Hướng tới kỷ niệm ngày báo chí cách mạng việt nam (21/6): Một kỷ niệm làm báo

20-06-2009 07:15 | Thời sự
google news

Cuối năm 1967, đơn vị chúng tôi nhận được một chỉ thị mật: Tất cả chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân 1968. Đây là chiến dịch rộng lớn của cả nước.

Cuối năm 1967, đơn vị chúng tôi nhận được một chỉ thị mật: Tất cả chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân 1968. Đây là chiến dịch rộng lớn của cả nước. Đơn vị tôi được phân công đích danh về giải phóng Huế. Như vậy cũng có nghĩa là chúng tôi chiến đấu ở Huế, cùng với các đơn vị bạn giải phóng miền Nam. Vì vậy không hề có ý thức trở lại chiến khu nữa, bao nhiêu gạo, quần áo chăn màn thừa đem cho nhân dân. Không ngờ, chúng tôi chỉ giữ Huế được 25 ngày.

Lên rừng không có một hạt gạo trên tay. Lính đói lả người. Địch chặn đường xuống đồng bằng lấy gạo. Gạo trên đường tuyến bị bom pháo không về được chiến khu. Thị ủy Huế còn một kho gạo chiến lược phải dốc hết đến bao cuối cùng nuôi lính cầm hơi. Lính chúng tôi sáng ăn rau tàu bay, tối ăn hạt gắm. Mỗi ngày mỗi người chỉ được nửa lon gạo, sáng nấu cơm vắt từng nắm chia cho từng người, đó là suất ăn bữa trưa. Duy nhất bữa trưa có cơm ăn vì chuẩn bị ổn định cái bụng, lỡ địch tấn công lên còn phải cầm súng chiến đấu. Những củ rừng như củ đoác, củ nâu, lá như môn vót, môn thục đều được khai thác hết.

Có một chuyện làm xôn xao chiến khu là nhiều xã, nhiều bản báo cáo lên Thị ủy Huế rằng sắn của đồng bào bị mất rất nhiều.

 Người dân và bộ đội giải phóng. Ảnh: TL
Tôi lúc ấy làm phóng viên báo Cờ giải phóng của Huế được cử về xã Nhâm, một xã miền núi xem thực tế tình hình mất sắn của đồng bào thế nào để phản ánh lên trên, kịp thời ổn định nhân dân vùng chiến khu. Vì nhân dân miền núi lúc ấy gạo rất ít, chủ yếu là ăn ngô, ăn sắn. Để dân chộn rộn làm sao dốc sức cho chiến đấu được, lỡ khi địch tấn công lên rừng, quân dân còn phải kề vai sát cánh giữ chiến khu.

Ở xã Nhâm, bản A Đớt là bản mất sắn nhiều nhất. Tôi liền về A Đớt. Kể chuyện mất sắn nhân dân rất bực: “Bắt được đứa nào lấy sắn, cứ bắn cho bể sọ”. Bản tính người dân thiểu số ở đây rất hiền, rất chân thật nên mất sắn họ tức lắm. Dân bản cử một tổ du kích 3 người đi mai phục, có súng, có nỏ thuốc độc trong tay đàng hoàng. Thấy kẻ lấy trộm bắt sống về cho dân bản hỏi tội. Sợ du kích nóng tính chưa hỏi đã bắn, nên Trưởng bản Hồ Gióng đi theo nhóm du kích này. Nhóm du kích cho tôi đi cùng.

Ra rẫy, quả là sắn bị nhổ trộm khá nhiều. Họ chỉ lấy củ, thân cây vứt ngổn ngang. Chọn địa thế xong, nhóm du kích vào ổ phục kích của mình. Trưởng bản Hồ Gióng dặn lại:

- Không có lệnh của tôi, không được bắn đó nghe.

Nằm phục kích một đêm không thấy động tĩnh gì. Buổi sáng cũng vắng ngắt, chừng 9 giờ sáng có một nhóm bộ đội chừng 8 người từ ngoài đường trục rẽ vào nương sắn, cả đám người, cứ hai người một tốp, ào tới, dốc sức lay gốc sắn rồi nhổ sắn lên. Sức ấy nhổ sắn dễ như chơi. Dùng dao găm chặt những củ sắn bằng bắp tay, bắp chân, 8 chàng trai trẻ cười hi hí với nhau, tỏ ra khoái chí lắm. Mũi súng trường và nỏ thuốc độc ngắm vào họ mà họ không hề biết. Trưởng bản Hồ Gióng ra lệnh cho du kích hạ súng xuống, theo ông nhẹ nhàng vòng ra sau đám bộ đội, bất chợt hô vang:

- Giơ tay lên!

Cả 16 cánh tay đang nhổ sắn, đang chặt sắn đồng loạt rời dao găm, giơ tay lên trời. Những họng súng, mũi nỏ vây chặt xung quanh chĩa vào họ. Hồ Gióng hỏi:

- Ai xui bọn bay đến lấy sắn của đồng bào?

Các chàng trai chỉ vào một người trông có vẻ cứng cáp nhất. Đó là tiểu đội trưởng của họ. Chàng trai tiểu đội trưởng đáp:

- Không ai sai chúng tôi cả.

Hồ Gióng nói tiếp:

- Nếu không nhìn thấy những bộ áo quần giải phóng này, chúng tôi đã bóp cò, bật lẫy nỏ, kết thúc đời bọn bay. Bọn bay có biết cái xấu nhất ở đời là đi ăn cắp không?

Tiểu đội trưởng đáp:

- Dạ biết.

- Biết tại sao còn đi ăn cắp?

- Chúng tôi đói quá.

Trưởng bản ra lệnh khám gùi của lính giải phóng. Trong gùi chỉ có mỗi một gói là sắn luộc. Đó là bữa trưa của họ.

- Bộ đội bữa trưa có nửa lon gạo mà? Hồ Gióng hỏi:

- Đó là tiêu chuẩn của lính trực chiến - Tiểu đội trưởng đáp - Còn tiểu đội tôi không trực chiến nên chỉ có lá sắn luộc thôi. Lính tôi đói quá, đói không ngủ được, tôi liều cho anh em đi ăn trộm sắn của đồng bào. Hồ Gióng bước tới, ôm choàng lấy chàng tiểu đội trưởng òa khóc:

- Bọn bay đi đánh giặc cho đồng bào mà đồng bào để cho bọn bay đói, ôi trời ơi, còn gì đau khổ, tủi cực cho bằng.

Tình thế đã chuyển sang một hướng khác, Hồ Gióng và du kích dẫn 8 chàng lính giải phóng về bản, Hồ Gióng cho gọi cả bản tới, ông lại ôm chàng tiểu đội trưởng mà khóc:

- Đồng bào ơi, chúng đói, bụng đói thì làm càn. Để chúng đói, ấy là lỗi của chúng ta.

Bản luộc cho họ một nồi sắn, bắt ăn thật no, và trưởng bản quyết định cho đơn vị của 8 chàng giải phóng rẫy sắn to nhất của bản. Ngày hôm sau, cả bản ra dỡ sắn, bộ đội đến xin mang về. Đó là một ngày vui rộn ràng nhất của bản A Đới này.

Còn tôi, tôi thật xúc động về tấm lòng của nhân dân mình. Có một nhân dân như thế, thì quân đội nhất định là quân đội anh hùng.

Nguyễn Quang Hà


Ý kiến của bạn