Giám đốc Y tế Hungary Cecilia Mueller cho biết, 2.800 liều vắc-xin Sputnik V đầu tiên sẽ được cung cấp cho những người đã đăng ký tiêm chủng. Hiện Hungary đang hướng tới mục tiêu vì "sự an toàn tối đa", điều đáng lưu ý là những người mắc bệnh mãn tính sẽ không được tiêm loại vắc –xin này.
Bà Cecilia Mueller cho biết: "Vắc-xin này có thể được sử dụng một cách thận trọng với những người mắc một số bệnh mãn tính.".
Vắc-xin Sputnik V ngừa COVID-19 của Nga được Hungary- quốc gia đầu tiên của Châu Âu- đưa vào chương trình tiêm chủng cho người dân
Cơ quan quản lý dược phẩm của Hungary đã cấp phép cho việc sử dụng thuốc trong trường hợp khẩn cấp thay vì chờ đợi Cơ quan dược phẩm Châu Âu (EMA) thuộc Liên minh Châu Âu (EU) cấp phép. Hungary cũng đã phê duyệt vắc-xin của công ty Sinopharm, Trung Quốc.
Đất nước với khoảng 10 triệu dân này dự kiến sẽ nhận được 600.000 liều vắc-xin Sputnik V và nửa triệu liều vắc-xin của Sinopharm (Trung Quốc) trong tháng này. Với số lượng này cho phép Hungary đẩy nhanh chương trình tiêm chủng trước sự chậm trễ trong việc giao vắc-xin của phương Tây. Thủ tướng Viktor Orban phản ứng trước việc chậm trễ phân phối vắc-xin của Liên minh Châu Âu và cho rằng Hungary cần có quyết định cho riêng mình để theo đuổi kế hoạch tiêm chủng đầy tham vọng được đưa ra để cứu vãn nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, chứ không chỉ là việc cung cấp các khoản viện trợ cho người dân và doanh nghiệp.
Cho đến nay, hầu hết các nước EU phụ thuộc hoàn toàn vào vắc-xin Pfizer-BioNTech nhưng cơ quan quản lý dược phẩm của Hungary đã chấp thuận cho Sputnik V sử dụng vào tháng trước.
Bà Muller cho biết, có khoảng 291.396 người Hungary bao gồm nhân viên y tế và những người dễ bị tổn thương nhất như người cao tuổi - đã được tiêm ít nhất một mũi vắc-xin Pfizer và Moderna. Hungary cũng sẽ bắt đầu sử dụng vắc-xin AstraZeneca trong tuần này để tiêm cho những người từ 18 đến 60 tuổi đang mắc các bệnh mãn tính.