Hướng phát triển dược liệu cho bà con vùng cao ở Lào Cai

29-10-2023 06:10 | Y học cổ truyền
google news

SKĐS - Với nhiều điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên, huyện Si Ma Cai được xem là một trong những vùng đất của dược liệu ở Lào Cai.

Huyện Si Ma Cai (Lào Cai) được biết đến là nơi có khí hậu mát mẻ quanh năm, độ ẩm cao phù hợp để trồng nhiều loại dược liệu quý. Bên cạnh cát cánh – loại dược liệu có diện tích trồng trên 16,5 ha lại xã Lùng Thẩn, người dân còn tham gia trồng nhiều loại dược liệu khác như đương quy, tam thất…

Gia đình anh Thào A Sì (dân tộc Mông) có vườn tam thất với diện tích hơn 3ha cho biết trong vụ mùa vừa qua gia đình anh thu hoạch tới hơn 9 tấn củ tam thất tươi và 6 tạ hoa. Trong đó giá củ tam thất tươi là 700.000đồng/kg và giá hoa tam thất là 500.000 đồng/kg cho thu về gần 7 tỷ đồng.

Hướng đi phát triển dược liệu cho bà con vùng cao  - Ảnh 1.

Lào Cai là một trong những vùng trồng dược liệu tiềm năng của nước ta. Ảnh: Minh Ngọc

Không chỉ có củ mà hoa tam thất trồng ở Si Ma Cai đều được người tiêu dùng ưa chuộng tuy nhiên lượng sản phẩm lại không đủ để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hiện nay, đồng bào ở các xã vùng cao của Si Ma Cai còn chuyển đổi đất ruộng, nương đồi sang trồng cây đương quy cho thu nhập cao gấp từ ba đến năm lần so với trồng ngô, lúa truyền thống.

Không chỉ có Lùng Thẩn, nhiều gia đình ở các địa bàn khác của Si Ma Cai cũng dần chuyển đổi từ trồng lúa, ngô sang trồng dược liệu như đương quy, gừng, cát cánh… cho thu nhập ổn định. Hầu hết các diện tích trồng dược liệu đều có liên kết với các doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra tốt cho sản phẩm.

Như ở xã Bản Mế, với lợi thế về địa hình và khí hậu, người dân được hỗ trợ cây giống từ các doanh nghiệp và bao tiêu đầu ra toàn bộ sản phẩm. Những cây lúa, ngô, khoai với năng suất không hiệu quả đã được thay thế bằng việc thử nghiệm trồng dược liệu hoa Cúc chi trong vòng tối thiểu 5 năm.

Hoa Cúc chi được biết đến là loại dược liệu dễ trồng, chăm sóc và thu hái. Cây dễ thích ứng, sau 3 tháng gieo trồng chăm bón có thể cho ra hoa và thu hoạch. Nếu chăm bón trong điều kiện tốt có thể thu được từ 450-500kg hoa tươi/1sào và cho giá bán khoảng 40.000 đồng/1kg sản phẩm tươi. Nếu trừ đi các khoản chi phí, lợi nhuận ước chừng khoảng 7triệu đồng/1sào.

Hoa Cúc chi sau khi được xử lý được dùng làm dược liệu, trà thảo dược với nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe như đau đầu, hoa mắt chóng mặt, mỡ máu, tim mạch…

Hướng đi phát triển dược liệu cho bà con vùng cao  - Ảnh 2.

Những dược liệu quý không chỉ cần được gieo trồng mà còn phải kết hợp cả với bảo tồn gen. Ảnh: Minh Ngọc

Bên cạnh đó, mô hình HTX trong những năm qua là "chỗ dựa" để người dân yên tâm sản xuất. Anh Hoàng Seo Chẩn – Giám đốc HTX Nông nghiệp Bản Mế cho biết: "HTX được thành lập từ năm 2017, trong suốt những năm qua, HTX đã cung cấp cho người dân 40 vạn cây quế giống và hàng chục vạn cây giống chất lượng cao khác như sưa đỏ, trẩu… Ngoài việc cung ứng cây giống, HTX trên địa bàn xã Bản Mế còn vận động bà con tham gia trồng dược liệu thoát nghèo. Cây dược liệu đã giúp bà con nơi đây có những thay đổi đáng kể. Như thôn Phìn Chư 3, trước đây không có điện, đường thì đến nay nhờ cây trồng dược liệu đã có đường bê tông, điện lưới quốc gia vào tận thôn. Cả thôn với hơn 130 hộ dân người Mông nay chỉ còn hơn 20 hộ nghèo. Bà con nơi đây vừa chăn nuôi gia súc vừa trồng hơn 70ha quế để ổn định kinh tế.

Cho tới nay, 100% xã, thị trấn có điện, 100% thôn của huyện Si Ma Cai đã được sử dụng điện lưới Quốc gia... Cây dược liệu đã và đang trở thành một trong những cây hàng hóa chủ của tỉnh Lào Cai về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc đẩy mạnh khai thác lợi thế trong phát triển cây dược liệu đang giúp tỉnh Lào Cai phát huy hiệu quả tiềm năng điều kiện tự nhiên, đồng thời góp phần ổn định sinh kế cho người dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.


PV
Ý kiến của bạn