Nhiễm độc chì cao: 33 trẻ
Ở nước ta, trong những năm gần đây, hoạt động của các làng nghề đang được khôi phục và phát triển mạnh mẽ, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập và ổn định đời sống cho người dân. Tuy nhiên, hoạt động ở các làng nghề thường mang tính chất nhỏ lẻ, công nghệ thủ công, lạc hậu nên không tránh khỏi gây ô nhiễm môi trường. Sản xuất tái chế chì ở làng nghề Đông Mai cũng nằm trong xu hướng trên. Do hoạt động sản xuất trước đây diễn ra ngay tại nơi sinh sống, hơi khói, bụi chì có thể phát tán ra nhà dân ở xung quanh; người lớn có thể mang chì từ nơi sản xuất tái chế theo quần áo, giày dép, phương tiện đi lại về nhà, chì có thể truyền từ mẹ sang con nên trẻ em rất dễ có nguy cơ phơi nhiễm chì.
Thực tế khảo sát trong thời gian qua của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường cho thấy, môi trường thôn Đông Mai đã bị ô nhiễm và ô nhiễm chì có ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em.
Thực hiện nhiệm vụ của Bộ Y tế giao, ngay từ các năm 2006-2007, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường đã triển khai nghiên cứu thực trạng môi trường và tình hình sức khỏe học sinh tiểu học và trung học cơ sở xã Chỉ Đạo (trong đó có thôn Đông Mai). Kết quả nghiên cứu cho thấy: trong đất bề mặt, hàm lượng chì trung bình là 10.511 μg/g, trong đất sâu 20 cm là 7.624 μg/g, 3/10 mẫu đất mặt, 3/11 mẫu đất sâu 20cm có hàm lượng chì > 500 μg/g, 6/13 mẫu không khí có nồng độ chì vượt tiêu chuẩn cho phép. Kết quả xét nghiệm nồng độ delta – ALA niệu trên 500 học sinh tiểu học và trung học cơ sở cho thấy có 45,0% trẻ em có nồng độ Delta ALA niệu >10mg/l, chiều cao trung bình của học sinh theo các lứa tuổi ở tại xã Chỉ Đạo thấp hơn từ 1-5 cm so với trẻ em ở xã Tứ Dân (một xã có nghề chế biến nông sản của tỉnh Hưng Yên). Đây có thể là những tác động từ môi trường bị ô nhiễm chì. Nguy cơ phơi nhiễm với chì là do hoạt động tái chế chì tại nhà, gia đình có người tham gia tái chế chì ở nhà, cũng như ở khu vực tái chế tập trung, số người trong nhà tham gia tái chế chì, khoảng cách từ nhà đến nơi tái chế quá gần.
Ông Lê Văn Lệ - Phó Chủ tịch UBND xã Chỉ Đạo ,Văn Lâm, Hưng Yên cho biết hiện tại làng Đông Mai có 38 hộ đang sản xuất tái chế chì nay đã được chuyển về sản xuất tái chế chì tại cụm công nghiệp Đông Mai – Chỉ Đạo - Văn Lâm. Tại cụm công nghiệp Đông Mai hiện có khoảng 300 lao động đang làm công việc sản xuất tái chế chì và hàng năm đều được Trung tâm Y tế huyện Văn Lâm khám sức khỏe định kỳ. Xã Chỉ Đạo đã có trạm cung cấp nước sạch nhưng tỷ lệ người dân thôn Đông Mai sử dụng nguồn nước sạch của trạm cấp nước mới đạt khoảng 45% còn lại là người dân vẫn sử dụng nguồn nước giếng khoan tại gia đình. Về tình hình môi trường tại làng nghề Đông Mai đã được Viện SKNN & MT tiến hành lấy 3 mẫu đất, nước, không khí về làm xét nghiệm sẽ cho kết quả sau. Tại làng nghề hiện có 33 trẻ em có lượng chì máu cao trên 70mg/dl cần phải được điều trị thải độc chì ngay.
Chờ giải pháp triệt để
GS Phạm Duệ, nguyên giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đối với trẻ em , cơ thể đang trong quá trình phát triển chưa hoàn thiện đang cần chất dinh dưỡng để phát triển hoàn thiện về mặt trí não thì nhiễm độc chì đã ngăn cản quá trình phát triển bình thường của trẻ cả về mặt thể lực, đặc biệt nguy hiểm hơn là về mặt thể chất tinh thần , chì gây ra các rối loạn hệ thần kinh trung ương, rối loạn nhận thức dẫn đến những đứa trẻ đấy nhẹ là giảm chỉ số IQ. Để có thể giải độc chì cho trẻ em của làng Đông Mai trước hết phải ngừng các hoạt động gây ô nhiễm chì. Tuy nhiên, thực tế tại làng Đông Mai vẫn còn những cơ sở tái chế chì đang ngang nhiên hoạt động.
Về vấn đề này, lãnh đạo ngành y tế Hưng Yên cho biết, đối với 33 trẻ bị nhiễm độc chì cao cần phải được điều trị gấp, giải pháp trước mắt là ngành đang phối hợp chặt chẽ với các cơ sở điều trị tuyến trung ương tìm biện pháp hỗ trợ biện pháp điều trị ngay để giúp các em có được sức khoẻ tốt.
Một vấn đề nữa cũng được ngành y tế Hưng Yên quan tâm là truyền thông mạnh mẽ cho người dân ở thôn Đông Mai nâng cao nhận thức về phòng chống phơi nhiễm chì, đặc biệt là cho cha mẹ trẻ em dưới 2 tuổi, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, người lao động tái chế chì. Tiếp tục theo dõi diễn biến chì trong máu ở trẻ em để tiến hành các biện pháp can thiệp phù hợp theo tình hình. Giám sát mức ô nhiễm môi trường của thôn Đông Mai, triển khai các giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm ở những nơi môi trường chưa được cải thiện
Nguyễn Văn
khai các giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm ở những nơi chưa được cải thiện.