Hà Nội

Hướng đi mới có cứu được kinh tế Hy Lạp?

06-02-2015 07:00 | Quốc tế
google news

SKĐS - Ngay trong cuộc đối mặt đầu tiên với châu Âu bàn về chuyện nợ nần, tân Chính phủ Hy Lạp đã tỏ cho thấy sẵn sàng tuyệt giao...

Ngay trong cuộc đối mặt đầu tiên với châu Âu bàn về chuyện nợ nần, tân Chính phủ Hy Lạp đã tỏ cho thấy sẵn sàng tuyệt giao với bộ ba nhà cứu trợ không cần đến khoản tiền 7 tỷ euro mà Liên hiệp châu Âu hứa giải ngân trong tháng 2 tới.

Từ khi thành lập Chính phủ cách đây ít hôm, Bộ trưởng Tài chính Yanis Varoufakis đã nhiều lần nhắc lại lập trường của Thủ tướng Alexis Tsipras rằng Athènes không còn “có ý định cộng tác” với bộ ba EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) để xem xét vấn đề nợ của Hy Lạp. Từ năm 2010, các chuyên viên của ba định chế trên thường xuyên qua Athènes để thúc Chính phủ thực hiện những cải cách theo định hướng để đổi lại khoản tiền 240 tỷ euro để cứu Hy Lạp thoát khỏi vỡ nợ. Một phần lớn trong gói cứu trợ trên đã được chuyển cho Hy Lạp. Các chuyên gia từ nay đến cuối tháng 2 sẽ phải xem xét Hy Lạp đã thực hiện đầy đủ các cải cách cần thiết chưa trước khi quyết định rót tiếp 7 tỷ euro trong kế hoạch của EU.

Hy Lạp muốn thoát khỏi bộ ba cứu trợ.

Với những phát biểu trên đây của lãnh đạo Hy Lạp, việc giải ngân khoản cứu trợ trên sẽ trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Trả lời phỏng vấn báo New York Times, ông Varoufakis cho biết, không muốn nhận khoản tiền 7 tỷ cứu trợ. Điều mà Hy Lạp muốn lúc này là xem xét lại toàn bộ chương trình trợ giúp và đàm phán lại về khoản nợ của nước này. Sau cuộc gặp giữa Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp và Chủ tịch khối sử dụng đồng euro, ông Dijsselbloem cho biết, tình hình không có gì sáng sủa hơn, nguy cơ Hy Lạp ra khỏi khu vực Eurozone có chiều hướng còn tăng thêm.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel trước báo chí cho biết, bà loại trừ khả năng xóa nợ cho Hy Lạp như mong muốn của tân Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras. Không chọn Đức, lãnh đạo Chính phủ Hy Lạp dự kiến đầu tuần tới sẽ đến Italy và Pháp để đàm phán lại khoản nợ khổng lồ của đất nước. Ngay sau khi cánh tả lên cầm quyền tại Hy Lạp, Chính phủ mới của nước này ra sức trấn an Eu, cụ thể qua các cuộc tiếp xúc của Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp với các đồng nhiệm châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, các cố gắng này vẫn chưa xóa bỏ được quan điểm nghi kỵ của giới lãnh đạo EU. Sau khi gặp đồng nhiệm Mỹ Jack Lew, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis đã ghé Paris để tiếp xúc với Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin và sẽ lên đường qua London để cùng với tân Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras sẽ tiếp xúc với giới lãnh đạo Anh quốc. Theo chương trình dự kiến, tân Thủ tướng Hy Lạp sẽ gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Tổng thống Pháp François Hollande.

Từ sau khi lên cầm quyền tại Athènes, tân Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã nỗ lực xoa dịu các mối quan ngại của châu Âu về nhiều điểm từng được ông nêu bật trong cương lĩnh tranh cử. Tuy nhiên, tại Bruxelles, đầu não của Eu, thái độ nghi kỵ vẫn tồn tại đối với bước đầu của một Chính phủ xuất thân từ cánh tả triệt để tại Hy Lạp. Thời gian rất cấp bách. Chỉ còn 4 tuần nữa là quốc tế phải tháo khoán cho Hy Lạp khoản tài trợ cuối cùng nếu nước này hội đủ các điều kiện đề ra.

Chính phủ mới của Hy Lạp đã xúc tiến chiến dịch thuyết phục các đối tác trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) chấp nhận thỏa thuận cứu trợ vỡ nợ mới dành cho Xứ sở thần thoại, đồng thời bắt đầu giảm dần các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” do Chính phủ tiền nhiệm thực hiện theo thỏa thuận cứu trợ hiện nay với bộ ba gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Phát biểu tại cuộc họp báo chung ở Thủ đô Paris của Pháp cùng người đồng cấp nước chủ nhà Michel Sapin, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis nói rằng trong 5 năm qua, việc Hy Lạp phải “sống vì những phần cứu trợ tiếp theo” giống như tình trạng của “những con nghiện”. Vì vậy, những gì Chính phủ mới muốn làm hiện nay là chấm dứt “tình trạng nghiện ngập” này. Ông Varoufakis cho biết, Hy Lạp cần một thời gian ngắn để giới thiệu những đề xuất cải cách của mình và hy vọng có thể đạt được thỏa thuận với các đối tác về vấn đề này trong vòng 6 tuần tới. Ông khẳng định muốn đàm phán trực tiếp với các đối tác châu Âu, ECB và IMF chứ không thông qua các giám sát viên của nhóm bộ ba. Về phần mình, ông Sapin khuyến cáo Hy Lạp không trông chờ các đối tác xóa nợ. Tuy nhiên, ông Sapin bỏ ngỏ một số lựa chọn, bao gồm kéo dài thời hạn thanh toán nợ cho Athens.

 (Theo AFP, ABC, Bloomberg)

Quỳnh Diệp

 

 


Ý kiến của bạn