Hà Nội

Hướng dẫn mới của Hoa Kỳ về phòng ngừa đột quỵ

01-11-2024 07:15 | Thông tin dược học

SKĐS - Hướng dẫn mới về phòng ngừa đột quỵ do Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) và Hiệp hội Đột quỵ Hoa Kỳ (ASA) công bố, đã được cập nhật bao gồm thay đổi lối sống, chiến lược phòng ngừa và các lựa chọn điều trị, để giảm nguy cơ đột quỵ đầu tiên…

Đột quỵ (stroke) xảy ra đột ngột khi nguồn máu cung cấp cho não bị tắc nghẽn, gián đoạn hoặc suy giảm. Kết quả là não không nhận được oxy cần thiết để hoạt động bình thường. Đột quỵ gây tổn thương não, có thể dẫn đến tình trạng khuyết tật đáng kể, bao gồm khó khăn trong suy nghĩ, nói chuyện, đi lại và tương tác với môi trường xung quanh…

Tại Hoa Kỳ, đột quỵ hiện là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ năm, với gần 160.000 ca tử vong mỗi năm. Hàng năm, hơn 600.000 người ở Hoa Kỳ bị đột quỵ lần đầu, mặc dù có tới 80% số ca đột quỵ có thể phòng ngừa được.

TS. Cheryl D. Bushnell, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, Trưởng nhóm biên soạn hướng dẫn cho biết, cách hiệu quả nhất để giảm nguy cơ đột quỵ và tử vong liên quan đến đột quỵ là ngăn ngừa cơn đột quỵ đầu tiên. Đây được gọi là phòng ngừa chính.

Một số nhóm dân số có nguy cơ đột quỵ cao, do di truyền, lối sống, các yếu tố sinh học và/hoặc các yếu tố xã hội, trong một số trường hợp, không được sàng lọc thích hợp để xác định nguy cơ của họ. Hiểu được những người nào có nguy cơ cao bị đột quỵ, cung cấp hỗ trợ để bảo vệ sức khỏe tim mạch và não có thể giúp ngăn ngừa đột quỵ lần đầu.

Tai biến mạch máu não(đột quỵ):Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết...

Đột quỵ xảy ra đột ngột khi nguồn máu cung cấp cho não bị tắc nghẽn, gián đoạn hoặc suy giảm. Não không nhận được oxy cần thiết để hoạt động bình thường, gây tổn thương não.

Hướng dẫn mới năm 2024 về phòng ngừa đột quỵ thay thế phiên bản năm 2014 (sau một thập kỷ), khuyến nghị các bác sĩ lâm sàng triển khai nhiều chiến lược phòng ngừa khác nhau, cho những cá nhân không có tiền sử đột quỵ; đưa ra các khuyến nghị dựa trên bằng chứng về các chiến lược hỗ trợ sức khỏe não bộ, ngăn ngừa đột quỵ trong suốt cuộc đời của một người, bằng cách cải thiện các hành vi lối sống lành mạnh, nhận được sự chăm sóc phòng ngừa thích hợp.

Các khuyến cáo chính để phòng ngừa đột quỵ bao gồm kiểm tra sức khỏe thường xuyên, xác định các yếu tố nguy cơ, can thiệp vào lối sống và dùng thuốc khi cần thiết.

Xác định và quản lý các yếu tố rủi ro của đột quỵ

Các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch không được xác định và không được kiểm soát có thể gây tổn thương động mạch, não và tim nhiều năm, trước khi bệnh tim mạch hay đột quỵ xảy ra. Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe ban đầu nên chú ý đến sức khỏe não bộ cho bệnh nhân, thông qua giáo dục phòng ngừa đột quỵ, sàng lọc, giải quyết các yếu tố nguy cơ từ khi sinh ra đến khi về già.

Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi đối với đột quỵ, chẳng hạn như huyết áp cao, thừa cân béo phì, cholesterol cao, lượng đường trong máu cao… có thể được xác định thông qua các cuộc kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm máu. Những tình trạng này nên được giải quyết bằng lối sống lành mạnh, thay đổi hành vi, có thể bao gồm dùng thuốc cho một số bệnh nhân.

Thuốc hạ huyết áp để giảm huyết áp, thuốc statin giảm cholesterol có thể giúp giảm nguy cơ đột quỵ đầu tiên ở người lớn có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao và những người đang được chăm sóc bệnh tim mạch.

Một khuyến nghị mới là xem xét các thuốc chủ vận thụ thể protein giống glucagon-1 (GLP-1), được FDA chấp thuận để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở những người thừa cân hoặc béo phì và/hoặc bệnh đái tháo đường type 2.

Thực hiện hành vi lối sống lành mạnh

Các hành vi lối sống phổ biến nhất có thể giúp giảm nguy cơ đột quỵ được nêu chi tiết trong 8 chỉ số sức khỏe tim mạch thiết yếu của Hiệp hội. Chúng bao gồm: Dinh dưỡng lành mạnh, hoạt động thể chất thường xuyên, tránh thuốc lá, ngủ đủ giấc, cân nặng lành mạnh, kiểm soát cholesterol, quản lý huyết áp và lượng đường trong máu.

- Chế độ ăn: Hướng dẫn khuyến nghị những người lớn không mắc bệnh tim mạch trước đó, cũng như những người có nguy cơ cao hơn, nên tuân theo chế độ ăn Địa Trung Hải (đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ đột quỵ), đặc biệt là khi bổ sung các loại hạt và dầu ô liu.

- Hoạt động thể chất: Hoạt động thể chất cũng rất cần thiết để giảm nguy cơ đột quỵ và sức khỏe tim mạch nói chung, giúp cải thiện các tình trạng sức khỏe quan trọng như huyết áp, cholesterol, các dấu hiệu viêm, kháng insulin, chức năng nội mô và cân nặng… (các yếu tố nguy cơ của đột quỵ).

Hướng dẫn này khuyến nghị các chuyên gia chăm sóc sức khỏe thường xuyên sàng lọc bệnh nhân về hành vi ít vận động - một yếu tố nguy cơ đã được xác nhận đối với đột quỵ - khuyên họ tham gia hoạt động thể chất thường xuyên.

Người lớn nên dành ít nhất 150 phút mỗi tuần cho hoạt động aerobic cường độ vừa phải hoặc 75 phút mỗi tuần cho hoạt động aerobic mạnh mẽ, hoặc kết hợp cả hai, tốt nhất là trải đều các ngày trong tuần.

bài tập

Hoạt động thể chất rất cần thiết để giảm nguy cơ đột quỵ và sức khỏe tim mạch nói chung.

Khuyến nghị phòng ngừa đột quỵ dành riêng cho phụ nữ

Một số khuyến nghị mới được cập nhật dành riêng cho phụ nữ. Theo đó, các chuyên gia y tế nên sàng lọc các tình trạng có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ ở phụ nữ, bao gồm sử dụng thuốc tránh thai đường uống, huyết áp cao trong thai kỳ, các biến chứng thai kỳ khác như sinh non, lạc nội mạc tử cung, suy buồng trứng sớm, mãn kinh sớm…

Điều trị huyết áp cao trong thai kỳ và trong vòng sáu tuần sau khi sinh được khuyến cáo để giảm nguy cơ xuất huyết não ở mẹ. Phụ nữ chuyển giới và những người có giới tính đa dạng dùng estrogen để khẳng định giới tính, cũng có thể có nguy cơ đột quỵ cao hơn. Cần đánh giá, điều chỉnh bất kỳ yếu tố nguy cơ hiện có nào, để giảm nguy cơ đột quỵ cho những người này.

TS. Bushnell cho biết, việc thực hiện các khuyến nghị trong hướng dẫn này sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ đột quỵ lần đầu ở mọi người. Hầu hết các chiến lược mà chúng tôi khuyến nghị để ngăn ngừa đột quỵ, cũng sẽ giúp giảm nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ, một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng khác liên quan đến các vấn đề về mạch máu trong não.

Theo Hiệp hội Đột quỵ Hoa Kỳ, việc tìm hiểu các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ và các biện pháp phòng ngừa là cách tốt nhất để tránh đột quỵ, ngăn ngừa chúng tái phát. Từ viết tắt FAST (mặt xệ, tay yếu, nói khó, thời gian gọi cấp cứu) là một công cụ hữu ích để nhận biết các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ và thời điểm cần gọi trợ giúp.

Hướng dẫn mới đưa ra các khuyến nghị dựa trên bằng chứng về các chiến lược hỗ trợ sức khỏe não bộ và ngăn ngừa đột quỵ trong suốt cuộc đời của một cá nhân. 10 thông điệp chính của hướng dẫn tập trung vào:

  • Sức khỏe não bộ
  • Sàng lọc và giải quyết các yếu tố xã hội bất lợi quyết định sức khỏe
  • Chế độ ăn uống
  • Hoạt động thể chất
  • Dùng chất chủ vận thụ thể GLP-1
  • Quản lý huyết áp
  • Lliệu pháp chống tiểu cầu
  • Phòng ngừa đột quỵ liên quan đến thai kỳ
  • Lạc nội mạc tử cung, suy buồng trứng sớm và mãn kinh sớm
  • Tầm quan trọng của việc hiểu sức khỏe chuyển giới.

Mời bạn đọc xem tiếp video:

Đột quỵ có di truyền không? | SKĐS

Thanh Phúc
(Theo newsroom, TSF)
Ý kiến của bạn