Hướng tới Hội nghị chuyển đổi số Y tế Quốc gia: Điểm sáng chuyển đổi số khu vực phía Bắc

22-12-2020 11:46 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Triển khai bệnh án điện tử là bước đột phá quan trọng để chuyển đổi số của ngành y tế, từng bước ứng dụng và phát triển y tế thông minh, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, góp phần hiện đại hóa ngành y tế, tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Công nghệ thông tin thay đổi diện mạo ngành y tế

Ngành y tế Phú Thọ được đánh giá là một trong những địa phương phát triển mạnh về CNTT ở khu vực phía Bắc. Ngay từ sớm, lãnh đạo Sở Y tế Phú Thọ đã triển khai quản lý, lưu trữ, khai thác hồ sơ bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy, đảm bảo việc ghi chép, in ấn hồ sơ bệnh án được thực hiện hoàn chỉnh, nhanh chóng, đầy đủ theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở hạ tầng khang trang, hệ thống trang thiết bị tiên tiến hiện đại, ngành y tế Phú Thọ đã chủ động ứng dụng, từng bước làm chủ CNTT vào tổng thể các hoạt động trong toàn ngành, góp phần tạo nên một diện mạo, phong cách làm việc mới, thông minh, hiện đại và hiệu quả.

Đẩy mạnh triển khai bệnh án điện tử, hướng tới bệnh viện (BV) không sử dụng bệnh án giấy và không sử dụng tiền mặt trong thanh toán viện phí là một trong nhiều ứng dụng CNTT được Phú Thọ ưu tiên triển khai. BVĐK tỉnh Phú Thọ đã triển khai thí điểm bệnh án điện tử từ năm 2018, nghiệm thu và triển khai BAĐT thay thế bệnh án giấy từ tháng 2/2020. Đến hết năm 2020, các trung tâm y tế huyện như Thanh Ba, Thanh Thủy, Cẩm Khê, Phù Ninh, Đoan Hùng, Hạ Hòa, Phù Ninh, Lâm Thao, BVĐK thị xã Phú Thọ hoàn thiện triển khai BAĐT.

TS. Nguyễn Huy Ngọc, Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ cho biết, trong năm 2021, hoàn thiện triển khai bệnh án điện tử tại các trung tâm y tế Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập và tuyến các BV chuyên khoa trong toàn tỉnh (bao gồm BV Mắt, BV YDCT&PHCN, BV Phổi và BV Tâm thần).

Đoàn công tác của Cục CNTT làm việc với Sở Y tế và BVĐK tỉnh Phú Thọ.

Đoàn công tác của Cục CNTT làm việc với Sở Y tế và BVĐK tỉnh Phú Thọ.

Bệnh án điện tử: 3 người cùng lợi

Bắt tay vào triển khai bệnh án điện tử, Phú Thọ đã sớm xây dựng, triển khai phần mềm thông tin bệnh viện (HIS), phần mềm thông tin xét nghiệm (LIS), phần mềm thông tin chẩn đoán hình ảnh (RIS), hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) tuân thủ các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế bảo đảm khả năng kết nối liên thông, chia sẻ, tích hợp dữ liệu.

Đồng thời bảo đảm khả năng kết nối liên thông với tất cả các trang thiết bị hiện có trong cơ sở KCB (máy xét nghiệm, máy chẩn đoán hình ảnh, các màn hình tương tác, các thiết bị cầm tay cá nhân,…) thông qua mạng nhằm nâng cao khả năng tự động hóa. Số hóa các biểu mẫu của hồ sơ bệnh án giấy. Triển khai chữ ký số, chữ ký điện tử cho nhân viên y tế BV và giải pháp ký điện tử cho người bệnh.

Bên cạnh đó, Sở Y tế Phú Thọ đã chủ động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tỉnh Phú Thọ, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh, các đối tác CNTT trong y tế triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện. Các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) trên địa bàn đã thực hiện các triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt: đa dạng hóa loại hình, 100% các cơ sở KCB đã triển khai thanh toán điện tử.

Với những kết quả trong việc ứng dụng CNTT triển khai bệnh án điện tử, ngành y tế tỉnh Phú Thọ đã đạt được những kết quả tích cực như: Bệnh án điện tử giúp người bệnh không phải lưu trữ tất cả loại giấy tờ khi đi KCB.

Người bệnh không phải lo lắng nếu làm mất kết quả xét nghiệm, không phải hoang mang khi đọc chữ viết của bác sĩ.

Kết hợp với việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử giúp người bệnh tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của mình. Lưu trữ tiền sử gia đình, tiền sử bệnh, tiền sử dị ứng thuốc đầy đủ hơn. Từ đó, chủ động phòng bệnh, chủ động chăm sóc sức khỏe của mình. Người bệnh không phải lưu giữ các loại giấy tờ khi đi KCB.

BAĐT đã có giá trị với cán bộ y tế trong truyền tải dữ liệu người bệnh giữa các khoa phòng, giữa các BV một cách nhanh chóng. Khi thông tin về sức khỏe của người bệnh được thông suốt giữa các tuyến sẽ giúp việc chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn. Tránh được các chỉ định cận lâm sàng (siêu âm, xét nghiệm…) trùng lặp.

Đối với công tác quản lý: Việc triển khai bệnh án điện tử cùng với triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử giúp cho ngành có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác và kịp thời. Đây là cơ sở dữ liệu về sức khỏe rất lớn (big data) của ngành mà việc tổng hợp, phân tích dữ liệu thông tin sẽ giúp ngành y tế có các chỉ đạo rất kịp thời về phòng chống dịch bệnh nói riêng và có được các dự báo, hoạch định chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân tốt hơn vì có những bằng chứng thực tiễn, có cơ sở khoa học hơn.

Triển khai bệnh án điện tử có lợi cho người dân, thuận lợi cho ngành y tế, tạo thuận lợi cho thầy thuốc khi hành nghề, là một nội dung quan trọng có ý nghĩa thực tiễn, có tính thời sự cao trong việc xây dựng y tế điện tử.

Đối với cơ quan bảo hiểm, khi thông tin về KCB của người bệnh thông suốt, minh bạch, giúp việc quản lý chi phí KCB BHYT dễ dàng hơn, góp phần hạn chế việc lạm dụng thuốc và xét nghiệm nếu có.


Thu Hà
Ý kiến của bạn