Hướng tới một Cộng đồng ASEAN lấy con người làm trung tâm

18-09-2014 15:27 | Quốc tế

SKĐS - Sáng 18/9, Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 12 (AHMM 12) đã khai mạc tại Hà Nội với chủ đề “Sức khỏe tốt hơn cho Cộng đồng ASEAN sau năm 2015”.

Sáng 18/9, Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 12 (AHMM 12) đã khai mạc tại Hà Nội với chủ đề “Sức khỏe tốt hơn cho Cộng đồng ASEAN sau năm 2015”. Đây là lần đầu tiên Việt Nam vinh dự tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN.

Tham dự phiên khai mạc có Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh, Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Shin Young-soo, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của WHO Poonam Khetrapal Singh và 200 đại biểu quốc tế.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định “Hội nghị là cơ hội để tăng cường hơn nữa hợp tác về y tế và chăm sóc sức khỏe cho người dân”. Đây là cơ hội để “ các Bộ trưởng Y tế ASEAN thảo luận, đưa ra các định hướng ưu tiên, các quyết sách, chiến lược phù hợp, và các cơ chế hợp tác hiệu quả”. Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn rằng qua đây các nước ASEAN sẽ cùng nhau hợp tác trong những vấn đề như “xây dựng mạng lưới bao phủ y tế toàn dân, bảo đảm cho mọi người dân đều dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng.”, “tăng cường hợp tác và tranh thủ sự hỗ trợ về y tế từ các nước đối thoại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc; đồng thời thúc đẩy hợp tác với các đối tác khác của ASEAN”.

Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chia sẻ những thành tựu của y tế Việt Nam trong công tác bảo vệ, chăm sóc, và nâng cao sức khỏe của nhân dân đồng thời Việt Nam cũng đang nỗ lực hết sức mình xây dựng một nền y học hiện đại, tiên tiến và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Hiện nay không chỉ các nước ASEAN mà toàn thế giới đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức như vấn đề dịch bệnh nguy hiểm như virus ebola tại Tây Phi, dịch tả tại Trung Phi, hội chứng viêm đường hô hấp cấp Mers-Cov tại Trung Đông. Bên cạnh đó là các nguy cơ về các bệnh mới nổi, tái bùng phát, các gánh nặng kép về các bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm, thiên tai thảm họa, tai nạn thương tích, an toàn thực phẩm… Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng đây sẽ là “cơ hội quý báu để các quốc gia và các đối tác cùng nhau thảo luận và giải quyết các thách thức về an ninh y tế toàn cầu và khu vực”.

Một hoạt động rất có ý nghĩa đã diễn ra trong AHMM 12 đó là ASEAN và WHO ký kết Bản ghi nhớ ASEAN-WHO (MOU). Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO Shin Young-Soo cho rằng, đây là một cơ hội đặc biệt. Lần đầu tiên ASEAN và WHO ký kết MOU, nhằm tăng cường hoạt động hợp tác thực hiện bốn ưu tiên chiến lược trong vòng 4 năm tới. Bà Poonam Khetrapal Singh khẳng định “ASEAN là một đối tác rất quan trọng của WHO trong khu vực Đông Nam Á”. Bà hi vọng WHO và ASEAN sẽ cùng nhau cộng tác, cùng phối hợp để giải quyết các vấn đề đang nổi cộm trong y tế khu vực, cũng như công tác tăng cường hơn nữa để nâng cao sức khỏe cho người dân.

Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN 12 với hàng loạt các hội nghị liên quan đã thu hút nhiều diễn giả, đóng góp các ý kiến hoàn thiện tiến trình hướng tới một Cộng đồng ASEAN lấy con người làm trung tâm và vì con người. Đó là các hội nghị chuyên môn như mở rộng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế cho nhóm đối tượng phi chính thức, phòng chống các bệnh truyền nhiễm mới nổi, tài chính bền vững cho phòng chống HIV/AIDS ở các nước ASEAN, già hóa dân số và các biện pháp ứng phó. Đây là những nội dung ưu tiêu do các Nhóm công tác chuyên môn của ASEAN đề xuất.

Trong khuôn khổ AHMM 12, các phiên họp với các nước đối tác như ASEAN 3 (với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản ) và ASEAN 1 (với Trung Quốc) diễn ra vào ngày 19/9, các Bộ trưởng Y tế sẽ cùng bàn thảo nhiều vấn đề y tế nổi bật, liên quan đến các vấn đề như tăng cường sức khỏe ban đầu trong phòng chống bệnh không lây nhiễm, hợp tác đa ngành trong phòng chống các bệnh truyền nhiễm mới nổi.

