Hướng tới Hội nghị chuyển đổi số Y tế Quốc gia: CNTT đóng vai trò quan trọng trong phòng chống dịch COVID-19

24-12-2020 11:51 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành, địa phương nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn, nguồn lực hạn chế, đã triển khai khẩn trương, kịp thời, đồng bộ các giải pháp công nghệ thông tin trong phòng chống, dịch bệnh COVID-19; Huy động được hơn 20 doanh nghiệp công nghệ tham gia (VNPT, Viettel, FPT, DTT,...) với gần 1.000 kỹ sư công nghệ thông tin phát triển hơn 20 ứng dụng phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.

Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương, đơn vị đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong phòng chống dịch bệnh; xây dựng các tài liệu chuyên môn, tài hướng dẫn và tổ chức các đợt tập huấn cho cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai áp dụng.

Ứng dụng Công nghệ thông tin tin trong quản lý

a) Kịp thời xây dựng Hệ thống quản lý phục vụ số liệu chỉ đạo điều hành

Hệ thống giúp tổng hợp số liệu về dịch COVID-19, hiển thị dưới dạng biểu đồ trực quan, cung cấp các mối tương quan dữ liệu theo độ tuổi, giới tính, địa phương,..., đồng thời hỗ trợ theo dõi mối liên hệ giữa các bệnh nhân, theo dõi mức độ lây lan nhằm phục vụ kịp thời chỉ đạo điều hành phòng chống dịch COVID-19.

b) Ứng dụng phục vụ truy vết

Nhóm các nhà khoa học, chuyên gia, tình nguyện viên do Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy đứng đầu đã nỗ lực ngày đêm thực hiện phân tích dữ liệu và truy vết theo dấu dịch tễ phục vụ chống dịch COVID-19 trong các đợt dịch.

Phân tích thông tin dữ liệu mạng xã hội, xuất nhập cảnh, các chuyến bay, viễn thông, camera, dữ liệu F0, F1, F2... kết hợp dịch tễ học và các thực tiễn xã hội để xác định các ca nhiễm, phát hiện, khoanh vùng kịp thời các trường hợp nghi nhiễm và phát hiện nguồn lây bệnh tại các ổ dịch (BV Bạch Mai, Hạ Lôi, Sơn Lôi, quán Buddha (TP. HCM) và Đà Nẵng).

Tổng hợp thông tin những người tiếp xúc với các ca lây nhiễm, xác minh và hỗ trợ những người thuộc đối tượng tìm kiếm và cách ly.

Sử dụng phân tích thông tin dữ liệu lớn kết hợp dịch tễ học để phân tích, đánh giá tình hình bệnh dịch, dự báo nguy cơ lây nhiễm ở Việt Nam.

Giao ban trực tuyến từ BV Hòa Vang đến Sở Y tế Đà Nẵng tháng 7/2020. Ảnh: Anh Văn

Giao ban trực tuyến từ phòng họp BV Hòa Vang đến buồng bệnh điều trị bệnh nhân COVID-19 tháng 7/2020. Ảnh: Anh Văn

c) Về dịch vụ công trực tuyến

Bộ Y tế đã xây dựng Cổng dịch vụ công trực tuyến, một cửa điện tử Bộ Y tế, một cửa ASEAN.

Đến 30/6/2020, Bộ Y tế đã hoàn thành 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, về đích trước thời hạn nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao (trong đó Chính phủ giao cần đạt tối thiểu 30%), kịp thời phục vụ người dân và doanh nghiệp. Người dân và doanh nghiệp không phải đến cơ quan công quyền, qua đó tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, hạn chế được sự tiếp xúc, qua đó hỗ trợ tích cực trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.

d) Trong tuyên truyền, phòng chống dịch

SMS tuyên truyền: 11 đợt nhắn tin (mỗi đợt tới hơn 125 triệu) với 20 nội dung tuyên truyền và hơn 15 tỷ tin nhắn SMS, 5 tỷ bản tin zalo đã được gửi trong hơn 2 tháng, tỷ lệ tiếp cận thông tin về phòng chống dịch COVID -19 qua tin nhắn đạt 78%.

SMS nhân đạo: Chương trình “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19” tổ chức qua Cổng Thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia (Cổng 1.400), thu được số tiền tạm tính hơn 151,7 tỷ VNĐ với gần 2,6 triệu tin nhắn ủng hộ.

Qua phát thanh, truyền hình: Báo chí, truyền hình mở chuyên trang, chuyên mục để đối thoại, giải đáp; Đẩy mạnh truyền thanh cơ sở, thông tin được tuyên truyền đến từng cấp xã, thôn bản; Cài đặt âm thanh chờ cuộc gọi; 125 triệu thuê bao được tuyên truyền thông qua âm thanh chờ cuộc gọi; Xử lý thông tin sai sự thật; Giám sát, phát hiện, đấu tranh gỡ bỏ các thông tin sai sự thật. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Các ví dụ điển hình: Bộ Y tế nhắn tin đến tất cả người dân qua SMS; Sử dụng zalo để cập nhật tin tức, tuyên truyền đến mọi người dân sử dụng zalo; Video clip Ghen Covi rất nổi tiếng, có giá trị tuyên truyền cao, được đưa lên truyền thông quốc tế, nhiều nước đã đăng lại, dịch ra nhiều thứ tiếng.

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong bệnh viện

Công văn số 2416/BYT-CNTT ngày 30/4/2020 của Bộ Y tế về triển khai hoạt động tư vấn, khám chữa bệnh từ xa gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Cục Quân y - Bộ Quốc phòng, Cục Y tế - Bộ Công an và Y tế bộ/ngành; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công văn số 283/CNTT-THKCB ngày 6/5/2020 của Cục Công nghệ thông tin gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Cục Quân y - Bộ Quốc phòng, Cục Y tế - Bộ Công an và Y tế bộ/ngành; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai hoạt động tư vấn khám, chữa bệnh từ xa trên nền tảng Công nghệ thông tin (VOV Bacsi24).

Bộ Y tế chú trọng chỉ đạo đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, đến nay 100% bệnh viện đã triển khai hệ thống thông tin bệnh viện. 99,5% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

23 bệnh viện triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế (PACS) không in phim nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí, bảo vệ môi trường, tạo nguồn tài nguyên số bệnh viện.

11 bệnh viện đã ứng dụng thành công và công bố sử dụng bệnh án điện tử thế thay bệnh án giấy. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế, các bệnh viện trong cả nước đang tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước, có lộ trình đáp ứng các tiêu chí của Thông tư số 54/2017/TT-BYT và Thông tư số 46/2018/TT-BYT. Tính chung cả nước trên cơ sở báo cáo của 54/63 tỉnh thành: 40,4% đơn vị đạt mức 1; 32,2% đạt mức 2; 21,4 đạt mức 3; 4,8% đạt mức 4; 1,1% đạt mức 5; 0,1 đạt mức 6 (bệnh viện thông minh) áp theo Thông tư số 54/2017/TT-BYT.

Y tế từ xa cũng có bước phát triển vượt bậc, cùng với hệ thống công nghệ thông tin bệnh viện đã từng bước đưa y tế Việt Nam vươn cao, vươn xa:

Trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh COVID-19, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 đã chỉ đạo về việc giãn cách xã hội, hạn chế người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường công tác khám bệnh, chữa bệnh tại tuyến dưới, không chuyển người bệnh lên tuyến trên trường hợp bệnh tuyến dưới điều trị được. Các hoạt động này cần có hoạt động y tế từ xa trợ giúp. Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế trên toàn quốc triển khai tư vấn khám, chữa bệnh miễn phí cho người dân thông qua nền tảng VOV Bacsi24 do Đài tiếng nói Việt Nam xây dựng.

Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, có giao cho ngành y tế “Phát triển nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa để hỗ trợ người dân được khám, chữa bệnh từ xa, giúp giảm tải các cơ sở y tế, hạn chế tiếp xúc đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo; 100% các cơ sở y tế có bộ phận khám chữa bệnh từ xa, thúc đẩy chuyển đổi số ngành y tế”.

Ngày 22/6/2020, Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020-2025 theo Quyết định số 2628/QĐ-BYT, đã tổ chức Lễ khánh thành 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh từ xa trên cả nước vào 25/9/2020. Hiện toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã có bệnh viện đăng ký, trong đó có một số bệnh viện của nước bạn Lào (2 bệnh viện) và Campuchia (1 bệnh viện) đã đăng ký làm bệnh viện tuyến dưới, một số bệnh viện/trung tâm y tế tại vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo cũng đã đăng ký tham gia Đề án.

Có thể nói, dịch COVID-19 là thách thức và cũng là cơ hội để ngành y tế tăng tốc mạnh mẽ trong chuyển đổi số. Công nghệ thông tin đã đóng vai trò quan trọng trong thành quả của chống dịch hiện nay.

(Xem tiếp kỳ sau)


PGS.TS. Trần Quý Tường - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế
Ý kiến của bạn