Hà Nội

Hướng dẫn cách day bấm huyệt chữa đau răng

SKĐS - Đau răng do nhiều nguyên nhân và có nhiều mức độ, từ những cảm giác kích ứng nhẹ, ê buốt đến đau dữ dội...

1. Bấm huyệt có tác dụng với đau răng như thế nào?

Theo y học hiện đại, đau răng do dây thần kinh trong răng bị kích thích bởi nhiều tác nhân. Khi đó, những dây thần kinh bị tổn thương sẽ gửi tín hiệu đến não bộ làm cho người bệnh cảm thấy đau đớn, khó chịu, mệt mỏi.

Bấm huyệt chữa đau răng được giới thiệu thông qua cơ chế:

  • Thay đổi bộ não nhận tín hiệu, xử lý tín hiệu đau từ dây thần kinh quanh răng.
  • Bấm huyệt giúp giải phóng phân tử cytokin có tác dụng chống viêm, tăng lượng lưu thông máu, giảm sưng tấy vùng chân răng.
  • Bấm huyệt giúp người bệnh tăng giải phóng endophin, chất giảm đau tự nhiên được tiết ra trong cơ thể người bệnh. Bấm huyệt còn giúp giảm nhịp tim, điều hòa huyết áp, giảm căng thẳng, lo lắng cho người bệnh.

Theo y học cổ truyền, huyệt là nơi thần khí hoạt động vào ra, được phân bổ khắp phần ngoài cơ thể. Có thể định nghĩa huyệt là nơi khí của tạng phủ, kinh lạc, cân cơ xương khớp..., tách ra phần ngoài cơ thể.

Bấm huyệt giúp đả thông kinh mạch, lưu thông khí huyết, điều hòa tạng phủ, điều hòa âm dương giúp giảm đau rất tốt.

2. Một số lưu ý khi bấm huyệt chữa đau răng

- Để đạt được hiệu quả điều trị đau răng tốt nhất cần thực hiện bấm huyệt với lực đủ mạnh, đủ thời gian.

- Bấm huyệt chữa đau răng phải được thực hiện nhiều lần trong ngày, mỗi lần cách nhau khoảng 1-2 tiếng.

- Bấm huyệt chỉ giúp giảm đau mà không điều trị căn nguyên bệnh. Vì vậy, trong trường hợp đau nhiều hoặc chưa rõ nguyên nhân, cần được thăm khám bác sĩ chuyên khoa.

- Vệ sinh răng miệng đúng cách, bổ sung chất dinh dưỡng, vitamin A, B, C, kẽm, sắt, canxi, flour, tránh đồ ăn cay nóng, cứng gây tổn thương răng miệng là biện pháp hiệu quả phòng tránh đau răng.

- Chống chỉ định bấm huyệt với người bệnh đang sốt cao, chấn thương, lở loét chảy máu ở vùng da bấm buyệt, người bị suy tim, suy thận nặng, mắc bệnh lý ác tính, bị nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân...

3. Các huyệt điều trị đau răng

3.1 Huyệt hạ quan

Vị trí: Khi ngậm miệng lại, huyệt ở chỗ lõm trước tai, dưới xương gò má.

Cách thực hiện: Dùng ngón tay giữa áp vào huyệt hạ quan, sau đó có thể dùng 2 ngón tay, ngón trỏ, ngón giữa day vào huyệt hạ quan, mỗi bên 50 lần.

3.2 Huyệt giáp xa

Vị trí: Nằm ở bờ dưới xương hàm dưới. Khi cắn chặt răng, phần nhô lên của cơ cắn là huyệt giáp xa.

Cách thực hiện: Dùng 2 ngón tay, ngón trỏ và ngón giữa day mỗi bên 50 lần.

photo-1681978702468

Vị trí huyệt hạ quan và giáp xa trên cơ thể.

3.3 Huyệt quyền liêu

Vị trí: Huyệt nằm chính giữa, sát phía dưới góc lồi lên của xương gò má hoặc giao điểm đường thẳng kéo từ đuôi mắt xuống phía dưới và đường thẳng chạy ngang qua chóp mũi.

Cách thực hiện: Dùng ngón giữa, ngòn trỏ áp vào huyệt quyền liêu. Day ấn huyệt trong vòng 3-5 phút.

photo-1681978705493

3.4 Huyệt nhị gian

Vị trí: Huyệt nhị quan nằm ở chỗ lõm phía trước bàn tay của ngón trỏ, phía ngón tay cái.

Cách thực hiện: Dùng ngón cái của bàn tay kia bấm huyệt nhị quan, vừa bấm vừa day, thời gian 3-5 phút.

photo-1681978707810

Mời bạn xem tiếp video:

Mắt đỏ, ngứa có thể là dấu hiệu cảnh báo COVID-19 | SKĐS


BS. Vũ Duy Thành
Khoa Đông y, Bệnh viện Đa khoa Huyện Nông Cống, Thanh Hóa
Ý kiến của bạn