ương rất mạnh về các tiêu chí phát triển nguồn nhân lực, chuyên môn kỹ thuật, trong khi BV tư nhân lại có các tiêu chí hướng đến người bệnh khá tốt. Điều này cũng rất phù hợp với đánh giá chung của toàn xã hội.
Hiện nay, ngoài 83 tiêu chí, năm 2014 Bộ Y tế đã bổ sung thêm 1 tiêu chí đo lường sự tiến bộ trong cải tiến chất lượng. Trong thời gian tới, bộ tiêu chí sẽ bổ sung thêm một số tiêu chí chuyên môn khác như nội, ngoại, truyền nhiễm... để đánh giá BV toàn diện hơn.
PV: Hằng năm, Bộ Y tế thường tổ chức kiểm tra BV. Vậy sau mỗi đợt kiểm tra của Bộ Y tế, các BV có thay đổi về chất lượng không thưa ông?
Ông Lương Ngọc Khuê: Sau khi đánh giá chất lượng BV năm 2013 cho thấy chất lượng BV chúng ta còn nhiều vấn đề cần phải làm. Nếu các BV và Sở Y tế chỉ lấy bộ tiêu chí này để kiểm tra vào dịp cuối năm như trước đây thì vẫn là “bình mới rượu cũ” thôi. Để thay đổi mang tính toàn diện, “bình mới và rượu cũng mới”, Bộ Y tế đã đổi mới cách làm và các BV cũng cần thay đổi để cải tiến chất lượng. Nhu cầu khám chữa bệnh của người dân luôn đòi hỏi các BV phải nâng cao chất lượng dịch vụ. Để cải tiến chất lượng, chúng ta cần có những đo lường, đánh giá đúng thực trạng chất lượng BV, từ đó xác định được điểm mạnh, điểm yếu đang ở đâu để cải tiến.
Tuy nhiên, ở một số địa phương vẫn quen với hình thức kiểm tra BV trước đây thì chất lượng BV còn chậm biến đổi. Điều này cũng cần có thời gian để các tỉnh này nghiên cứu, làm quen và thay đổi tư duy với phương pháp đánh giá mới.
PV: Hiện nay, nhiều kỹ thuật y học chúng ta đã thực hiện ngang tầm, thậm chí là vượt xa nền y học của nhiều nước, nhưng về chất lượng BV nói chung, nếu so sánh với BV các nước, ông đánh giá như thế nào?
Ông Lương Ngọc Khuê: Tôi muốn mượn câu hỏi của rất nhiều BV, Sở Y tế đã hỏi Cục Quản lý Khám, chữa bệnh: “Tại sao Cục không dịch luôn các bộ tiêu chuẩn chất lượng của nước ngoài để áp dụng mà phải xây dựng Bộ tiêu chí cho mất công”? Nếu làm như vậy thì đơn giản cho Cục hơn rất nhiều, nhưng có lẽ khi đó chúng ta sẽ có rất ít BV đạt chuẩn quốc tế. So sánh với ngay các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia thì BV chúng ta còn khoảng cách không nhỏ và không dễ ngang bằng.
Về chuyên môn, nhiều kỹ thuật cao trên thế giới chúng ta đã thực hiện được. Có những giáo sư đầu ngành đã đi các nước giảng dạy về kỹ thuật nội soi và các bạn quốc tế đã đến nước ta học tập. Kỹ thuật ngoại khoa như BV Việt Đức rất tốt, sánh ngang với nhiều nước hàng đầu khu vực. Nhưng sau khi đánh giá chất lượng, chính BV Việt Đức đã nhìn thấy nhóm tiêu chí hướng đến người bệnh còn hạn chế và từ đó đã tập trung cải tiến mạnh mẽ.
Như vậy, mặc dù chất lượng chuyên môn của nhiều BV chúng ta rất tốt, nhưng về chất lượng dịch vụ còn chưa chú trọng, chưa quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu người bệnh trong thời gian dài nên chất lượng dịch vụ còn chưa tương xứng với chất lượng chuyên môn. Nếu BV nào cũng xác định được điểm yếu của mình là ở chỗ nào như BV Việt Đức thì chúng tôi tin rằng, trong thời gian không xa, chất lượng cả về mặt dịch vụ và chuyên môn sẽ có những cải thiện đáng kể, hướng tới mục tiêu cao nhất là an toàn và sự hài lòng người bệnh.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Thái Bình (thực hiện)