Hướng đi không dễ dàng của sân khấu Việt

11-08-2018 10:13 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Ngày ấy xứ Đoài, Tinh hoa Bắc Bộ, Ký ức Hội An là những tác phẩm nghệ thuật sân khấu thực cảnh nhận được sự quan tâm đặc biệt của công chúng thời gian gần đây.

Mặc dù không xa lạ với công chúng trên thế giới nhưng sân khấu thực cảnh chỉ mới xuất hiện ở Việt Nam. Nhiều người cho rằng, sân khấu thực cảnh là hướng đi mới, đầy tiềm năng cho sân khấu Việt nhưng để phát triển nó là bài toán không dễ dàng.

Những dấu ấn của sân khấu thực cảnh

Tinh hoa Bắc Bộ (Tổng đạo diễn Hoàng Nhật Nam, âm nhạc: nhạc sĩ Hồ Hoài Anh, biên đạo múa John Huy Trần) nhận được nhiều lời khen ngợi của báo giới và công chúng ngay từ khi ra mắt vào cuối tháng 10/2017. Xem Tinh hoa Bắc Bộ, khán giả được đắm chìm trong những nét văn hóa tinh túy của vùng Đồng bằng Bắc Bộ được thể hiện tinh tế qua ngôn ngữ nghệ thuật. Gần đây nhất, vào tháng 6/2018, Tinh hoa Bắc Bộ được vinh danh ở ngôi vị cao nhất hạng mục “Đổi mới trong truyền thông, truyền thông thị giác và giải trí trực quan” tại Giải thưởng Stevie châu Á - Thái Bình Dương.

Ký ức Hội An, tác phẩm được đầu tư quy mô, hoành tráng nhưng nhận nhiều ý kiến trái chiều từ công chúng khi ra mắt hồi tháng 3/2018 vừa qua.

Ký ức Hội An, tác phẩm được đầu tư quy mô, hoành tráng nhưng nhận nhiều ý kiến trái chiều từ công chúng khi ra mắt hồi tháng 3/2018 vừa qua.

Từ cốt truyện về thiền sư Từ Đạo Hạnh, ông tổ của nghề múa rối nước Việt Nam, Tinh hoa Bắc Bộ đã dẫn người xem bước vào thiên nhiên, đời sống tinh thần phong phú của người Việt. Tinh hoa Bắc Bộ có thời lượng gần 60 phút, chia thành 6 phần nội dung, bao gồm: Thi ca, Cõi Phật, Hoài cổ, Nhạc họa, An vui, Ngày hội. Những câu chuyện lịch sử gắn với văn hóa truyền thống Việt Nam như tinh thần hiếu học, ý chí quật cường, niềm lạc quan, yêu đời, sinh hoạt lễ hội, cuộc sống thanh bình… được thể hiện sinh động qua những câu chuyện, các loại hình, sản phẩm nghệ thuật dân gian đặc trưng như quan họ, ca trù, múa rối nước, tranh tố nữ, tranh Đông Hồ…

Nét độc đáo của Tinh hoa Bắc Bộ là có sự tham gia của gần 200 diễn viên, chủ yếu là bà con nông dân vùng đất Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội và sinh viên Trường cao đẳng Múa Việt Nam. Có lẽ, không gì tuyệt vời hơn khi những loại hình nghệ thuật dân gian vốn được sản sinh, nuôi dưỡng từ cuộc sống lao động sản xuất được chính những người dân biểu diễn. Những người nông dân sáng làm ruộng, đêm trở thành diễn viên trên sân khấu chính là cách để giữ gìn, phát huy, lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống hữu hiệu nhất.

Trước đó, Thuở ấy xứ Đoài của đạo diễn Việt Tú được coi là tác phẩm sân khấu thực cảnh đầu tiên của Việt Nam. Ra mắt hồi tháng 6/2017, Thuở ấy xứ Đoài được đánh giá là câu chuyện cổ tích về cuộc sống sinh hoạt làng quê Bắc Bộ từ nghìn năm trước. Tác phẩm được lấy cảm hứng từ các tích trò rối nước dân gian, với sự tham gia của hơn 140 người dân địa phương đã tái hiện đầy sinh động cuộc sống của người Việt xưa. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, Thuở ấy xứ Đoài tạm dừng biểu diễn và rơi vào tranh chấp bản quyền giữa đạo diễn Việt Tú và nhà đầu tư.

Chương trình nghệ thuật thực cảnh có quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay là Ký ức Hội An ra mắt hồi trung tuần tháng 3/2018 tại Công viên văn hóa Ấn tượng Hội An, Quảng Nam (Tổng đạo diễn Mai Soái Nguyên, người Hồng Kông, âm nhạc: nhạc sĩ Đức Trịnh, biên đạo múa các giảng viên Trường đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội). Ký ức Hội An được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập hai kỷ lục là Sân khấu ngoài trời lớn nhất Việt Nam và Chương trình biểu diễn nghệ thuật thường nhật có số lượng diễn viên tham gia đông nhất.

Ký ức Hội An có thông điệp Một ngày Hội An - trăm năm hoài cổ, tái hiện khung cảnh thương cảng Hội An sầm uất thế kỷ 16, 17. Những câu chuyện tình lãng mạn, tích truyện được lưu danh sử sách trong suốt chiều dài lịch sử 400 năm từ khi hình thành Hội An cho đến nay, được kể bằng nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống mang lại cho khán giả những phút giây thăng hoa cùng nghệ thuật. Tuy nhiên, khác với Thuở ấy xứ ĐoàiTinh hoa Bắc Bộ, phần lớn diễn viên tham gia Ký ức Hội An là diễn viên chuyên nghiệp.

“Bài toán” không dễ tìm lời giải đáp

Sân khấu thực cảnh có thể hiểu một cách đơn giản nhất là loại hình biểu diễn được thực hiện trên nền cảnh quan thực tế và thường là sân khấu ngoài trời. Sự phối kết hợp hài hòa giữa các loại hình nghệ thuật truyền thống với hình ảnh, bối cảnh thực tế mang lại cho người xem những trải nghiệm chân thực, thú vị, như được hòa mình vào câu chuyện được kể trên sân khấu.

Sân khấu thực cảnh là cuộc chơi tốn kém. Nó đòi hỏi không gian rộng cùng nhiều thiết bị kỹ thuật hiện đại, số lượng diễn viên đông nên phải đầu tư khoản kinh phí lớn. Được biết, sân khấu của Tinh hoa Bắc Bộ rộng đến 19.000m2, trong đó khu vực hồ nước rộng gần 4.300m2. Sân khấu của Ký ức Hội An rộng 25.000m2 với những công trình kiến trúc đặc trưng phố Hội, cùng sự tham gia của gần 500 diễn viên.

Để tạo hiệu ứng tốt, ngoài cảnh đẹp sẵn từ thiên nhiên, sân khấu thực cảnh phải sử dụng đến nhiều kỹ thuật dàn dựng sân khấu cũng như hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại. Chia sẻ với báo giới, đạo diễn Hoàng Nhật Nam, Tổng đạo diễn chương trình Tinh hoa Bắc Bộ cho biết, toàn bộ hệ thống âm thanh, ánh sáng trong show diễn đều là những thiết bị hàng đầu trên thế giới. Chính hiệu ứng âm thanh ánh sáng đã giúp tôn lên sự kỳ vĩ, hoành tráng của không gian thiên nhiên, góp phần tạo nên sự đặc sắc của Tinh hoa Bắc Bộ.

Số lượng tác phẩm sân khấu thực cảnh ở Việt Nam chưa nhiều nhưng lùm xùm xoay quanh những tác phẩm này lại là vấn đề làm nóng báo giới. Thuở ấy xứ Đoài rơi vào vòng xoáy tranh chấp bản quyền chưa có hồi kết sau một thời gian ngắn ra mắt. Trong khi đó, Ký ức Hội An, tác phẩm được nhiều khán giả kỳ vọng lại nhận nhiều ý kiến trái chiều từ công chúng.

Sự quy mô, hoành tráng của Ký ức Hội An là điều không thể phủ nhận, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nội dung kịch bản chưa sâu, chưa thể hiện được sự sầm uất của thương cảng Hội An xưa. Một số chi tiết trong Ký ức Hội An, trong đó có trang phục áo dài truyền thống bị cho là “lai căng”, mang màu sắc Trung Quốc. Có khán giả cho rằng, đó không phải là Ký ức Hội An mà đúng hơn là Thực trạng Hội An hiện nay. Trước những luồng ý kiến trái chiều từ dư luận, Ký ức Hội An đã được chỉnh sửa nhiều, tuy nhiên, vẫn chưa thực sự đáp ứng được kỳ vọng của khán giả.

Có thể nói rằng, với khán giả Việt, “sân khấu thực cảnh” vẫn là khái niệm chưa được nhiều người biết tới. Bên cạnh đó, giá vé để xem những tác phẩm sân khấu thực cảnh cũng khá cao so với thu nhập trung bình của người dân Việt Nam. Có lẽ, sân khấu thực cảnh phù hợp với khách du lịch nước ngoài hơn so với khán giả Việt. Đẩy mạnh truyền thông để công chúng Việt biết nhiều hơn đến sân khấu thực cảnh cũng là vấn đề rất đáng quan tâm.

Với những ưu điểm vượt trội, sân khấu thực cảnh được đánh giá là hướng đi mới để bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, quảng bá hiệu quả văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế. Đồng thời, đó cũng là sản phẩm văn hóa - nghệ thuật - du lịch hấp dẫn rất nên được đầu tư một cách bài bản.

Nhiều chuyên gia cho rằng, sân khấu thực cảnh Việt Nam còn nhiều tiềm năng để khai thác, xây dựng từ chất liệu dân gian truyền thống. Tuy nhiên, để có được một tác phẩm sân khấu thực cảnh không hề đơn giản. Kinh phí đầu tư là vấn đề được đặt ra nhưng ngay cả khi được đầu tư lớn cũng chưa thể đảm bảo cho vở diễn thành công. Sân khấu thực cảnh còn đòi hỏi ekip sản xuất chương trình tài năng, tâm huyết và am hiểu sâu sắc văn hóa Việt.


Tường Phạm
Ý kiến của bạn