Hướng mới trong điều trị viêm tụy cấp nặng

18-04-2012 14:08 | Phòng mạch online
google news

Viêm tụy cấp (VTC) nặng cho đến thời điểm hiện nay vẫn là mối đe dọa đến tính mạng bệnh nhân và là một thách thức với thầy thuốc khi tỷ lệ tử vong do nguyên nhân này có thể tới 50%.

Viêm tụy cấp (VTC) nặng cho đến thời điểm hiện nay vẫn là mối đe dọa đến tính mạng bệnh nhân và là một thách thức với thầy thuốc khi tỷ lệ tử vong do nguyên nhân này có thể tới 50%. Những hiểu biết mới về cơ chế bệnh sinh và sự tiến bộ vượt bậc về công nghệ lọc máu đã và đang góp phần cứu sống nhiều trường hợp bệnh nhân VTC nặng mà thần chết đã đến đứng ở đầu giường...

Từ những hiểu biết mới về cơ chế bệnh sinh

VTC là tình trạng viêm nhiễm cấp tính của nhu mô tụy bao gồm cả các thương tổn kèm theo ở nhiều mức độ khác nhau của các cơ quan lân cận cũng như các biến chứng toàn thân. Có nhiều nguyên nhân gây VTC nhưng chủ yếu là do rượu ở nam giới và sỏi mật ở nữ giới.

 Cấu tạo và vị trí của tụy trong cơ thể.

Cơ chế bệnh sinh của VTC được cho là do các tác nhân như rượu, sự trào ngược của dịch mật vào ống tụy, nhiễm khuẩn... đã gây nên một tình trạng hoạt hóa sớm các men tiêu protein ngay trong lòng ống tụy (bình thường, các men này được hoạt hóa tại ruột để tiêu hóa thức ăn) gây tổn thương tại tụy và các cơ quan lân cận trong ổ bụng. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, sau tổn thương tại chỗ ở tụy, một quá trình viêm rầm rộ được khởi phát với vai trò của các chất trung gian của quá trình viêm nhiễm (mediators hay các cytokine) tạo ra cái gọi là “cơn bão cytokine”. Cơn bão cytokine gây nên một đáp ứng viêm toàn thân và có thể tiến triển thành suy cơ quan, suy đa cơ quan trong VTC nặng.

Và bệnh cảnh lâm sàng...

Bệnh cảnh lâm sàng điển hình của VTC nặng thường có suy chức năng một hoặc nhiều cơ quan (suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy thận...). Bệnh nhân thường có triệu chứng đau bụng dữ dội, bụng trướng căng, khó thở, mạch nhanh, huyết áp tụt, thiểu niệu, vô niệu, rối loạn đông máu, rối loạn nước điện giải, thăng bằng kiềm toan, rối loạn ý thức ban đầu và hôn mê ở giai đoạn sau.

Khi đã tiến triển suy cơ quan, đặc biệt khi suy đa cơ quan, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 50-70%, thậm chí cao hơn nếu có nhiễm khuẩn kèm theo hay do các biến chứng nặng như áp-xe tụy, tụy hoại tử nhiều, chảy máu ổ bụng do rối loạn đông máu hoặc do loét thủng các mạch máu quanh tụy.

Sự phát triển của công nghệ lọc máu

Từ đầu thập kỷ 90 tới nay, công nghệ thận nhân tạo (lọc máu) đã đạt được những thành tựu vượt bậc. Từ những phương pháp lọc máu đơn giản, lọc máu ngắt quãng (IHD - Intermittent HemoDialysis, lọc máu khoảng 4h/ngày, lọc hàng ngày hoặc lâu hơn tùy theo tình trạng bệnh nhân) chỉ nhằm lấy bỏ nước, điện giải, ure, creatinin ở bệnh nhân suy thận, chủ yếu là suy thận mạn, đến nay đã phát triển phương pháp thay thế thận liên tục hay lọc máu liên tục (CRRT - Continuous Renal Replacement Therapy).
 
 Bệnh nhân viêm tụy cấp đang được lọc máu tại bệnh viện.
Với phương pháp này, bệnh nhân sẽ được lọc máu liên tục từ 12h trở lên và có thể kéo dài liên tục trong nhiều ngày. Phương pháp lọc máu liên tục có nhiều ưu điểm hơn so với lọc máu ngắt quãng như thay thế được thận 24/24, ít gây tụt huyết áp, điều chỉnh nước, điện giải thăng bằng kiềm toan tốt hơn, sinh lý hơn, giúp nuôi dưỡng bệnh nhân tốt hơn và quan trọng nhất là với chất liệu màng lọc mới, kích thước lỗ màng lọc lớn đủ để loại bỏ các chất trung gian gây viêm, làm giảm quá trình viêm, từ đó giúp cho việc ổn định và hồi phục chức năng các cơ quan và có thể cải thiện tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân viêm tụy cấp nặng có suy đa cơ quan.

Đến việc cải thiện tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân VTC nặng có suy đa cơ quan

Một nghiên cứu về vai trò của lọc máu liên tục trong điều trị VTC nặng được tiến hành tại Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai và Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện E Trung ương từ 2006-2010 trên 116 bệnh nhân cho thấy: lọc máu liên tục giúp ổn định nước, điện giải, kiềm toan, có khả năng loại bỏ các chất trung gian gây viêm (các cytokine), giúp hồi phục nhanh chức năng các cơ quan bị suy (hô hấp, tuần hoàn, thận – tiết niệu…) từ đó góp phần vào việc làm giảm tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân VTC nặng có suy đa cơ quan. Trong nhóm bệnh nhân VTC nặng được lọc máu liên tục, tỷ lệ tử vong là 10,2%, thấp hơn so với tỷ lệ tử vong là 24,6% ở nhóm bệnh nhân VTC nặng không lọc máu liên tục.

Tóm lại, mặc dù phương pháp lọc máu liên tục rất hữu ích khi áp dụng điều trị cho bệnh nhân viêm tụy cấp có suy đa cơ quan, điều quan trọng nhất vẫn là làm giảm tỷ lệ mắc VTC, đặc biệt là VTC nặng bằng các phương pháp có thể như tránh lạm dụng rượu, điều trị các bệnh lý sỏi mật, tăng mỡ máu, phát hiện và điều trị sớm VTC...  
 
Tần suất mắc VTC vào khoảng 5 - 73 trường hợp/100.000 dân/năm. Tỷ lệ VTC tại Anh, Đan Mạch và Mỹ dao động khoảng từ 4,8-24,2 ca/100.000 bệnh nhân; Thụy Điển: 27-30 nghìn ca/100.000 dân/năm; Pháp: 0,35%; Nhật: 0,12%; Ấn Độ: 0,55% (tính theo dân số). Tại Việt Nam, theo thống kê chưa đầy đủ, hàng năm, tại các bệnh viện lớn như Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy, Bệnh viện E Trung ương có khoảng 150-200 trường hợp bệnh nhân VTC phải nhập viện và trong số đó có khoảng 30% à VTC nặng.

 TS.BS.Vũ Đức Định


Ý kiến của bạn