Tuân thủ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ sẽ giúp điều trị bệnh hiệu quả và hạn chế những tác dụng không mong muốn của thuốc. Tuy nhiên khi dùng thuốc cho trẻ, người chăm sóc cần lưu ý một số vấn đề sau giúp cho việc dùng thuốc an toàn, hiệu quả:
1. Làm thế nào để trẻ uống thuốc an toàn?
Đọc nhãn và làm theo hướng dẫn
Đối với thuốc kê đơn hoặc không kê đơn (OTC) việc đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng là điều bắt buộc, để nắm thêm các thông tin về thuốc và làm theo khuyến cáo.
Nếu không hiểu đầy đủ thông tin trên nhãn hoặc có bất kỳ thắc mắc nào, cần trao đổi ngay với bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi cho trẻ dùng thuốc. Không dùng đơn thuốc của trẻ khác, hoặc đơn thuốc của người lớn để dùng cho trẻ.
Luôn sử dụng thiết bị định lượng chính xác
Nếu nhãn chỉ định một muỗng cà phê thuốc, đừng cố ước lượng bằng cách sử dụng thìa, muỗng hoặc các thiết bị nhà bếp. Những thiết bị này có nhiều kích cỡ khác nhau và không được dùng để thay thế cho thiết bị đo lường thuốc chính xác.
Nói chuyện với trẻ
Cho dù trẻ đã đủ lớn để tự uống thuốc hay chưa, cần phải nói chuyện để trẻ hiểu về lý do tại sao phải uống thuốc, đồng thời đặt ra một số quy tắc an toàn cơ bản. Ví dụ: Dạy con khi còn nhỏ biết cách phân biệt thuốc và kẹo, cũng như không bao giờ được nếm bất kỳ viên thuốc hoặc kẹo nào mà chúng tìm thấy hoặc người lạ đưa cho.
Lưu thông tin về các loại thuốc của trẻ
Ghi chép những thông tin cần thiết về mỗi loại thuốc mà con dùng, thời gian và cách thức dùng. Điều này không chỉ giúp giảm sai sót khi cho trẻ uống thuốc mà còn có thể chia sẻ được với những người chăm sóc trẻ khác khi bạn vắng nhà (ví dụ: Người trông trẻ, ông bà hoặc người giám hộ…).
Lưu trữ và cất giữ thuốc an toàn
Cho dù là thuốc, vitamin, thực phẩm chức năng thì việc lưu trữ và bảo quan an toàn là điều cần thiết, vì chúng đều có thể gây hại nếu dùng sai người hoặc sai cách.
Tìm vị trí cất giữ thuốc ở nơi khó tiếp cận và khuất tầm nhìn hoặc trong thiết bị lưu trữ an toàn (ví dụ: Tủ thuốc gia đình) có thể giúp bảo vệ trẻ vô tình ăn phải hoặc bôi thuốc do tò mò.
Khi các thành viên trong gia đình đang dùng nhiều loại thuốc, việc giữ lại những loại thuốc đã hết hạn sử dụng hoặc không còn cần thiết nữa có thể dẫn đến nhầm lẫn.
2. Cách sử dụng các dạng thuốc khác nhau
Thuốc có nhiều dạng khác nhau từ viên nang, viên nén, thuốc nhỏ, thuốc dạng lỏng... Mỗi loại thuốc sẽ có cách sử dụng khác nhau.
Thuốc nhỏ mắt: Khi cho trẻ dùng thuốc nhỏ mắt, đặt trẻ nằm trong lòng. Khi trẻ nhắm mắt, thuốc nhỏ phải được nhỏ vào khóe mắt, phía gần sống mũi nhất đúng số giọt được quy định. Khi trẻ mở mắt, thuốc nhỏ sẽ lan ra khắp mắt. Một phương pháp khác là cho trẻ nằm ngửa, đầu ngửa ra sau và cằm hướng lên trần nhà. Khi trẻ đã mở mắt, nhỏ số giọt cần thiết.
Thuốc nhỏ tai: Nếu trẻ phải dùng thuốc nhỏ tai, cho trẻ nằm nghiêng sang một bên, cha mẹ đối mặt với tai bị ảnh hưởng. Sau khi nhỏ thuốc, có thể xoa bóp vùng bên dưới dái tai để tạo điều kiện cho thuốc di chuyển trong ống tai.
Thuốc nhỏ mũi: Khi nhỏ thuốc mũi, trẻ phải ở tư thế nằm ngửa, đầu ngửa ra sau để thuốc chảy vào hốc mũi. Đầu của trẻ nên được giữ ở tư thế nghiêng trong khoảng một phút để các giọt không chảy ra bên ngoài.
Thuốc viên và viên nang: Cho trẻ uống thuốc viên với một cốc nước giúp thuốc di chuyển dễ dàng hơn. Loại thuốc viên này được sử dụng cho trẻ lớn hơn. Không được nhai, nghiền thuốc khi uống. Một số loại thuốc có thể được bọc, để ngăn ngừa kích ứng trong dạ dày. Nếu chúng bị nghiền nát, lớp phủ sẽ bị loại bỏ và mất tác dụng.
Thuốc dạng lỏng: Khi cho trẻ uống thuốc dạng lỏng, si rô, phải sử dụng cốc đong, ống nhỏ giọt, thìa đong hoặc ống đong đi kèm với thuốc để đo lường chính xác liều lượng.
Mời xem thêm video đang được quan tâm:
Những loại trái cây chứa nhiều đường tự nhiên nhất | SKĐS