Việc triển khai các quy định về đấu thầu thuốc đã cơ bản thực hiện được mục tiêu đáp ứng đủ thuốc với chất lượng đảm bảo, kịp thời phục vụ công tác phòng chống dịch và khám chữa bệnh của người dân, đồng thời giá thuốc cung ứng cho các bệnh viện được duy trì, bình ổn trong 6 tháng đến một năm... Tuy nhiên, việc đấu thầu thuốc hiện nay vẫn còn không ít hạn chế, bất cập cần sớm được sửa đổi. Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại Hội nghị phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về công tác đấu thầu mua thuốc do Bộ Y tế tổ chức ngày 7/12 tại Hà Nội…
Một loại thuốc nhiều giá sẽ bị loại khi đấu thầu
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện nay trong tổng số chi phí y tế tại các BV, chi phí cho thuốc chiếm trên 50% trong tổng chi thường xuyên, riêng tại các BV tuyến TW, mức chi phí tiền thuốc chiếm trên 60%. Theo đó, hệ thống các BV công lập hiện nay sử dụng khoảng 40% tổng giá trị tiền thuốc sử dụng trên cả nước và thực hiện việc mua thuốc thông qua công tác đấu thầu. Tuy nhiên, từ thực tế của công tác đấu thầu, việc chưa có quy định rõ ràng về tiêu chí lựa chọn thuốc theo tên biệt dược đưa vào gói thầu đã khiến một số trường hợp lạm dụng gói thầu biệt dược để mua các mặt hàng thông thường. Ngoài ra, bất cập phải kể đến trong công tác đấu thầu thuốc hiện nay là nhiều cơ sở KCB đã mua nhiều mặt hàng thuốc của cùng một hoạt chất với giá khác nhau...
Sẽ tăng cường công khai minh bạch và đảm bảo công bằng trong đấu thầu thuốc. Ảnh: TM
Trước những bất cập này, Bộ trưởng cho biết, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BYT-BTC hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế. Theo ông Nguyễn Quang Ân - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế, Thông tư 01 quy định rõ, giá trúng thầu của từng mặt hàng thuốc không được cao hơn giá của mặt hàng thuốc đó trong kế hoạch đấu thầu đã được phê duyệt. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã ban hành riêng Thông tư số 11/2012/TT-BYT hướng dẫn lập hồ sơ mời thầu thuốc vào cơ sở y tế quy định trường hợp nhà thầu cung cấp nhiều loại giá cho một loại thuốc sẽ bị loại khỏi danh sách thuốc tham gia đấu thầu. Đồng thời, giá đề nghị trúng thầu của từng mặt hàng thuốc không được cao hơn giá trong kế hoạch đã được phê duyệt và không được cao hơn giá bán buôn kê khai hoặc kê khai lại đang còn hiệu lực. Liên quan đến công tác quản lý giá thuốc, Bộ Y tế cho biết, Bộ đã đề nghị chuyển quản lý giá thuốc về cơ quan quản lý giá chuyên ngành vì hiện nay, việc Bộ Y tế vừa sản xuất, vừa kinh doanh, vừa kê đơn điều trị dù đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn bị mang tiếng là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
Cần có nghị định riêng về hướng dẫn đấu thầu thuốc
Cũng liên quan đến lĩnh vực đấu thầu thuốc, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ Y tế đang kiến nghị Chính phủ cho phép xây dựng một nghị định hướng dẫn về công tác đấu thầu thuốc do thuốc là một hàng hóa đặc biệt, có những đặc thù riêng nên cần phải có nghị định riêng, tuy nhiên hiện nay, Luật Đấu thầu không có quy định chi tiết về hướng dẫn đấu thầu thuốc. Việc đấu thầu thuốc hiện vẫn chung với nghị định đấu thầu xây dựng, trang thiết bị. Đồng thời, để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý liên quan đến lĩnh vực đấu thầu thuốc cũng như quản lý giá thuốc, Bộ Y tế đang tiến hành sửa đổi một số điểm không phù hợp của Luật Dược để trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 6/2013.
Theo Bộ Y tế, thời gian qua, để tăng cường sự công khai, minh bạch và đảm bảo công bằng, qua đó hạn chế các vấn đề tiêu cực trong công tác đấu thầu thuốc, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành quy định về mẫu hồ sơ mời thầu mua thuốc để áp dụng thống nhất trên toàn quốc, khắc phục tình trạng không thống nhất về các yêu cầu, tiêu chí trong việc lựa chọn thuốc trúng thầu cung ứng cho các bệnh viện. Ngoài ra, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đang triển khai xây dựng để triển khai thí điểm quy định quản lý giá thuốc bằng thặng số bán buôn tối đa toàn chặng nhằm khắc phục tình trạng một số trường hợp thuốc trúng thầu với giá cao, bất hợp lý...
Nguyễn Nam