Hướng dẫn của bác sĩ khi gặp chấn thương trong tập luyện thể thao

03-06-2023 07:00 | Bài tập khỏe đẹp

SKĐS - Tập luyện thể thao mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu tập quá sức hoặc không đúng cách có thể dẫn đến chấn thương. Khi đó việc quan trọng nhất là cần sơ cứu đúng cách và kịp thời để giúp chấn thương nhanh hồi phục.

‏Hướng dẫn của bác sĩ khi gặp chấn thương thể thao‏ - Ảnh 1.

BS. Nguyễn Trọng Thủy, chuyên khoa Y học Thể thao.

Theo BS. Nguyễn Trọng Thủy, chuyên khoa Y học Thể thao, bàn chân, mắt cá chân, đầu gối, hông, khuỷu tay và bả vai... là các vùng cơ thể hay bị ảnh hưởng nhất khi luyện tập thể thao. Nếu tập luyện không đúng cách, có thể gặp chấn thương tại các bộ phận này với các mức độ nặng nhẹ khác nhau như bong gân mắt cá chân, căng cơ, chuột rút, chấn thương háng, gãy xương…‏

‏Chấn thương trong thể thao được phân làm 3 loại chính:‏

1. Chấn thương phần mềm

‏Chấn thương phần mềm bao gồm các chấn thương gân, cơ, dây chằng… có thể do va chạm trực tiếp hay bị kéo căng quá mức, xoắn vặn, co rút đột ngột, gây ra các tình trạng như giãn, rách, đứt hoàn toàn… ‏

‏Ở mức độ nhẹ, chấn thương phần mềm gây cảm giác đau thoáng qua, không ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày và có thể tự khỏi sau 1-3 tuần, nếu được sơ cứu đúng cách bằng phác đồ RICE.‏

‏Ở mức độ nặng gây biểu hiện bầm tím, sưng nề, đau nhiều tại chỗ, giới hạn vận động tại cơ đó… Tình trạng này có thể áp dụng phác đồ RICE để giảm sưng, tuy nhiên nhất thiết cần thăm khám bởi các bác sĩ chuyên khoa để được điều trị kịp thời.

Hướng dẫn các bước sơ cứu chấn thương khi chơi thể thao theo phác đồ RICE như sau:

‏R – Rest (Nghỉ ngơi): Hạn chế các lực tác động lên vùng bị thương. Bạn cần tạm ngừng các hoạt động thể thao, cũng như giảm tối đa thời gian di chuyển, vận động để xương khớp được nghỉ ngơi hoàn toàn.‏

‏I – Ice (Chườm đá): Chườm đá giúp kiểm soát tình trạng sưng và viêm, đồng thời giúp giảm đau rất nhiều. Việc chườm lạnh 2 – 3 giờ/lần, mỗi lần 15 – 30 phút trong vòng 72 giờ xảy ra chấn thương có thể giúp giảm đau hiệu quả mà không cần sử dụng thuốc.‏

‏C – Compress (Băng ép): Băng bó, ép chặt vùng chấn thương giúp hạn chế sưng và trì hoãn việc điều trị trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, không nên băng bó quá chặt, việc này có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của chấn thương.‏

‏E – Elevate (Nâng cao): Nâng cao phần chi bị thương cũng có tác dụng trong việc giảm sưng, đau và viêm. Ví dụ, trường hợp bị bong gân mắt cá chân, bạn hãy nằm kê cao chân lên gối, sao cho phần bị thương cao hơn so với toàn bộ cơ thể. Sau 1-2 ngày nghỉ ngơi và điều trị theo cách này, những chấn thương ở mức độ nhẹ như bong gân sẽ dần hồi phục.‏

BS. Nguyễn Trọng Thủy hướng dẫn sơ cứu đúng khi gặp chấn thương thể thao.

2. Chấn thương khớp

‏BS. Nguyễn Trọng Thủy cho biết, chấn thương khớp là tình trạng mất tương quan bình thường của mặt khớp, hai mặt khớp bị xê dịch khỏi vị trí bình thường. Xảy ra do lực tác động lớn, đột ngột làm rách bao khớp hoặc dây chằng quanh khớp, sụn khớp… gây sưng bầm, đau dữ dội tại vùng chấn thương, có thể nghe thấy tiếng "rắc", khiến khớp đó mất khả năng vận động, biến dạng khớp… ‏

‏Khi bị chấn thương khớp, cần được kiểm tra và đánh giá tình trạng thông qua chụp X-quang hoặc cộng hưởng từ. Trước khi đưa người bị thương đến bệnh viện, cần sơ cứu bằng cách băng bất động khớp ở nguyên tư thế bị trật bằng nẹp và băng chun. Có thể chườm mát để giảm đau. Lưu ý không được tự kéo nắn khớp, xoa bóp dầu nóng, đắp lá… vì có thể khiến tình trạng trầm trọng hơn.‏

photo-1685524094057

‏Việc quan trọng nhất khi gặp chấn thương là cần sơ cứu đúng cách và kịp thời để giúp chấn thương nhanh hồi phục.‏

‏3. Chấn thương xương‏

‏Chấn thương xương xảy ra do lực tác động rất mạnh và đột ngột làm gãy xương. Xương có thể gãy theo chiều dọc, chiều ngang, ở nhiều vị trí hoặc gãy thành nhiều mảnh. Dấu hiệu gãy xương như có âm thanh lạo xạo dưới da khi chấn thương xảy ra. Vị trí xương gãy bị bầm tím, sưng đỏ, biến dạng. Người bị thương cũng không thể vận động linh hoạt tại nơi bị gãy. ‏

‏Khi gặp chấn thương xương, cần được thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra và điều trị kịp thời.‏

‏4. Cách phòng tránh chấn thương trong thể thao‏

‏Theo BS. Nguyễn Trọng Thủy, để ngăn ngừa chấn thương khi chơi thể thao, cần lưu ý:‏

‏- Luôn tập trung và có ý thức bảo vệ cơ thể, phòng tránh chấn thương trong tập luyện và thi đấu thể thao.‏

‏- Khởi động đúng cách trước khi chơi thể thao có thể giảm tới 30% nguy cơ chấn thương.‏

‏- Thường xuyên bổ sung năng lượng, nước và điện giải, vitamin và khoáng chất cho cơ thể.‏

‏- Chuẩn bị thể lực thật tốt với lịch tập luyện phù hợp.‏

‏- Hoàn thiện kỹ thuật.‏

‏- Chuẩn bị tâm lý.‏

‏- Không nên quá gắng sức khi thấy dấu hiệu quá tải.‏

‏- Đảm bảo điều kiện sân bãi, dụng cụ, trang phục phù hợp khi chơi thể thao…

Những bài tập thể dục giúp phụ nữ tuổi 50 ngăn ngừa đau lưng, chấn thương...Những bài tập thể dục giúp phụ nữ tuổi 50 ngăn ngừa đau lưng, chấn thương...

SKĐS - Thực hiện những bài tập thể dục dưới đây một cách thường xuyên sẽ giúp phụ nữ tuổi 50 tăng cường sức bền của cơ bắp và giữ thăng bằng cần thiết cho cơ thể... Từ đó có thể ngăn ngừa các cơn đau lưng, đau đầu gối dai dẳng, ngăn ngừa chấn thương hiệu quả.

Mời bạn đọc xem tiếp video:

6 cách dùng sắn dây giúp thanh mát cơ thể trong mùa hè

Minh Tâm
Ý kiến của bạn