Ghi nhận thực tế cho thấy, khi bị vùi lấp do sạt lở hay động đất, nguy cơ lớn nhất là ngạt, tiếp đến là hội chứng đè ép, chảy máu nhiều, gãy xương. Xử trí không đúng cách, kịp thời có thể khiến nạn nhân bị tử vong hoặc tàn phế.
Khi xảy ra tai nạn lao động hoặc thiên tai, thảm họa, sạt lở… thường xảy ra hội chứng vùi lấp. Đây là tình trạng bệnh lý xác định đối với những nạn nhân bị vùi lấp, dập nát, mắc kẹt do sụt lở đất, đá, nhà cửa... Bệnh cảnh lâm sàng chính là sự tiêu hủy cơ, bị chèn ép ngực, bụng; gây suy hô hấp.
Bệnh lý phát sinh do sự chèn ép đơn thuần và sự chèn ép không đơn thuần.
- Sự chèn ép đơn thuần thường biểu hiện chậm và kéo dài ở các khối cơ dẫn đến hai loại tai biến. Tai biến sớm xảy ra ngay khi nhấc nạn nhân ra khỏi sự chèn ép làm tim ngừng đập do tăng kali máu đột ngột, sự gia tăng này do tình trạng dập nát cơ và nhiễm toan.
- Tai biến muộn hơn xảy ra do suy thận cấp với tình trạng nhiễm toan, tiểu ra chất myoglobin và sốc. Sự chèn ép không đơn thuần biểu hiện bằng sự dập nát cơ, gãy xương, tổn thương mạch máu...
Cách sơ cứu người bị vùi lấp
Tại hiện trường cần chú ý sơ cứu đúng cách và kịp thời nhằm tránh làm vết thương nặng hơn, giảm thiểu tử vong và thương tật về sau.Các nạn nhân trong trường hợp này cần được cấp cứu khẩn cấp, kịp thời và theo từng loại thương tích. Đồng thời, phải cấp cứu theo ưu tiên và điều kiện phương tiện tại chỗ nhưng chỉ trong thời gian nhất định (thời gian vàng) nhằm giảm thiểu nguy cơ tử vong và thương tật về sau.
Người sơ cứu, phải quan sát xung quanh hiện trường để đánh giá mức độ xảy ra tai nạn, thảm họa, ước đoán số nạn nhân bị nạn. Sau đó, tìm cách loại bỏ những nguy hiểm tại hiện trường, di chuyển nạn nhân khẩn cấp ra nơi an toàn để sơ cứu.
Nhanh chóng phán đoán, định hướng nơi nạn nhân có thể bị vùi lấp rồi khẩn trương, nhẹ nhàng đào bới, tránh gây tổn thương thêm. Nếu cảm thấy đã gần tới thì nên dùng tay moi. Khi đã thấy nạn nhân, nhanh chóng làm lộ phần đầu cổ. Nếu bới thấy chân thì phải đổi chiều để tìm phía đầu.
Khi đã lộ phần đầu, cần moi hết đất cát trong mũi miệng, kiểm tra xem nạn nhân còn tự thở được không, nếu không thì phải thổi ngạt ngay. Trong khi đó, những người khác tiếp tục bới để giải phóng phần ngực, kịp thời bóp tim ngoài lồng ngực nếu nạn nhân ngừng thở, tim không đập.
Tiếp tục bới cho tới khi cơ thể nạn nhân được giải phóng hoàn toàn. Tuyệt đối không được lôi kéo khi một phần cơ thể còn đang bị vùi lấp. Để đề phòng hội chứng đè ép chân tay do bị vùi lấp kéo dài, khi đào bới đến phần tay hoặc chân, nếu thấy vật nặng đè chẹn lên thì phải garo phía trên chỗ đó một chút (không chặt quá). Mục đích là để ngăn chất độc ở phần chi bị đè ép (được sinh ra do tế bào thiếu dưỡng khí) nhiễm vào các phần khác của cơ thể. Sau đó, tiêm thuốc trợ tim (nếu có) rồi từ từ nhấc bỏ vật đè và tiếp tục đào bới.
