Hà Nội

Hướng đến sân chơi lớn

12-01-2014 08:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Đây có thể xem là kỳ SEA Games có cả thành công lẫn thất bại của điền kinh Việt Nam. Mừng vì vào những phút giây cuối cùng hoàn thành chỉ tiêu 10HCV, còn lo vì những mũi nhọn được đầu tư mạnh lại có phần hụt hơi…

Đây có thể xem là kỳ SEA Games có cả thành công lẫn thất bại của điền kinh Việt Nam. Mừng vì vào những phút giây cuối cùng hoàn thành chỉ tiêu 10HCV, còn lo vì những mũi nhọn được đầu tư mạnh lại có phần hụt hơi… Điền kinh đã không đạt được thành tích như mong muốn ở một số nội dung sở trường nhưng lại chứng tỏ độ dày lực lượng bằng việc giành hàng loạt HCV từ những nội dung ít được kỳ vọng. Những kinh nghiệm từ SEA Games lần này sẽ sớm được đội điền kinh rút ra để đạt thành tích tốt hơn tại Asiad 17 - 2014.

Thua chính mình...

Khép lại SEA Games 27, điền kinh Việt Nam hoàn thành chỉ tiêu và đóng góp cho đoàn thể thao nước nhà 10 tấm HCV. Thành tích ấy vừa đủ so với mức đăng ký trước ngày lên đường. Tuy nhiên, công bằng và khách quan mà nói, cần thấy rõ còn nhiều vấn đề để xem xét và rút kinh nghiệm. Việc thua đối thủ nếu vì lý do từ trọng tài hoặc chưa nhận định được đối phương chỉ là một phần. Quan trọng nhất, bản thân nhiều VĐV lại chưa đạt đúng thông số kỹ thuật cao nhất của chính mình. Sự kỳ vọng nhất chính là 2 gương mặt từng dự Olympic London là Nguyễn Thị Thanh Phúc và Dương Thị Việt Anh. Thanh Phúc đã không thể giành HCV cự ly đi bộ 20km nữ sở trường tại Myanmar. Dù đối thủ bản địa “chơi ăn gian” nhưng thực tế thành tích của Phúc lại chỉ là 1 giờ 37 phút 08 (thua xa chỉ số 1 giờ 35 phút 26 giây từng giúp cô đoạt HCB ở giải vô địch châu Á 2013). Còn so với KLQG mà Phúc đang giữ là 1 giờ 33 phút 36 giây (đạt tại Olympic London 2012) thì lại càng thấp hơn rất nhiều.

VĐV điền kinh Nguyễn Văn Lai. Ảnh: Quang Nhật

Dương Thị Việt Anh cũng vậy, cô đã bỏ 7 môn phối hợp để tập trung duy nhất cho nhảy cao và bảo vệ thành công chức vô địch từ SEA Games 26 với thông số lần này là 1m84. Rõ ràng đây chỉ là kết quả tạm được. Mọi nỗ lực của cô trong 3 lần nhảy với mức xà 1m88 tại Myanmar đều bất thành. Rất may, thành tích 1m84 trước đó của Việt Anh đã không có đối thủ nào vượt qua. So với kết quả 1m90 từng giúp Việt Anh giành HCV ở SEA Games 26 - 2011 thì thành tích tại SEA Games 27 của cô là kém hơn quá nhiều. Tiếp tục danh sách “phú quý giật lùi” còn có Nguyễn Văn Huệ (10 môn phối hợp) không đạt được huy chương tại SEA Games do Huệ đã không hoàn thành được nội dung nhảy sào, vì thế không có đủ điểm và bị loại khi cuộc đấu vẫn đang diễn ra. Đáng buồn nhất là tổ 400m và 400m rào với những niềm hy vọng lớn như Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Oanh, Đào Xuân Cường, Quách Công Lịch... Nhưng đội tuyển đã không giành được bất kỳ tấm HCV nào ở các nội dung trên. Cả Nguyễn Thị Oanh và Quách Thị Lan đều trắng tay trước nội dung sở trường là 400m và 400m rào. Trong đó, Quách Thị Lan đạt HCB 400m rào (58 giây 93), thua chính thông số của mình khi giành HCV tại giải Malaysia mở rộng cách đó 2 tháng (Lan về nhất với 57 giây 74). Còn với Nguyễn Thị Oanh, xem ra còn phải tích lũy thêm kinh nghiệm. Cô là mắt xích quan trọng nhất trong cuộc đua tiếp sức 4x400m nữ nhưng để đối thủ vượt qua ở những mét cuối cùng.

Khi vai phụ xuất sắc hơn “kép” chính

Tại SEA Games 27, điền kinh có 3 VĐV giành cú đúp HCV gồm Vũ Thị Hương (100m, 200m), Đỗ Thị Thảo (800m, 1.500m) và Nguyễn Văn Lai (5.000m, 10.000m). Chân chạy Nguyễn Văn Lai chính là bất ngờ đáng kể nhất của điền kinh Việt Nam tại Myanmar. Không thuộc diện được BHL nhắm HCV trước khi điền kinh đi SEA Games 27, nhưng vào cuộc, Nguyễn Văn Lai thi đấu như người không “phổi” để rồi cán đích cự ly 5.000m trong ngày đầu và sau đó “mở hàng” đầy may mắn cho cả đội vào ngày thi đấu cuối cùng với ngôi vô địch 10.000m. Cả 2 thông số đoạt HCV ở SEA Games của Lai là 14 phút 19 giây 35 (5.000m), 29 phút 44 giây 82 (10.000m) đều đã xác lập KLQG mới. Với vai trò “đóng thế” của mình, Nguyễn Văn Lai đã góp phần cứu nguy cho đội tuyển điền kinh nói chung. Văn Hùng cũng vậy. Vào những lần dậm nhảy cuối cùng, VĐV này đã đạt 16m67 để xứng danh ngôi vô địch nhảy xa 3 bước nam SEA Games 27. Quan trọng hơn, đây là VĐV duy nhất của điền kinh Việt Nam phá được kỷ lục SEA Games. Tất nhiên, không thể bỏ qua Vũ Thị Hương với sự trở lại hoàn hảo ở cự ly sở trường là 100m và 200m. Những bước nước rút thần tốc mang thương hiệu “Vũ Thị Hương” đã đưa “nữ hoàng tốc độ” trở lại ngôi vị số 1 sau một kỳ SEA Games thất bát (năm 2011 ở Indonesia). Đồng hành với cô, Đỗ Thị Thảo phần nào khỏa lấp sự vắng bóng của Trương Thanh Hằng để lần đầu đoạt 2HCV như đàn chị từng giành được tại 800m và 1.500m.

Vũ Thị Hương vẫn được chờ đợi của điền kinh VN. Ảnh: Xuân Gụ

Tương lai cần có nhiều cải tổ

Chỉ còn 10 tháng nữa sẽ tới Asiad 17 - 2014, thời gian không còn nhiều. Tại Asiad 16 - 2010, điền kinh thi đấu tưng bừng với 3HCB (Vũ Thị Hương 1 và Trương Thanh Hằng 2), 1HCĐ (Vũ Văn Huyện 10 môn phối hợp). Lần này, chúng ta sẽ có ai đạt hoặc vượt được thành tích ấy? Rất khó. So về thành tích, Đỗ Thị Thảo đã là nhà vô địch SEA Games nhưng thông số 2 phút 05 giây 52 (800m), 4 phút 22 giây 64 (1.500m) còn thua xa khi Thanh Hằng giành HCB ở Asiad 16 - 2010 (2 phút 00 giây 91 và 4 phút 09 giây 58). Thanh Hằng đã trở lại thi đấu sau phẫu thuật chấn thương nhưng để lấy lại nhịp độ và thành tích cao với cô còn rất lâu thời gian. Về nhất ở SEA Games 27 ở cự ly 200m, Vũ Thị Hương đạt 23 giây 55 (nhanh hơn hồi đoạt HCB Asiad - 2010 là 23 giây 74). Qua 4 năm, đối thủ cũng mạnh hơn, do vậy, cơ hội chiến thắng vẫn chỉ là 50/50. Còn Vũ Văn Huyện đã giã từ 10 môn phối hợp nên sẽ không đủ cơ hội tham chiến Asiad - 2014. Cơ hội rất có thể sẽ được đặt vào Quách Thị Lan và Nguyễn Thị Oanh trên đường chạy 400m hay Nguyễn Thị Thanh Phúc (đi bộ), Nguyễn Văn Lai... Các nhà chuyên môn sẽ phải có sự lựa chọn khó khăn bởi trọng tâm bây giờ không còn như cũ.         

Liên Á

 


Ý kiến của bạn