Để có căn cứ xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV cho nhóm người chuyển giới, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng dự thảo “Hướng dẫn can thiệp phòng chống HIV/AIDS cho nhóm người chuyển giới” và mới đây đã tổ chức hội thảo tham vấn về vấn đề này.
TS Hoàng Đình Cảnh phát biểu tại Hội nghị
Một nghiên cứu về nhóm chuyển giới nữ của Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh đã cho thấy, tỉ lệ nhiễm HIV của nhóm chuyển giới nữ là 16,5%; tỉ lệ đã mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục là 50%; 40% nữ chuyển giới có sử dụng chất gây nghiện trong 30 ngày, hầu hết nhóm chuyển giới nữ không dùng thuốc dự phòng trước phơi nhiễm... Trong đó, các yếu tố nguy cơ lây nhiễm HIV bao gồm: Sử dụng chất có cồn sử dụng chất gây nghiện bị cấm (hàng đá/thuốc lắc...), phân biệt đối xử, mua dâm, bán dâm, quan hệ tình dục không an toàn...
TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, trong những năm qua, chương trình phòng, chống HIV/AIDS đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận về kinh tế, xã hội cho cá nhân, gia đình các cộng đồng dễ bị tổn thương và bệnh nhân AIDS. Tuy nhiên, hiện tại, chương trình phòng, chống HIV/AIDS đang phải đối mặt với tình hình dịch mới nổi trong cộng đồng nam quan hệ tình dục đồng giới với nam (MSM) và nhóm người chuyển giới và các hoạt động can thiệp phòng, chống HIV/AIDS cho cộng đồng người chuyển giới còn nhiều hạn chế.
Theo các chuyên gia, người chuyển giới có nguy cơ lây nhiễm HIV cao qua quan hệ tình dục qua đường hậu môn không được bảo vệ (không sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục); đồng nhiễm các bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục (STIs) cũng làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV; sử dụng hormone cũng làm tăng nguy cơ nhiễm HIV ở những người chuyển giới nam do tăng nguy cơ lây truyền HIV qua quan hệ tình dục đường âm đạo. Tỷ lệ nhiễm HIV cao và nhận thức hạn chế về tình trạng HIV trong các quan hệ tình dục phức tạp và nhiều bạn tình của người chuyển giới làm gia tăng nguy cơ và gánh nặng bệnh tật của người chuyển giới.
Vì vậy, tiếp cận với các dịch vụ dự phòng HIV thiết yếu và có tính sáng tạo như xét nghiệm HIV tại cộng đồng và tự xét nghiệm HIV, dự phòng trước phơi nhiễm và sau phơi nhiễm HIV (PrEP and PEP), và sử dụng bao cao su chất lượng cao, giá cả phù hợp, đảm bảo sự nhạy cảm giới và điều trị và tuân thủ điều trị K=K cũng là một chiến lược dự phòng để loại trừ HIV ở Việt Nam nói chung và cho người chuyển giới nói riêng.