Với mục tiêu hướng tới Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, một cộng đồng hướng tới người dân và vì người dân, trong đó, việc chăm lo nâng cao sức khỏe cho người dân là nội dung quan trọng, phát triển nguồn lực con người, tạo động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững của ASEAN. Tính đến nay các nước ASEAN đã hoàn thành 80% các mục tiêu xây dựng cộng đồng, trong đó có cả lĩnh vực y tế, tận dụng mọi cơ hội tăng cường hợp tác với các đối tác là các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ và các nước bên ngoài ASEAN.

Một trong những vấn đề được các đại biểu và Việt Nam đặc biệt quan tâm là tăng cường hợp tác xây dựng mạng lưới bao phủ y tế toàn dân, bảo đảm cho mọi người dân đều dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng. Trước mắt cần ưu tiên cho những đối tượng dễ bị tổn thương, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, miền núi và hải đảo. Tăng cường hợp tác phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt trong bối cảnh dịch Ebola, H7N9, Mec-CoVi... đang diễn biến phức tạp trên thế giới và các dịch bệnh có mức độ lưu hành cao trong khu vực ASEAN như sốt xuất huyết, dịch tay chân miệng, bệnh dại, sốt rét kháng thuốc...

Thanh Giang – Hải Yến

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Thành công của Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần này sẽ thắt chặt hơn nữa các mối liên kết, hợp tác hiệu quả trong khu vực hướng tới một Cộng đồng ASEAN đoàn kết, thống nhất và giàu bản sắc, lấy con người làm trung tâm có sức khỏe tốt hơn và chất lượng cuộc sống không ngừng được nâng cao.”, nhằm xây dựng tình đoàn kết, thống nhất bền lâu giữa các quốc gia và dân tộc ASEAN, xây dựng một xã hội chia sẻ, đùm bọc và rộng mở với mức sống và phúc lợi của người dân được nâng cao và ngày càng khỏe mạnh hơn, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.”

 

 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến:”Với phương châm chủ động hội nhập, Ngành Y tế Việt Nam luôn hướng đến kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại, coi trọng truyền thống giáo dục sức khỏe và y học dự phòng, ưu tiên công tác phòng bệnh, xây dựng màng lưới y tế cơ sở vững chắc đến tận thôn bản, làm cơ sở cho việc đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu và phòng chống thành công các bệnh truyền nhiễm mới nổi. Bên cạnh đó, Ngành Y tế Việt Nam cũng không ngừng phấn đấu đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Tại Diễn đàn Nhóm đối tác về Sức khỏe Bà mẹ trẻ em tại Nam Phi tháng 7 năm 2014, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá là 1 trong 10 quốc gia trên thế giới thực hiện thành công Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ số 4 (giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 1 tuổi, dưới 5 tuổi, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi) và Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ số 5 (giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ). Một chính sách y tế khác được Đảng và Nhà nước Việt Nam quan tâm là mở rộng bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân, đặc biệt hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh yếu thế, người nghèo, người dân tộc thiểu số, người cao tuổi, người không có khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế để tiến tới xây dựng một nền y tế công bằng, hiệu quả và phát triển.

Bên cạnh đó, Ngành Y tế Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, như sự chênh lệch về tiếp cận dịch vụ y tế giữa các các vùng miền và khu vực dân cư, sự phân bổ chưa hợp lý các nguồn lực y tế, sự hạn chế về chất lượng dịch vụ y tế, nguy cơ bùng phát các dịch bệnh mới nổi và tái xuất hiện, già hóa dân số, sự gia tăng gánh nặng bệnh tật các bệnh không lây nhiễm...”

Bộ trưởng Y tế Brunei: “Việt Nam đã chuẩn bị rất tốt và tổ chức rất thành công Hội nghị các quan chức cấp cao, cũng như các phiên họp bên lề. Qua đó các nước có thể thảo luận chi tiết những vấn đề y tế trong khu vực, đồng thời học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong việc chăm sóc những người cao tuổi, kiểm soát và phòng chống các bệnh không lây nhiễm”.

Bộ trưởng Y tế Singapore, ông Gan Kim Yong: “AHMM 12 là một cơ hội rất quan trọng để các Bộ trưởng Y tế trong khu vực có thể đến để chia sẻ những tầm nhìn về hệ thống y tế, từ đó có những phương thức cộng tác để nâng cao hệ thống y tế, mang đến dịch vụ tốt hơn cho người dân. Đây cũng là cơ hội để chúng tôi làm mới lại tình hữu nghị giữa các Bộ trưởng đã làm việc với nhau từ rất lâu, và là cơ hội để quen biết thêm những Bộ trưởng mới được bổ nhiệm. Việt Nam và Singapore có mỗi quan hệ rất thân tình. Hai nước có rất nhiều chương trình hợp tác từ rất lâu và chúng tôi đang mong đợi những sợ hợp tác mới để có thể cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức trong các lĩnh vực như quản lý y tế (health management), chính sách y tế (health policy) hay nâng cao sức khỏe (health promotion)”.

Thanh Giang (Ảnh Trần Minh)

 

 


Ý kiến của bạn