Hướng dẫn tính tiền lãi chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT

04-03-2016 08:13 | Xã hội
google news

SKĐS - Theo Thông tư 20/2016/TT-BTC hướng dẫn thực hiện cơ chế quản lý tài chính về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)...

Theo Thông tư 20/2016/TT-BTC hướng dẫn thực hiện cơ chế quản lý tài chính về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và chi phí quản lý BHXH, BHYT, BHTN có hiệu lực từ ngày 20/3/2016, những trường hợp trốn đóng, đóng không đủ các loại hình bảo hiểm... bị cơ quan chức năng phát hiện, ngoài việc truy thu số tiền phải đóng theo quy định, cơ quan bảo hiểm sẽ tiến hành truy thu số tiền lãi tính trên số tiền, thời gian trốn đóng và mức lãi chậm đóng.

Tại Điều 5 của Thông tư quy định, trường hợp trốn đóng; đóng không đủ số người thuộc diện bắt buộc tham gia, đóng không đủ số tiền phải đóng theo quy định, đóng thấp hơn mức đóng của người thuộc diện bắt buộc tham gia; chiếm dụng tiền đóng hưởng BHXH, BHYT, BHTN được cơ quan BHXH, cơ quan có thẩm quyền phát hiện từ ngày 1/1/2016 thì ngoài việc truy thu số tiền phải đóng theo quy định, cơ quan bảo hiểm sẽ tiến hành truy thu số tiền lãi tính trên số tiền, thời gian trốn đóng và mức lãi chậm đóng. Trong đó, toàn bộ thời gian trốn đóng trước ngày 1/1/2016 được tính theo mức lãi suất chậm đóng áp dụng đối với năm 2016. Đối với thời gian trốn đóng từ ngày 1/1/2016 trở đi, được tính theo mức lãi suất chậm đóng áp dụng đối với từng năm.

Các doanh nghiệp chậm đóng hoặc trốn đóng BHXH sẽ bị truy thu số tiền lãi... Ảnh: TM

Số tiền lãi chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN phải thu trong tháng gồm số tiền lãi chậm đóng lũy kế đến cuối tháng trước liền kề chuyển sang và số tiền lãi chậm đóng tính trên số tiền chậm đóng phát sinh trong tháng.

Hằng tháng, cơ quan BHXH có trách nhiệm gửi thông báo kết quả đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người sử dụng lao động theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam, trong đó ghi rõ số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN và tiền lãi chậm đóng (nếu có).

Cũng theo Thông tư này, đối với các khoản chậm đóng BHTN của đơn vị sử dụng lao động đến cuối năm 2014 (nếu có), cơ quan BHXH yêu cầu doanh nghiệp nộp đủ theo quy định; ngân sách Nhà nước không hỗ trợ Quỹ BHTN trong trường hợp này.

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, số nợ BHXH, BHYT, BHTN năm 2015 khoảng 7.567 tỷ đồng, giảm so năm 2014 hơn 1.400 tỷ đồng. Trong đó, số nợ BHXH là khoảng 5.692 tỷ đồng, nợ BHYT là 1.560 tỷ đồng, BHTN là 315 tỷ đồng. Có khoảng 103.000 doanh nghiệp nợ với số tiền khoảng 5.300 tỷ đồng... Có thể thấy, tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN vẫn đang xảy ra ở tất cả các địa phương; việc tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN của nhiều đơn vị sử dụng lao động chưa nghiêm, mà biểu hiện là tình trạng trốn đóng BHXH, đăng ký số người tham gia BHXH và mức tiền lương, tiền công tham gia BHXH, thấp hơn so với tiền lương thực tế, nợ đọng.

Theo ông Trần Đình Liệu - Trưởng ban Thu - BHXH Việt Nam, nguyên nhân của tình trạng này là nhiều doanh nghiệp vẫn đang chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, không ít doanh nghiệp vẫn cố tình trốn tránh, vi phạm chính sách BHXH, BHYT khi lãi suất tiền phạt chậm đóng BHXH thấp, các chế tài xử phạt chưa cao...

Thời gian qua, khởi kiện được coi là một biện pháp mạnh để xử lý đối với những doanh nghiệp có số nợ BHXH lớn và kéo dài, nhưng trên thực tế, việc khởi kiện và thi hành án đối với những doanh nghiệp này đang gặp rất nhiều khó khăn. Tình trạng truy thu cũng gặp khó khăn, phức tạp do người lao động đã nghỉ việc, đơn vị không lưu giữ hồ sơ tuyển dụng nên khó trong quản lý thu nộp... Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, khi khởi kiện các doanh nghiệp nợ BHXH, có khoảng 30% số doanh nghiệp đã thực hiện ngay việc đóng BHXH, khoảng 40% số doanh nghiệp chấp nhận để thụ lý vụ án, còn lại tới 30% số doanh nghiệp gặp phải tình trạng rất khó khăn, như phá sản, giải thể hoặc chờ giải thể...


Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn