Hướng dẫn dùng thuốc: Trách nhiệm và điều kiện?

15-02-2009 07:30 | Thời sự
google news

Hướng dẫn dùng thuốc là trách nhiệm của bác sĩ khám bệnh, dược sĩ cấp thuốc. Nhưng làm sao để thực hiện điều này?

Hướng dẫn dùng thuốc là trách nhiệm của bác sĩ khám bệnh, dược sĩ cấp thuốc. Nhưng làm sao để thực hiện điều này?

Từ những việc nhỏ và thực trạng chung.

Ông Nguyễn Văn A..., 50 tuổi đưa đến một vỉ thuốc và cuốn y bạ, trong đó chỉ ghi một dòng ngắn: Adalat 20mg x 10 viên, ngày: 1 viên. Bà Trịnh Thị M..., 55 tuổi mang đến 1 gói thuốc, sổ y bạ cũng chỉ ghi: fosamat 10mg x 20 viên, ngày: 1 viên. Hỏi ra mới biết, những người này đều dùng thuốc trên lần đầu, không biết rõ phải dùng kéo dài, cũng không biết rõ viên adalat phải nuốt chửng không được nhai, dùng đúng vào giờ nhất định (để có tác dụng chậm, kéo dài); cũng không biết với viên fosamat nuốt chửng với nhiều nước, không được nhai ngậm, không được dùng ở tư thế nằm (để tránh trầy trượt thực quản).

 Khi khám bệnh, các bác sĩ cần hướng dẫn cách dùng thuốc để người bệnh có thói quen dùng thuốc theo đơn. Ảnh: H. Cát

Tập san Y học lâm sàng (số 35 -12/2008) đăng bài "Nghiên cứu thực trạng nhận thức của bệnh nhân tăng huyết áp điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Bạch Mai" đưa ra một số liệu: có tới 68,4% người bệnh không biết mình bị cao huyết áp, chỉ có 31,6% biết bị bệnh; số người bị bệnh không điều trị hay điều trị không đúng chiếm 80%; chỉ có 12% người bệnh được điều trị liên tục, nhưng không rõ tỷ lệ kiểm soát được huyết áp theo mục tiêu. Một điều tra tại các bệnh viện thành phố Hồ Chí Minh cho biết: có tới 50% người bệnh không biết dùng thuốc.

Có một thực trạng phổ biến, đáng lo ngại là người dân chưa được hướng dẫn thấu đáo và chưa dùng thuốc đúng cách.

Vì sao có sự hướng dẫn chưa thấu đáo?

Trong cộng đồng: Người điều trị ngoại trú cần có bác sĩ gia đình chăm sóc. Ở ta, hệ thống này chưa đủ mạnh (ít người, chưa xác lập được vai trò). Người bệnh thường khám ở các phòng khám tỉnh, huyện, mỗi lần khám lại gặp một bác sĩ khác. Thầy thuốc kê đơn chỉ đủ dùng 10 ngày, có in sẵn cuối đơn với lời dặn: 10 ngày sau khám lại hoặc khi khám bệnh nhớ mang theo đơn này. Song người bệnh không quay lại như hẹn (vì đã khỏi triệu chứng hay vì ngại), chỉ mua thuốc lẻ đủ dùng (không có tờ hướng dẫn kèm theo) nên không biết cách dùng cụ thể, không theo đúng liệu trình điều trị.

Tại phòng khám - cấp thuốc: Buổi sáng người bệnh quen đến sớm nhưng thầy thuốc thường mất thì giờ giao ban, nên thực chất phòng khám chỉ làm việc khoảng 6-7 giờ mỗi ngày. Người bệnh chờ đợi hàng buổi nhưng ở tỉnh lẻ chỉ được thầy thuốc khám 15-20 phút, ở bệnh viện thành phố lớn chỉ khoảng 10-15 phút. Quy trình khám bắt buộc phải làm thủ tục, khai thác tiền sử, khám thực thể, đọc xét nghiệm... nên phần thời gian dành cho việc cân nhắc, kê đơn, hướng dẫn dùng thuốc rất ít. Do đó, khó tránh sai sót. Một báo cáo tại Bệnh viện Nhân dân 115 (TP. HCM) năm 2008, phân tích 500 đơn thuốc, cho biết: Đơn thuốc trung bình có 3,6 loại (Indonesia 1,8 loại, Thụy Điển chỉ 1,2-1,5 loại); 83,5% số đơn có các thuốc không nằm trong danh mục thuốc chủ yếu dùng trong các cơ sở khám chữa bệnh do Bộ Y tế ban hành, đơn có 1,5 loại này chiếm 41,46%, đơn có đến 3 loại này chiếm 15%.

Lẽ ra, dược sĩ phải phát hiện, trao đổi lại với thầy thuốc những khiếm khuyết này đồng thời có trách nhiệm hướng dẫn dùng thuốc (nếu đơn ghi chưa rõ, người bệnh hỏi), tự kiểm tra thuốc cấp phát (tên, hàm lượng, số lượng). Nhưng tại phòng cấp phát, người cấp thuốc chỉ có khoảng 19 giây cho một người bệnh. Thời gian này chỉ đủ cho việc đọc tên người bệnh, tên thuốc, soạn và giao thuốc. Đơn thuốc từ 5-10 phòng khám ra, tắc lại ở 1 phòng cấp phát. Phải chờ đợi hàng giờ mới đến lượt mình, nên khi được nhận là mừng, đa số người cứ thế mang về, cũng có người kiểm tra lại, chủ yếu là xem đủ loại hay không chứ không thể phát hiện nhầm lẫn.

Tại các điểm bán thuốc: Hiệu thuốc tư, quầy bán thuốc quốc doanh ít khi có đơn, phần lớn bán theo ý người mua, theo lời kể bệnh. Người bán thuốc chỉ là dược tá, phần ít hơn là dược sĩ trung cấp. Họ không mấy khi ghi vào giấy tờ, chỉ dặn miệng; có người còn gói mỗi loại thuốc thành một gói lớn, trong mỗi gói lớn có gói nhỏ là lượng thuốc dùng một ngày, y như hướng dẫn cho người không biết chữ. Nếu tai biến xảy ra, không thể lần dấu vết, truy cứu trách nhiệm.

Việc hướng dẫn dùng thuốc chưa thấu đáo là do bác sĩ, dược sĩ có quá ít thời gian, sự phối hợp y - dược chệch choạc (có khi gây khó cho nhau).

Mấy lời đề nghị

Tại bệnh viện tỉnh, thành phố, trước đây cứ 7-10 người khám mới có 1 người nhập viện. Nay do có bảo hiểm y tế, do khuyến khích điều trị ngoại trú nên tỷ lệ này còn tăng lên. Nếu sự quá tải ở nội trú tăng lên 1 lần (nằm 2 người/giường) thì sự quá tải ở khu khám bệnh lên nhiều lần. Trước đây, một khu khám bệnh thường chỉ có 4 - 5 phòng khám (nội - ngoại - sản - nhi - liên chuyên khoa). Nay do việc điều trị phát triển sâu hơn (ví dụ nội khoa tách thành nội chung, nội tiêu hóa, nội tim mạch,...) nên khu khám bệnh có từ 10-15 phòng khám. Theo thói quen cũ, cứ một khoa điều trị nội trú, bố trí một phòng khám; dù có bao nhiêu phòng khám cũng chỉ có một phòng cấp thuốc. Cần phải bố trí lại tỷ lệ bác sĩ điều trị nội trú trên bác sĩ phòng khám, tỷ lệ dược sĩ phát thuốc trên tỷ lệ bác sĩ khám theo hướng tăng lên thích đáng và cân đối mới phù hợp với tình hình thực tế.

Người dân đặc biệt là người có thẻ bảo hiểm y tế - thường thích khám ở tuyến cao vì tại đó có thầy thuốc giỏi, phương tiện tốt, có nhiều loại thuốc, số tiền bình quân cấp cho một đơn thuốc cao. Ở một vài nơi sau khi khám đề ra liệu trình điều trị, tuyến trên chuyển người bệnh xuống cho tuyến dưới theo dõi định kỳ kê đơn, cấp thuốc (trừ trường hợp có thay đổi đặc biệt). Do đó làm giảm bớt số lần đến khám lại ở tuyến cao, đặc biệt với những người bị mắc các bệnh mạn (như tăng huyết áp, viêm khớp dạng thấp, hen phế quản).

Nếu giải quyết được hai việc này sẽ tạo điều kiện cho bác sĩ, dược sĩ có thì giờ hướng dẫn dùng thuốc. Khi việc khám bệnh không mất quá nhiều thời gian, người bệnh sẽ thích đến khám, góp phần cho việc hình thành thói quen "dùng thuốc theo đơn".

Theo hướng dẫn số 1517 BYT-KCB (6/3/2008), Bộ Y tế có tới 30 nhóm thuốc kê đơn bán theo đơn. Nội dung chủ yếu trong thực hành tốt nhà thuốc (GPP) là phải có dược sĩ tư vấn việc dùng thuốc. Tùy theo vùng, trung bình hiện nay có khoảng 60-80% chủ nhà thuốc là dược sĩ tại chức, thực tế không trực tiếp làm công việc chuyên môn. Thiếu dược sĩ ở nhà thuốc làm cho các quy định này không thực hiện được. Tính toán trong thời gian nhất định, đào tạo đủ dược sĩ mới hy vọng đưa hai quy chế trên vào cuộc sống.

Nhân dân có thói quen tự mua thuốc dùng, người bán có thói quen bán thuốc theo lời kể bệnh, việc hướng dẫn dùng thuốc chưa đi vào quy củ. Có nhiều cách cải thiện thực trạng này nhưng đầu tiên vẫn là bổ sung số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y và dược để họ có thể làm tròn trách nhiệm tại các nơi khám bệnh, cấp bán thuốc.

DS. Hà Thủy Phước


Ý kiến của bạn