Hướng tới Hội nghị chuyển đổi số Y tế Quốc gia: Công nghệ thông tin trong phòng bệnh

25-12-2020 07:56 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Trong đợt dịch COVID-19 ở Sơn Lôi, Vĩnh Phúc và ở Đà Nẵng vừa qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị trong cả nước, chúng ta đã huy động được sức mạnh của hệ thống chính trị trong phòng chống dịch. Các đơn vị thông tin, truyền thông đã sát cánh cùng với ngành y tế phát triển nhiều ứng dụng tiện ích đưa thông tin phòng chống dịch của ngành Y tế chính xác, nhanh nhất đến người dân.

Các ứng dụng di động phục vụ người dân, người nhập cảnh và khách du lịch

Ứng dụng khai báo y tế tự nguyện NCOVI dành cho người dân Việt Nam khai báo và cập nhật thường xuyên tình hình sức khỏe của bản thân trong gia đình. Cung cấp thông tin giúp cơ quan y tế nhanh chóng khoanh vùng, xác định trường hợp cần cách ly y tế hoặc cần hỗ trợ; giám sát cách ly theo yêu cầu của cơ quan chức năng và quét mã QR để quản lý lịch sử tiếp xúc hoặc lịch sử ra vào các điểm kiểm soát.

Ứng dụng do VNPT phối hợp cùng các doanh nghiệp công nghệ xây dựng triển khai từ tháng 3/2020, kết nối, cung cấp thông tin cho hệ thống quản lý tiếp xúc (https://check.ncovi.vn/web/welcome.jsp;

https://ncov.moh.gov.vn/) cung cấp cho Bộ Y tế và các cơ sở y tế tuyến 4, trung tâm y tế, sở y tế, CDC trên cả nước.

Đến thời điểm hiện tại đã có hơn 7,5 triệu lượt tải ứng dụng và hơn 33 triệu hồ sơ khai báo y tế đã được thực hiện trên ứng dụng NCOVI.

Sau 2 đợt bùng phát dịch, hệ thống NCOVI-CDC đã cung cấp cho hơn 700 quận/huyện và 10.000 xã/phường 11.820 tài khoản người dùng. Ứng dụng đã giúp các cơ quan chức năng ghi nhận trên 187.000 trường hợp có nguy cơ nhiễm bệnh, ghi nhận trên 85.300 bản ghi thông tin phản ánh, xác minh thông tin hơn 185.200 trường hợp và hỗ trợ cách ly tại nhà trên 143.200 trường hợp.

Ứng dụng khai báo y tế bắt buộc Vietnam Health Declaration (cùng trang tokhaiyte.vn) dành cho người nước ngoài và người Việt Nam khai báo khi nhập cảnh Việt Nam, hành khách trên các chuyến bay nội địa, tàu hỏa và xe khách liên tỉnh khai báo khi di chuyển trong nội địa Việt Nam.

Hướng tới Hội nghị chuyển đổi số Y tế Quốc giaỨng dụng trợ lý ảo hỏi đáp về COVID-19  đã đáp ứng được yêu cầu trong phòng chống dịch.

Ứng dụng do Viettel phối hợp cùng các đơn vị xây dựng và triển khai từ ngày 07/03/2020; Đối tượng sử dụng: Người dân, người nhập cảnh, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, các cơ quan kiểm dịch, các cửa khẩu, địa điểm đón trả khách, địa điểm lưu trú,... trên toàn quốc. Dữ liệu được lưu trữ tại Trung tâm dữ liệu của Viettel và đồng bộ theo lịch tuần/ngày và Trung tâm dữ liệu của Tổ an toàn covid-19. Cụ thể số lượt khai báo nhập cảnh (787.761 lượt)/khai báo sức khỏe người dân (5.774.108 lượt)/ khai di chuyển trong nước (4.108.596 lượt).

Ứng dụng Sức khỏe Việt Nam: Sức khỏe Việt Nam là trang thông tin chính thức nhằm góp phần phòng chống bệnh viêm phổi cấp do virus nCoV. Ứng dụng cung cấp thông tin chính thống, cập nhật tình hình, công cụ bản kiểm tự đánh giá nguy cơ, hướng dẫn tự cách ly khi có nguy cơ, ứng dụng cũng cung cấp công cụ để gọi ngay đường dây nóng, xem bản đồ cơ sở y tế gần nhất và gửi ngay báo cáo ca bệnh nghi ngờ đến cơ quan y tế.

Ứng dụng COVID-19 cung cấp công cụ hỗ trợ đắc lực cho người dân trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 với các tính năng: Trợ lý ảo y tế tương tác bằng giọng nói, bác sĩ tư vấn giúp kết nối video với bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để nhận tư vấn y tế, Thông tin về tình hình dịch bệnh, tìm kiếm cơ sở y tế có năng lực xét nghiệm, năng lực điều trị trên cả nước.

