1. Hương đạo có từ khi nào?
Từ ngàn xưa, khi mới khám phá ra lửa, con người đã bắt đầu phát hiện ra một điều lạ lùng. Đó là khi ngọn lửa cháy lên sẽ tỏa ra mùi thơm đặc biệt, tùy theo vật liệu dùng để đốt.
Người ta đã biết dùng hương đèn để trị bệnh cho thân thể và cả bệnh tâm lý. Khi đốt hương đèn, khói hương nghi ngút tạo nên không khí thanh tịnh, ấm áp và trang nghiêm hoặc tạo không khí trong sạch trong những căn phòng lạnh lẽo…
Nghi thức dâng hương là tập quán mà hầu như mọi người dân Á châu bất kể lứa tuổi nào và sống ở nơi đâu đều biết đến. Nén hương đã đi vào đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người Việt Nam như một nét đẹp truyền thống, gần gũi và thiêng liêng.
Chuyện thắp hương trên bàn thờ tổ tiên là một nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu trong các dịp giỗ chạp, lễ Tết. Mùi hương là mùi thơm quen thuộc trong nhà hàng triệu triệu người Á châu - là mùi thơm đặc biệt của ngày đầu năm đi chùa lễ Phật. Đây hoàn toàn không phải là hành động mê tín dị đoan, mà là một nét đẹp văn hóa được tồn tại từ rất lâu.
Ngày nay, việc thưởng thức hương thơm thảo mộc qua việc đốt nhang thảo mộc đã trở nên phổ biến hơn tại nhiều quốc gia.
Tại Việt Nam, đa số chúng ta đều dùng nhang cho việc thờ cúng, cũng như nguồn gốc của tục đốt nhang trên thế giới ban đầu là phục vụ cho hoạt động tín ngưỡng. Nhưng nhiều nơi khác trên thế giới đã đưa việc sử dụng mùi thơm từ nhang lên một tầm nghệ thuật mới, tiêu biểu là hương đạo của Nhật bản. Ngày nay, việc thưởng thức hương thơm thảo mộc qua việc đốt nhang thảo mộc đã trở nên phổ biến hơn tại nhiều quốc gia.
Hương đạo là nghệ thuật thưởng thức hương trầm, nói nôm na là "ngửi" mùi hương trầm – một nghệ thuật độc đáo chỉ thấy ở Nhật Bản chứ không có ở các nước khác. Mặc dầu đến thế kỷ 15 hương đạo mới được định hình, nhưng trên thực tế, thú tao nhã này đã bắt nguồn từ khi Phật giáo du nhập từ Trung Quốc và Triều Tiên vào Nhật khoảng thế kỷ 6.
2. Hương đạo là gì?
Hương đạo là nghệ thuật thưởng thức mùi hương toát ra từ một nhánh gỗ thơm hoặc từ một cốc hương liệu. Lịch sử hương đạo gắn liền với văn hóa Phật giáo Nhật Bản, trong đó có việc thắp hương lễ Phật.
Để thưởng thức được mùi hương theo phong cách hương đạo, người thưởng thức phải biết cách nhận biết và phân biệt được những mùi hương theo quy định từ nhiều mùi hương khác nhau. Để làm được điều này người ta phải rèn luyện một khả năng khứu giác thật nhạy bén và tinh tế, cũng như khả năng tập trung phân tích cao độ.
Thuở xa xưa, người Nhật đã thích thưởng thức hương thơm tỏa ra khi đốt các loại gỗ thơm. Hương liệu có thể lấy từ thực vật (hoa, trái cây, rễ cây, lá cây hay nhựa cây), động vật hay khoáng vật; nhưng từ trước tới nay loại hương liệu được yêu chuộng nhất vẫn là các thứ gỗ thơm. Quế và trầm là hai loại gỗ thơm tiêu biểu của Việt Nam.
Ngày nay, thưởng thức mùi thơm từ thảo mộc khi nén nhang được đốt lên là phương tiện hữu hiệu cho tâm hồn thư thái, nhẹ nhàng, an định, thường được sử dụng khi uống trà, khi làm việc, khi xoa bóp... Thưởng thức hương thơm thảo mộc từ nhang có thể coi là một phần của liệu pháp mùi hương (aromatherapy).
3. Các nguyên liệu của hương đạo
Hương (nhang) được làm từ các loại thảo mộc khô, xay nhuyễn thành bột, ép khuôn thành dạng cây nhang dài hoặc hình chóp nhọn, đốt trong lư đồng, chén sứ hoặc lọ xông trầm riêng biệt.
Trước đây, hương thảo mộc được làm độc vị tức là chỉ một loại thảo mộc duy nhất. Ngày nay hương thảo mộc có thể được kết hợp từ nhiều loại thảo mộc khác nhau để các hương thơm quyện lại với nhau tạo ra các hương thơm mới.
Cách kết hợp các thảo mộc với nhau có thể là ngẫu nhiên một hai loại thảo mộc, hoặc có khi là một bài thuốc và bài thuốc này cũng có tác dụng của nó.
Tinh dầu trong thảo mộc có thể giúp tăng cường sức khỏe và làm cơ thể thư giãn…
Một số bài thuốc có thể nghiền thành bột và dùng dưới dạng nhang như sau:
- Đinh hương, thục tiêu: Thơm ấm, xua tan mùi xú uế.
- Đinh lăng, cam tùng, đàn hương, đinh hương, tế tân, hồi hương: Làm ấm, làm sạch không khí.
- Thương truật, ngô thù du, lá ngải cứu, nhục quế, sa nhân, bạch chỉ, bạc hà, mộc lan, viễn chí: Hương thơm giúp định thần.
- Gừng khô, bạch chỉ, đại hồi, đinh hương, quán chúng, hoa kim ngân: Mùi vị thơm cay ấm áp lan tỏa khắp phòng, vừa làm sạch không khí trong nhà, loại bỏ cảm giác giá lạnh, và có thể tiêu diệt các mầm bệnh trong không khí, phòng chống bệnh tật, đồng thời giúp ôn phế trừ ho.
Khứu giác tinh tế hơn bất cứ giác quan nào khác vì mùi hương được tiếp nhận qua mũi sẽ kết nối trực tiếp với não bộ, chịu trách nhiệm về trí nhớ và cảm xúc. Mũi được cho là ảnh hưởng đến 75% cảm xúc hằng ngày. Mũi kết nối với tuyến khứu giác, nơi lưu lại mùi hương và hệ thần kinh ngoại biên, nơi thống trị cảm xúc và trí nhớ, được xem là nơi làm nên sức mạnh của khứu giác.
Tinh dầu có thể tăng khả năng ghi nhớ trong một thời gian ngắn, tăng cường sức khỏe và làm cơ thể thư giãn. Có hai cách để tinh dầu phát huy tác dụng: Một là tác động trực tiếp lên hệ viền của não thông qua khứu giác và làm thay đổi huyết áp, nhịp tim cũng như các hoạt động khác của cơ thể. Tác động thứ hai là tác động dược lý (giống như thuốc) lên cơ thể nhằm giúp cơ thể tự sản sinh những chất làm giảm đau.
Có thể nói, tinh dầu thiên nhiên không trực tiếp chữa lành bệnh nhưng có thể giúp cơ thể tìm đường để tự chữa bệnh và làm tăng hệ miễn nhiễm của cơ thể.
Mời độc giả xem thêm video:
Thực phẩm và đồ uống giúp ngăn ngừa say nắng