81,76 triệu người tham gia BHYT
Chủ trương phát huy vai trò của BHYT và tiến tới BHYT toàn dân được thể hiện nhất quán trong các nghị quyết của Đảng và từng bước được thể chế hóa tập trung chỉ đạo thực hiện. Năm 2008, lần đầu tiên Luật BHYT được ban hành, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho triển khai thực hiện tiến tới BHYT toàn dân. Nhờ sự nỗ lực phấn đấu của các ngành, các cấp, đặc biệt là ngành y tế, ngành BHXH và sự đồng tình hưởng ứng, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, việc thực hiện chính sách BHYT đã đạt được những kết quả quan trọng. Tỷ lệ người tham gia BHYT tăng nhanh, từ 5,6% dân số năm 1993 lên 63,7% năm 2011.
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến hết tháng 8/2018, số người tham gia BHYT là 81,76 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 87,25% dân số. Số lượng người tham gia BHYT đạt trên 98% kế hoạch năm. Đến nay cả nước có khoảng 15,13 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT; nâng số lượng người khám chữa bệnh BHYT lũy kế 8 tháng đầu năm lên 116 triệu lượt người.
Tham gia BHYT, người dân sẽ được hưởng nhiều lợi ích.
Tiến tới BHYT toàn dân
Mặc dù có nhiều nỗ lực, nhưng vẫn còn gần 20 triệu người dân chưa tham gia BHYT, trong đó có không ít người yếu thế, gặp khó khăn trong cuộc sống. Việc thực hiện chính sách BHYT vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức. Nhận thức về vai trò của BHYT nhiều nơi còn chưa đầy đủ; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của nhiều cấp ủy, chính quyền còn thiếu quyết liệt. Việc tuyên truyền chưa thực sự sâu rộng, hiệu quả. Việc chấp hành chính sách, pháp luật về BHYT của một số doanh nghiệp chưa nghiêm, dẫn đến tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHYT xảy ra nhiều, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT chưa được khắc phục kịp thời và xử lý nghiêm, gây bức xúc dư luận.
Trong thời gian tới, để bảo đảm từng người dân, từng hộ gia đình, từng người lao động đều có được nhận thức đầy đủ hơn về tính ưu việt, nhân văn, sự thiết thực của việc tham gia BHYT, cần tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác tuyên truyền; nâng cao tính thiết thực, chiều sâu trong nội dung tuyên truyền. Ðổi mới hình thức, biện pháp tuyên truyền bảo đảm phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng cụ thể; tiếp tục củng cố, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, BHYT cho đội ngũ làm công tác tuyên truyền; tăng cường nguồn lực cho công tác này; khen thưởng kịp thời đơn vị, cá nhân làm tốt; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, trục lợi chính sách BHYT...
Tiến tới BHYT toàn dân là giải pháp quan trọng để góp phần xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, phồn vinh và hạnh phúc.