Sau khi đã đào bới xong, đặt nạn nhân nằm ngửa ở nơi đất phẳng, tiếp tục thổi ngạt và bóp tim ngoài lồng ngực cho đến khi nạn nhân tự thở lại được. Việc này có khi kéo dài đến 2-3 giờ.
Trường hợp bị động đất hay vùi lấp do sạt lở cần nhớ phải lắng nghe mọi tiếng động khác lạ. Gọi lớn cho người bị nạn trả lời hoặc nạn nhân tự gõ gây tiếng động.
Đặt tư thế an toàn cho nạn nhân
Tư thế an toàn cho nạn nhân hay tư thế hồi sức là tư thế nhằm để bảo vệ đường thở bệnh nhân, là ưu tiên cao nhất đảm bảo an toàn cho nạn nhân, bệnh nhân. Ở người bệnh hôn mê, khi nằm ngửa, do trọng lực làm hàm rơi ra phía sau, lưỡi bị tụt xuống và làm lấp tắc đường thở.
Nếu bệnh nhân nôn trong khi đang nằm ngửa, người bệnh dễ dàng hít phải các chất nôn vào phổi gây tắc đường thở hoặc suy hô hấp rất nguy hiểm. Khi đặt bệnh nhân nằm nghiêng về 1 bên, các chất nôn dễ dàng thoát ra ngoài.
Tất cả các bệnh nhân hôn mê đều nên được đặt ở tư thế an toàn, trừ khi nghi ngờ có chấn thương cột sống: bệnh cảnh chấn thương, liệt chân, đại tiểu tiện không tự chủ.
Đặt bệnh nhân nằm nghiêng, tay trên gấp, tay dưới duỗi thẳng ra trước mặt, chân trên co, chân dưới duỗi thẳng. Có thể dùng vải hoặc gối để kê giữ nguyên bệnh nhân ở tư thế như vậy.
Yêu cầu với người làm cấp cứu ban đầuKhi có mặt ở nơi xảy ra tai nạn phải bình tĩnh, đánh giá nhanh hiện trường, kiểm tra hiện trường xung quanh nạn nhân. Loại bỏ hoặc tránh những yếu tố nguy hiểm, gây tai nạn hoặc có nguy cơ gây tai nạn để có thể vừa cứu được nạn nhân vừa bảo vệ được bản thân.
Đưa nạn nhân ra chỗ an toàn gần nhất để có thể thực hiện ngay các biện pháp cấp cứu ban đầu đạt hiệu quả. Khi đưa nạn nhân ra khỏi nơi nguy hiểm cần có tối thiểu 2 người, nên kéo nạn nhân từ phía sau, luồn tay vào nách nạn nhân để kéo, luôn chú ý giữ cổ thẳng và bảo vệ cột sống lưng.
Đánh giá nhanh tổn thương của nạn nhân. Tiến hành các biện pháp cấp cứu và xử trí ban đầu thương tổn theo ưu tiên, gọi người hỗ trợ vì có thể có các tổn thương mà bản thân không tự xử trí được, ngay cả khi người cấp cứu là nhân viên y tế, nên liên hệ sớm nhất có thể với đơn vị cấp cứu 115, trạm y tế, bệnh viện gần nhất. Nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế.
Vụ sạt lở tại Quốc lộ 34, km 11 thuộc thôn Tả Mò, xã Yên Định, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang đã khiến nhiều người chết và bị thương. Theo thông tin cập nhật từ hiện trường, tính đến khoảng 15 giờ ngày 13/7, các lực lượng chức năng của tỉnh Hà Giang đã đưa được 15 nạn nhân ra ngoài khu vực sạt lở, trong đó có 11 người chết và 4 người bị thương đang được cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang.