Ông Tần Sài Phạ - HTX Biên Cương (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) không giấu được niềm vui, niềm hạnh phúc cho biết, bản thân rất hạnh phúc khi được đứng trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội nhận vinh danh vì trồng, chăm sóc dược liệu quý.
Ông Phạ cho rằng, đây là động lực để bản thân nỗ lực, cố gắng hơn nữa để cùng bà con trong HTX chăm chỉ, cống hiến đối với việc phát triển vùng trồng, chăm sóc, chế biến dược liệu.
Ông Tần Sài Phạ cũng cho hay, hiện các cây dược liệu được HTX Biên Cương trồng chủ yếu là cây sâm Lai Châu, thất diệp nhất chi hoa, cây hoàng tinh, lan kim tuyến. HXT hoạt động bảo đảm phối hợp với các cấp chính quyền, kiểm lâm về việc bảo vệ vùng trồng, bảo vệ rừng…
Đồng thời, HTX cũng cam kết phát triển vùng trồng dược liệu gắn với xóa đói giảm nghèo bền vững, góp phần phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại địa bàn, từng bước đưa được liệu thành mặt hàng chiến lược.
Bên cạnh đó, HTX Biên Cương cũng đưa ra cam kết phát triển vùng trồng các dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao như: Sâm Lai Châu, thất diệp nhất chi hoa, lan kim tuyến, đảng sâm… tuân thủ các quy định về dược liệu, đáp ứng tiêu chuẩn GACP-WHO, dược liệu hữu cơ.
Cũng là một trong 13 HTX được vinh danh "Vì sự phát triển dược liệu Việt", HTX Dịch vụ sản xuất, chế biến Hợp Hòa (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), ông Bùi Văn Hoàng cũng không giấu được niềm vui, niềm hạnh phúc.
Ông Bùi Văn Hoàng cho biết, từ năm 2018, HTX bắt đầu đi vào hoạt động, sau 5 năm, tổng diện tích trồng cây dược liệu cà gai leo lên đến 20ha, cho sản lượng lên tới 160 tấn cà gai leo khô/năm.
Trước ảnh hưởng dịch COVID-19, cây cà gai leo khó tìm đầu ra, mất giá… trước tình hình đó, HTX đã hỗ trợ các hộ nông dân tìm đầu ra, phát triển thêm một số cây dược liệu khác, dần tạo ổn định cho người dân trong việc trồng, chăm sóc dược liệu tại địa phương.
Hiện HTX có 13 thành viên và 30 hộ nông dân liên kết trồng cà gai leo, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội cho người đồng bào dân tộc tại địa phương. Vì vậy, những năm gần đây, hộ nông dân khi liên kết với HTX đều có thu nhập ổn định, đời sống đã khấm khá hơn.
Nếu như trước đây khi HTX chưa được thành lập, chưa có sự liên kết thì việc bà con nông dân trồng cà gai leo tự phát, manh mún, nhỏ lẻ và khó tìm đầu ra thì nay việc trồng đã được quy hoạch bài bản, bao tiêu đầu ra, diện tích của các hộ nông dân trong HTX lên tới 20ha.
Ông Bùi Văn Hoàng vui vẻ cho hay, hiện HTX đã sản xuất được 2 sản phẩm là "Trà Cà gai leo Hợp Hòa" dạng túi lọc và "Cao Cà gai leo Hợp Hòa" để đưa ra thị trường. Sản phẩm "Trà Cà gai leo Hợp Hòa" đã đạt chứng nhập OCOP 4 sao năm 2021. "Cao Cà gai leo Hợp Hòa" đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao năm 2022, ngoài ra các sản phẩm thô như rễ Cà gai leo, thân Cà gai leo khô của HTX cũng được đánh giá là sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao.
Đến thời điểm hiện tại HTX đã tiếp cận nền tảng công nghệ số, chủ động mở các kênh bán hàng trên sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, Tiktok shop doanh số bán hàng của HTX được nâng lên. Số lượng sản phẩm của hợp tác xã được bán ra càng nhiều.
Lễ Vinh danh "Vì sự phát triển dược liệu Việt gắn với phát triển KT-XH vùng đồng bào Dân tộc thiểu số và miền núi" do Cục quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) phối hợp cùng Báo Sức khỏe và Đời sống tổ chức tối 21/12 vừa qua tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Lễ Vinh danh nhằm ghi nhận sự đóng góp của các hộ gia đình, hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã, doanh nghiệp có thành tích nuôi trồng, bảo tồn, hình thành được chuỗi liên kết trong phát triển dược liệu; từ đó phát triển các sản phẩm góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân; đem lại cuộc sống ấm no cho bà con tại các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần thực hiện mục tiêu Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/10/2021 Phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Vinh Danh Vì Sự Phát Triển Dược Liệu Việt: “Tôn Vinh Ước Mơ Lớn Về Một Việt Nam Hùng Cường” | SKĐS