Mở rộng hợp tác, triển khai nhiều hình thức đào tạo cán bộ y tế
Tỉnh Hưng Yên có mạng lưới y tế từ tỉnh đến xã khá hoàn thiện, tuyến tỉnh có hai bệnh viện đa khoa, sáu bệnh viện chuyên khoa, bốn trung tâm, hai chi cục. Tuyến huyện có 10 trung tâm y tế và 155 trạm y tế xã, phường, thị trấn với tổng số cán bộ, nhân viên y tế toàn ngành hơn 4.000 người.
Tỉnh xác định nhân lực ngành y tế là khâu then chốt để nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh. Bởi vậy luôn chú trọng tới công tác đào tạo cán bộ để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Cùng với đó, thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, tạo điều kiện, môi trường làm việc tốt nhất để cán bộ yên tâm công tác, gắn bó lâu dài…
Công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng và phát triển nguồn nhân lực thời gian qua theo hướng tiêu chuẩn hóa đối với cán bộ y tế từ tuyến tỉnh đến huyện, xã. Tập trung đào tạo bác sĩ chuyên khoa sâu cho các đầu ngành ở tuyến tỉnh. Cán bộ phụ trách chuyên môn y tế các khoa, phòng chuyên môn của các đơn vị y tế tuyến tỉnh phải có trình độ sau đại học.
Tăng cường đào tạo chuẩn hóa cán bộ y tế cả về chuyên môn, tổ chức, quản lý y tế, quản lý kinh tế y tế, lý luận chính trị cho các tuyến. Các đơn vị thường xuyên rà soát nhu cầu chuyển giao kỹ thuật, thực hiện tốt việc tiếp nhận, triển khai thực hiện các kỹ thuật được cán bộ luân phiên của bệnh viện tuyến trên chuyển giao. Thực hiện tốt việc phân tuyến kỹ thuật theo tuyến điều trị và chú trọng mở rộng dịch vụ kỹ thuật y tế, tạo điều kiện cho người bệnh tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng ở nơi gần nhất.
Đáp ứng phần nào nhu cầu nhân lực y tế, nâng cao trình độ các y, bác sĩ, tỉnh cũng đã tăng cường mở rộng hợp tác, triển khai nhiều hình thức đào tạo cán bộ y tế như: đào tạo cử tuyển, đào tạo liên thông, đào tạo theo địa chỉ... Một số bệnh viện tuyến tỉnh đang thực hiện bệnh viện vệ tinh cho bệnh viện tuyến trung ương như: Bệnh viện đa khoa tỉnh Hưng Yên là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Việt Ðức; Bệnh viện đa khoa Phố Nối là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Bạch Mai; Bệnh viện Sản nhi là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Nhi T.Ư và Bệnh viện Phụ sản T.Ư...
Chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên
Hệ thống y tế trong toàn tỉnh đã từng bước được đầu tư đồng bộ, hiện đại; chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên. Số bác sĩ/vạn dân đạt khoảng 9,5 bác sĩ/vạn dân; khoảng 80% số trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sĩ làm việc.
Theo thống kê của Sở Y tế, nhân lực chuyên khoa sau đại học đối với tuyến tỉnh hiện nay có 3 tiến sĩ, 94 thạc sĩ, 33 bác sĩ chuyên khoa II, 156 bác sĩ chuyên khoa I; đối với tuyến huyện có 1 tiến sĩ, 13 thạc sĩ, 91 bác sĩ chuyên khoa I; tuyến xã có 1 thạc sĩ, 3 bác sĩ chuyên khoa I. Trong số đó, hàng trăm lượt bác sĩ, dược sĩ được cử đi đào tạo sau đại học theo diện ưu đãi của tỉnh. Riêng giai đoạn từ năm 2019 đến nay, toàn ngành có 42 viên chức được cử đi đào tạo sau đại học theo chính sách ưu đãi này.
Trình độ cán bộ y tế nâng lên, các cơ sở y tế triển khai được nhiều kỹ thuật mới, chất lượng khám, chữa bệnh từng bước nâng cao. Các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh, tuyến huyện cơ bản đã triển khai các kỹ thuật phân tuyến, làm chủ nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu vượt tuyến.
Như tại Trung tâm y tế huyện Văn Giang đã phối hợp các bệnh viện tuyến trên như: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện K triển khai nhiều dịch vụ kỹ thuật, như: nội soi thực quản, dạ dày, tá tràng, nội soi đại tràng; siêu âm tim, làm xét nghiệm tế bào cổ tử cung và các khối u chẩn đoán ung thư sớm; tán sỏi laser; phẫu thuật điều trị u xơ tiền liệt tuyến; phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa, cắt túi mật; phẫu thuật bóc u nang buồng trứng, u xơ tử cung, chửa ngoài tử cung; phẫu thuật kết hợp xương, tháo phương tiện kết hợp xương; phẫu thuật cắt tuyến giáp…
Ðội ngũ làm công tác dự phòng chủ động bám sát cơ sở, kịp thời phát hiện, xử lý triệt để các ổ dịch; một số bệnh nguy hiểm được khống chế, không phát tán mầm bệnh. Trong đó, tích cực triển khai các hoạt động giám sát và phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết… không để xảy ra ổ dịch trong nhà trường và cộng đồng. Triển khai các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, ngăn ngừa lây lan dịch bệnh tại cộng đồng và trong bệnh viện; làm tốt công tác tiêm vắc-xin phòng bệnh.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh còn thiếu đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao ở một số lĩnh vực, chuyên ngành; cơ cấu cán bộ tại một số đơn vị, một số lĩnh vực chưa cân đối; trình độ chuyên môn tại một số trung tâm y tế tuyến huyện và y tế tuyến xã còn hạn chế…mà việc thu hút, tuyển dụng lại khó khăn. Bởi vậy, ngành y tế tiếp tục nâng cao năng lực chuyên môn cho nhân viên y tế từ tuyến tỉnh đến cơ sở...