Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa nhấn mạnh điều này trong chủ trì cuộc họp với các đơn vị nghiệp vụ của BHXH Việt Nam lấy ý kiến đóng góp xây dựng dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật BHYT. Cuộc họp diễn ra tại trụ sở BHXH Việt Nam ngày 9/5.
Tại cuộc họp, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa nhấn mạnh, quan điểm chung của BHXH Việt Nam trong góp ý Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật BHYT (Luật BHYT sửa đổi) đang được Bộ Y tế lấy ý kiến là hướng tới hệ thống y tế bền vững, khắc phục các vấn đề vướng mắc trong thực hiện chính sách BHYT hiện nay.
Trong đó, cơ quan BHXH Việt Nam là đơn vị thực hiện chính sách BHYT, trực tiếp triển khai những nội dung mới cũng như tiếp nhận những vướng mắc mà chính sách mang lại, do đó cần phải chủ động tham gia xây dựng Luật ngay từ ban đầu, góp phần đảm bảo các văn bản chính sách BHYT sát nhất với thực tiễn.
Phó Tổng Giám đốc cũng lưu ý, việc xây dựng chính sách mới luôn cần có các đánh giá, dự báo tác động khi triển khai thực hiện. Đây cũng là kiến nghị quan trọng của BHXH Việt Nam với Ban soạn thảo Dự thảo Luật. Đồng thời, Phó Tổng giám đốc yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ của BHXH Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ của mình, dựa trên số liệu và thực tiễn thực hiện chính sách, chủ động xây dựng các đánh giá tác động các điểm mới mà Dự thảo Luật BHYT sửa đổi đang đề xuất.
Về nội dung của Dự thảo Luật BHYT sửa đổi đang được Bộ Y tế lấy ý kiến rộng rãi, ông Lê Văn Phúc - Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT cho biết, hiện Ban thực hiện chính sách BHYT đang tiếp tục tập hợp ý kiến đóng góp sửa đổi Luật từ các đơn vị nghiệp vụ của BHXH Việt Nam, BHXH các địa phương. Trong đó chia sẻ những vấn đề bất cập trong thực tiễn thực hiện chính sách BHYT hiện nay, cũng như dự báo những vướng mắc có thể phát sinh với những điểm mới mà Dự thảo đang đề xuất.
Theo Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT, nội dung Dự thảo lần này có nhiều điểm mới so với dự thảo Bộ Y tế xây dựng và lấy ý kiến từ năm 2020. Cụ thể, từ cuối năm 2020, Bộ Y tế đã có văn bản xin ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, cơ quan liên quan để xây dựng Dự thảo Luật BHYT sửa đổi.
Tháng 7/2021, Bộ Y tế có Tờ trình số 983/Ttr-BYT gửi Chính phủ đề nghị xây dựng Dự thảo Luật BHYT sửa đổi, trong đó đề cập 5 chính sách chính cần sửa đổi cùng các mục tiêu, nội dung và giải pháp thực hiện.
Theo đó, chính sách thứ nhất là mở rộng đối tượng tham gia BHYT đến các nhóm đối tượng mà Luật BHYT 2014 chưa bao phủ hết.
Thứ hai là mở rộng phạm vi quyền lợi BHYT.
Thứ ba là đa dạng loại hình cơ sở cung ứng DVYT, tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến cơ sở.
Thứ tư là nâng cao hiệu quả, chất lượng quản lý và điều hành BHYT, trách nhiệm của cơ sở cung ứng DVYT và cơ quan BHXH trong hoạt động giám định BHYT.
Thứ năm là phân bổ, sử dụng, quản lý quỹ BHYT hiệu quả.
Theo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật BHYT lần này, Ban soạn thảo đề cập 3 chính sách cần sửa đổi. Chính sách thứ nhất là mở rộng bền vững đối tượng và quyền lợi của người tham gia BHYT. Chính sách hai là nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành BHYT, trách nhiệm của cơ sở cung ứng dịch vụ y tế và cơ quan BHXH. Thứ ba là đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ chính sách, tính khả thi của các quy định trong văn bản Luật.
Các nội dung được điều chỉnh trong dự thảo Luật BHYT sửa đổi lần này cũng thống nhất với một số điểm mới trong các Luật liên quan. Cụ thể như quy định về cấp chuyên môn kỹ thuật trong KCB theo hệ thống mới của Luật KCB (có hiệu lực từ 1/1/2024), thay đổi từ 4 tuyến chuyên môn thành 3 cấp chuyên môn là ban đầu, cơ bản và chuyên sâu.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, đến cuối năm 2022, cả nước có khoảng 91,1 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 92,04% dân số, tăng hơn 2,2 triệu người so với năm 2021 và là 1 trong 7 chỉ tiêu kinh tế - xã hội được Quốc hội, Chính phủ giao hoàn thành vượt kế hoạch.
Quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN luôn được đảm bảo đầy đủ, kịp thời. Trong năm 2022, toàn ngành BHXH Việt Nam đã giải quyết cho: trên 95,6 nghìn hồ sơ hưởng mới và chi trả kịp thời đến 3,3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng; gần 11 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; trên 977,6 nghìn người hưởng các chế độ BHTN; 151,4 triệu lượt người hưởng BHYT, với tổng số tiền chi cho người hưởng lên đến 382 nghìn tỷ đồng.