Hướng tới mở rộng triển khai PrEP tại Long An

29-06-2020 12:20 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Long An là 1 trong 10 tỉnh thành đầu tiên trên phạm vi cả nước triển khai chương trình này từ đầu năm 2019. Hiện có khoảng 100 khách hàng đã sử dụng PrEP, có thể mở rộng triển khai PrEP tại địa phương trong thời gian tới.

Mới đây tại Long An, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã phối hợp với trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Long An tổ chức Hội thảo diễn đàn cộng đồng MSM về dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP), nhằm lấy ý kiến của cộng đồng MSM, các nhóm khách hàng về việc sử dụng PrEP để có thể mở rộng triển khai PrEP tại địa phương trong thời gian tới.

Bà Ramona Bhatia, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ tại Việt Nam chia sẻ về cập nhập kiến thức PrEP và PrEP theo tình huống cho các bạn cộng đồng.

Được biết, hiện có khoảng 100 khách hàng đã sử dụng PrEP tại Long An, trong đó chỉ có khoảng 1/3 là người MSM. Đây là một con số còn khiêm tốn so với công đồng MSM (ước tính khoảng 2.000-3.000 tại Long An), cũng như so với mục tiêu khoảng 1.000 người được dùng PrEP vào năm sau ở tỉnh này.

Long An là 1 trong 10 tỉnh thành đầu tiên trên phạm vi cả nước triển khai chương trình này từ đầu năm 2019. Các đối tượng đã nhiễm HIV hoặc chưa nhiễm nhưng thuộc các nhóm có nguy cơ bị nhiễm trên địa bàn tỉnh Long An có thể đến đăng ký tham gia, được tư vấn, xét nghiệm, hỗ trợ thuốc uống tại Trung tâm phòng chống dịch bệnh cấp tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố…

Tại hội thảo, các bạn cộng đồng đã chơi trò chơi tìm hiểu kiến thức và thông tin về HIV/AIDS; chia sẻ về lợi ích dùng PrEP, một số khó khăn thuận lợi khi tham gia vào chương trình PrEP cũng như một số khuyến nghị về việc triển khai mở rộng chương trình PrEP tại địa phương.

PrEP viết tắt của cụm từ tiếng Anh (Pre-Exposure prophylaxis ), có nghĩa là điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV.
Nó cũng có nghĩa là một người có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV, nếu sử dụng thuốc kháng vi rút (ARV) mỗi ngày, sẽ dự phòng không bị nhiễm HIV.
Thuốc PrEP là các thuốc có chứa Tenofovir. Ở Việt Nam thuốc PrEP đang được các chương trình, dự án cấp miễn phí là sự kết hợp 2 loại thuốc ARV là Tenofovir và Emtricitabine (TDF/FTC).
Khi dùng thuốc hàng ngày, nồng độ thuốc ARV trong máu có thể ngăn chặn không cho vi rút HIV xâm nhập và nếu chẳng may xâm nhập cũng không nhân lên trong cơ thể. Từ đó dự phòng được lây nhiễm HIV.



 

 

 

 


Xuân Thủy
Ý kiến của bạn