Hướng phát triển tiềm năng của hội họa Việt

07-11-2014 12:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

Có rất nhiều vấn đề cần bàn về hội họa Việt Nam nhưng tựu trung lại, điều cấp thiết nhất hiện giờ có lẽ là xu hướng phát triển của nó.

Có rất nhiều vấn đề cần bàn về hội họa Việt Nam nhưng tựu trung lại, điều cấp thiết nhất hiện giờ có lẽ là xu hướng phát triển của nó. Ngoài lợi nhuận kinh tế, ngành hội họa nói riêng, mỹ thuật Việt Nam nói chung cần khẳng định giá trị nghệ thuật của mình trong nền mỹ thuật thế giới. Nhưng chúng ta sẽ chọn hướng đi nào để đạt được mục đích này? Có lẽ, những cuộc triển lãm mang tính chất giao lưu giữa các họa sĩ của ta và họa sĩ nước ngoài diễn ra trong thời gian gần đây chính là câu trả lời!

Hội họa Việt mở rộng cánh cửa với thế giới.

Chinh phục khán giả nhà

Có ý kiến nhận định, mỹ thuật Việt Nam đang “bùng nổ” trong bối cảnh xã hội “đổi mới” và “mở cửa”, đời sống của giới họa sĩ trở nên sinh động hơn nhờ hoạt động triển lãm. Cho dù những tác phẩm của các danh họa Việt Nam chưa vào được các bảo tàng mỹ thuật lớn của thế giới thì ta vẫn đang từng bước vượt qua chính mình. Đáng mừng hơn cả, dân trí về mỹ thuật của ta cũng không ngừng được nâng cao. Nhu cầu treo tranh, đặt tượng, làm trang trí nội ngoại thất đã và đang phát triển mạnh là minh chứng cho nhận định trên. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở mức độ phục vụ “khán giả nhà” thì có lẽ chưa đủ. Bởi, “mục tiêu hướng đến của Quy hoạch phát triển mỹ thuật đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” (theo Quyết định 1253/QĐ-TTg) đã ghi rõ: Phát triển mỹ thuật theo định hướng ưu tiên đầu tư bồi dưỡng nguồn nhân lực, hoàn thiện hệ thống các cơ sở đào tạo trọng điểm quốc gia; tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, tạo điều kiện để các họa sĩ, nhà điêu khắc sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh chân thực, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước; tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về mỹ thuật, hình thành lực lượng công chúng mỹ thuật ngày càng đông đảo; đưa mỹ thuật Việt Nam phát triển ngang tầm khu vực và từng bước theo kịp các nước phát triển...”.

Tuy không trực tiếp nhắc đến vấn đề hội họa Việt cần “cởi mở” hơn nhưng rõ ràng đây là một trong những hướng đi hiệu quả. Thực tế, hội họa Việt cũng đã nhìn ra điểm sáng từ việc mở rộng cánh cửa với thế giới.

Và ước mơ chinh phục khán giả quốc tế

Đầu tháng 10 năm ngoái, người thưởng ngoạn tại Hà Nội đã có dịp mãn nhãn với Triển lãm hội họa “Giao lưu nghệ thuật Việt - Thái” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Triển lãm giới thiệu tranh, tác phẩm điêu khắc, gốm... của gần 30 tác giả. Đây cũng là một trong các hoạt động nằm trong chương trình giao lưu nghệ thuật giữa nhóm nghệ sĩ Asia Art Link của Việt Nam và nhóm nghệ sĩ Thái Lan trong năm 2013 dưới sự hỗ trợ của Trường ĐH Văn hóa Hà Nội và ĐH Tổng hợp Naresuan (Thái Lan). Các nghệ sĩ Việt Nam tham dự chương trình gồm có: Trịnh Tuân, Võ Tá Hùng, Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Minh Phước, Lê Thông, Bàng Sỹ Trực, Nguyễn Trần Cường, Nguyễn Ngọc Phương, Vũ Đức Trung, Nguyễn Trung Dũng, Vũ Phạm Trường Minh, Phan Cẩm Thượng, Đinh Văn Hiển và Vũ Đức Hiếu. Các nghệ sĩ Thái Lan tham dự chương trình gồm có: Somchai Wacharasombat, Wattanachot Tungateja, Nukoon Panyadee, Nitti Wattuya, Pakde Limpong, Jirawat Phirasant, Banlu Wiriyapornprapas, Pallop Wangborn, Saravut Vongnate, Thong Udompol, Somporn Teamprasit, Maitree Homthong và Worawut Thakaeo.

Cũng trong năm 2013, tại Jecheon - Hàn Quốc đã có cuộc triển lãm tranh của các họa sĩ Việt Nam - Hàn Quốc nhân kỷ niệm 22 năm quan hệ hợp tác giữa hai nước. Tiếp nối hoạt động này, chiều ngày 1/10/2014, tại nhà triển lãm 16 Ngô Quyền Hà Nội, Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức Triển lãm tranh của 30 họa sĩ Việt Nam và 20 họa sĩ Hàn Quốc. Lần triển lãm này, các tác phẩm của họa sĩ Hàn Quốc chủ yếu dùng chất liệu màu nước và một số tranh sơn dầu. Về phía họa sĩ Việt Nam sử dụng khá phong phú về chất liệu. Đề tài mà họa sĩ hai nước đề cập đều nói về con người và phong cảnh thân quen của đất nước Hàn Quốc và Việt Nam thân yêu. Triển lãm giới thiệu tới công chúng tham quan 104 tác phẩm hội họa, đồ họa và điêu khắc, trong đó có 80 tác phẩm của các nghệ sĩ tạo hình Hàn Quốc.

Không thể phủ nhận vai trò “cầu nối” của những cuộc triển lãm trên. Tuy chưa diễn ra với mức độ liên tục nhưng các cuộc giao lưu hội họa không chỉ mang lại đời sống nghệ thuật phong phú cho giới nghệ sĩ, người thưởng ngoạn trong nước mà còn thu hút truyền thông nước ngoài, từ đó, chúng ta sẽ có dịp cho khán giả thế giới thấy rằng, mỹ thuật Việt Nam thời hội nhập quốc tế là một trang sử mới đa dạng đa chiều. Hy vọng, từ hướng phát triển tiềm năng này, trong một thời gian ngắn, các thế hệ họa sĩ trưởng thành thời hội nhập quốc tế sớm có được những tác phẩm để đời, góp sức đưa mỹ thuật Việt Nam phát triển ngang tầm khu vực và từng bước theo kịp các nước phát triển trên thế giới.

    Hưng Vũ

 

 


Ý kiến của bạn