Ứng dụng trợ lý ảo hỏi đáp về COVID-19: Trợ lý ảo hỏi đáp về COVID-19 được cài đặt trên Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế (moh.gov.vn) , Cục Công nghệ thông tin - Bộ Y tế (ehealth.gov.vn), Công đoàn Y tế Việt Nam (congdoanytevn.org.vn)...

Người dân có thể đặt các câu hỏi trực tiếp với “trợ lý ảo” -  được xây dựng trên nền tảng trí tuệ nhân tạo tiên tiến nhất hiện nay. Trợ lý ảo có khả năng cập nhật tin tức mới theo thời gian thực, giải đáp mọi thắc mắc, đưa ra tư vấn và những lời khuyên bổ ích liên quan đến phòng tránh dịch COVID-19. Người dân sẽ nhanh chóng nhận được phản hồi ngay lập tức 24/7, mọi lúc mọi nơi.

Ứng dụng Bluezone cảnh báo tiếp xúc gần người nhiễm COVID-19

Bluezone là giải pháp ứng dụng công nghệ định vị Bluetooth năng lượng thấp BLE (Bluetooth low energy). Các smartphone được cài đặt Bluezone có thể giao tiếp với nhau trong khoảng cách 2m, ghi nhận sự tiếp xúc gần, vào lúc nào và trong bao nhiêu lâu. Khi phát hiện ca dương tính F0, thay vì cách ly cả nghìn người, chúng ta chỉ cần cách ly vài chục người.

Ứng dụng Bluezone trên máy sẽ so sánh dữ liệu của F0 với lịch sử tiếp xúc được ghi nhận từ trước. Nếu phát hiện thiết bị đã từng tiếp xúc với F0 trong thời gian đủ lớn, hệ thống sẽ báo cho người sử dụng về nguy cơ có thể lây nhiễm bệnh (F1).

Ứng dụng do BKAV phối hợp cùng các doanh nghiệp công nghệ xây dựng và triển khai từ 15/4/2020. Đến nay đã có 23.546.889 lượt cài đặt.

Hệ thống hành chính điện tử thông minh http://cscovid.moh.gov.vn

Phục vụ các UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai công tác thu thập, tổng hợp và cung cấp dữ liệu, thông tin cho Ban Chỉ đạo COVID-19 để theo dõi, giám sát và có phương án hành động nhanh chóng, kịp thời.

Ứng dụng VOV Bacsi24

MIỄN PHÍ tư vấn chăm sóc sức khỏe trong thời gian dịch COVID-19: Bộ Y tế triển khai chương trình miễn phí tư vấn khám chữa bệnh cho toàn dân qua ứng dụng VOV Bacsi24. Để được thụ hưởng chương trình này đề nghị người dân tải ứng dụng VOV Bacsi24 về điện thoại của mình theo đường link http://onelink.to/qz8xmb sau đó tạo tài khoản, đăng nhập và làm theo hướng dẫn.

Antoancovid.vn

Hệ thống antoancovid.vn do các đơn vị chuyên môn của Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT phối hợp với Công ty Cổ phần công nghệ DTT, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Công ty cổ phần Bác sĩ bên bạn Doctor4u.vn cùng đội thông tin đáp ứng nhanh COVID-19 thực hiện và sẵn sàng triển khai tại các trường học và bệnh viện từ ngày 01/10/2020.

Bản đồ chung sống an toàn với COVID-19 được xây dựng để đảm bảo chung sống an toàn với dịch COVID-19 tại các địa điểm công cộng như trường học, bệnh viện, khách sạn trên toàn quốc. Bản đồ cung cấp thông tin công khai được cập nhật liên tục hàng ngày từ các địa điểm công cộng này. Mức độ an toàn tại từng cơ sở, khu vực (quận huyện, tỉnh, thành phố) được phân biệt bằng màu sắc để cung cấp hình ảnh khách quan, nhanh chóng, sinh động tới từng người dân, cán bộ, lãnh đạo theo dõi trên bản đồ.

Đồng thời, với thông tin cung cấp trên bản đồ chung sống an toàn với COVID-19, các lãnh đạo các địa phương, lãnh đạo đơn vị kiểm soát, chỉ đạo việc thực hiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trên phạm vi từng khu vực, từng cơ sở của mình.

Bộ đánh giá đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 được xây dựng công phu, tập hợp trí tuệ của nhiều chuyên gia đầu ngành về y tế công cộng và tổng hợp ý kiến của các cơ sở thí điểm, đã tạo bộ đánh giá phù hợp với đặc điểm, chức năng tại từng địa điểm công cộng và phù hợp với tình hình thực tế cho từng thời điểm dịch COVID-19 tại khu vực, tỉnh thành phố. Bộ đánh giá đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 sẽ tạo thói quen và hành động cụ thể hàng ngày về đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 cho từng cá nhân, tổ chức trên toàn quốc.

Bộ đánh giá đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 được các lãnh đạo, cán bộ, cá nhân tại từng cơ sở thực hiện trên Ứng dụng An toàn COVID-19. Hệ thống tiếp nhận thông tin và tự động phân tích, tính toán và đưa ra đánh giá theo màu sắc: Xanh - An toàn; Vàng - Có rủi ro; Đỏ - Không an toàn.

Một số các ứng dụng khác cung cấp thông tin ncov cho cộng đồng và người dân như: ncov.moh.gov.vn, zalo, lotus, viber, facebook,...

Bài học kinh nghiệm

Công tác phòng chống dịch COVID-19 đã có sự chỉ đạo rất quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo, các cấp các ngành, cơ quan Trung ương, địa phương...

Ứng dụng công nghệ thông tin kết hợp hệ thống y tế sẵn có, Việt Nam có nền y tế hiệu quả, kịp thời phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh COVID -19. Ngoài mặt trái thì dịch COVID-19 là cơ hội giúp chúng ta để tăng tốc chuyển đổi số y tế.

Ứng dụng hỗ trợ xác định vùng nguy cơ và các đối tượng có nguy cơ rất nhanh chóng, đúng đắn, kịp thời, tiết kiệm cho nguồn lực.

Cấp ủy, chính quyền địa phương hành động quyết liệt, giãn cách kịp thời, lựa chọn phù hợp cho từng khu vực, khu vực nào thì phong tỏa, khu vực nào thì giãn cách tùy thuộc địa phương. “Các địa phương áp dụng nhuần nhuyễn”.

Ngành Y tế đã huy động lực lượng lớn nhân viên y tế rất lớn “chưa có trong tiền lệ”, bao gồm các giáo sư đầu ngành, các bác sĩ, các chuyên gia và sinh viên.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong trạng thái bình thường mớiVề chính sách

Bộ Y tế tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/03/2020 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương tập trung ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc, thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch cho cơ quan, đơn vị, địa phương để nâng cao khả năng phòng chống dịch bệnh.

Về triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phòng chống COVID-19

Tiếp tục cải tiến, nâng cấp, kêu gọi người dân cài đặt, sử dụng các ứng dụng đã triển khai như: NCOVI, Vietnam Health Declaration, Bluezone, Antoancovid; các ứng dụng trực tuyến, các nền tảng y tế từ xa để hạn chế lây lan của dịch bệnh.

Đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo - AI phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; hoàn thành các trung tâm dữ liệu y tế; trang bị siêu máy tính để phục vụ công tác xử lý dữ liệu dịch tễ, phân tích thông tin, nghiên cứu cấu trúc gene của virus và các loại vắc-xin phòng chống, dịch bệnh. Kinh nghiệm quốc tế, thời gian qua như: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Nga đã đẩy mạnh ứng dụng AI, hệ thống siêu máy tính vào công tác nghiên cứu dịch bệnh nên đẩy nhanh được quá trình sản xuất thuốc đặc trị, nghiên cứu các loại vắc-xin phòng bệnh.

Sử dụng các camera giám sát có tích hợp chức năng ảnh nhiệt kết nối với hệ thống xử lý có ứng dụng AI và dữ liệu lớn - Big Data. Đây là giải pháp rất quan trọng, vì phần lớn những người nhiễm các loại virus gây bệnh về đường hô hấp đều có triệu chứng tăng thân nhiệt - sốt. Đây là giải pháp trung và dài hạn trong phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm bệnh.

Khi xây dựng các đô thị thông minh cần có phương án triển khai các ứng dụng hỗ trợ phòng chống dịch bệnh với các chức năng như phổ biến thông tin chính thống về phòng chống dịch bệnh, tiếp nhận các phản ánh của người dân về tình hình dịch bệnh, trả lời các yêu cầu thông tin của người dân, khuyến nghị các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp cho đơn vị, địa phương.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong nhân dân về sử dụng các ứng dụng phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Về lâu dài, Bộ Y tế đẩy mạnh triển khai Chương trình chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là việc ứng dụng công nghệ số trong hầu hết các hoạt động, dịch vụ của ngành y tế, hình thành nền y tế thông minh với 3 nội dung chính là phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.


PGS.TS. Trần Quý Tường - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế
Ý kiến của bạn