Hà Nội

“Hung thần” hàn xì và nguy cơ cháy nổ

02-08-2017 09:47 | Xã hội
google news

SKĐS - Sau vụ hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trọng làm 8 người tử vong tại Hoài Đức, Hà Nội vừa qua, nguyên nhân gây cháy được xác định là do tia lửa hàn bắn vào xốp lót trần.

Người ta có thể dễ dàng nhớ được nhiều vụ cháy do “hung thần” này, đặc biệt là vụ hỏa hoạn tương tự ở phố Trần Thái Tông (Hà Nội) cuối năm 2016. Nguyên nhân đã có nhưng giải pháp thì không…

Hậu quả luôn nặng nề

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra hơn 30 vụ cháy nổ có nguyên nhân do hàn cắt kim loại khiến hàng chục người thiệt mạng và thiệt hại lớn về tài sản.

Các cán bộ của Sở PCCC Hà Nội phân tích, có 3 nguyên nhân khiến các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng như vậy: Một là sự bất cẩn, thiếu kiến thức của những thợ hàn xì. Tiếp đến là việc bố trí nhà, xưởng hình ống nhưng chỉ có một cửa vào duy nhất, không có lối thoát hiểm. Cuối cùng chính là kết cấu vật liệu của các nhà xưởng.Kho xưởng bánh kẹo ở Hoài Đức chỉ có 1 cửa ra vào, khi xảy ra hỏa hoạn nạn nhân không có lối thoát.

Kho xưởng bánh kẹo ở Hoài Đức chỉ có 1 cửa ra vào, khi xảy ra hỏa hoạn nạn nhân không có lối thoát.

Hiện nay, phần lớn những nhà xưởng các vùng ven đều là nhà tạm, dựng trên những khu đô thị hoang hoặc thuê kho, bãi trong thời gian nhất định. Để chống nóng cho mái tôn nhà cấp 4 thì biện pháp duy nhất là các tấm ốp trần bằng xốp, gỗ. Các nhà kho, xưởng kiểu này đều là tự phát, bố trí san sát nhau, thậm chí chung vách nên hầu như không có lối thoát hậu. Điển hình như trong vụ hỏa hoạn tại Hoài Đức nói trên, khu xưởng 170m2 chỉ có một cửa ra vào duy nhất, không lối thoát hiểm.

Còn với các quán xá kinh doanh như karaoke, nhà hàng… hầu hết đều tận dụng những căn nhà riêng cho thuê. Các ông, bà chủ chỉ cải tạo lại và cố gắng mở rộng tối đa diện tích để làm phòng, tiết kiệm chi phí. Đây là những nhà cao tầng sử dụng chính cho dân dụng nên không có lối thoát hiểm hoặc bị bít kín. Không có cầu thang ngoài và đặc biệt là đều sử dụng các vật liệu nhẹ, cách âm bằng mút, xốp… nên rất dễ bén lửa với tốc độ cực nhanh.

Người ta vẫn chưa thể quên được vụ hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trọng khác tại 68 Trần Thái Tông khiến 13 người tử vong vào tháng 11/2016. Quán không có lối thoát hiểm ra sau và khi thợ hàn xì làm cháy lớn ở mặt trước thì người bên trong không còn đường lùi.

Ai quản được “hung thần”?

Thợ hàn xì ngày nay xuất hiện vô số ở mọi xưởng làm sắt, quảng cáo. Đây luôn được đánh giá là một vị trí công việc nặng nhọc, nguy hiểm nhưng công việc và thu nhập ổn định. Thế nhưng, hầu hết những người theo nghề hoặc biết nghề đa số chỉ làm thời vụ và không qua trường lớp. Thành phố Hà Nội hiện có hàng ngàn cơ sở hàn cắt kim loại nhỏ lẻ với hơn gấp đôi số đó là thợ lao động. Còn với những thợ hàn xì, nếu ai đó có dịp ghé qua bất kỳ xưởng sản xuất đồ sắt nào cũng dễ dàng bắt gặp những người “biết hàn”. Họ đa phần là những thanh niên học mót của nhau, do chính những người “thầy” vốn đã không được đào tạo về nghề cũng như an toàn cháy nổ. Thợ hàn xì luôn đối mặt với những hiểm nguy ngay cả cho chính bản thân lẫn người khác. Họ không được trang bị kỹ năng an toàn và kiến thức PCCC, trong nhiều vụ việc, khi phát hiện thấy lửa, thay vì chủ động dập hoặc báo động thì họ hoảng sợ bỏ chạy dẫn đến cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng.

Việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với chủ kho hàng hoặc các thợ hàn xì chỉ càng khiến mọi người thêm đau lòng. Trong vụ cháy ở Hoài Đức, chủ hàng là một thanh niên vừa vươn lên thoát nghèo với nghề làm bánh kẹo học được. Gia cảnh vô cùng khó khăn và hầu hết thợ là họ hàng thân thuộc trong gia đình. Tất cả họ vì không có điều kiện về kiến thức cũng như chi phí để trang bị và tuân thủ đầy đủ quy định PCCC theo quy chuẩn.

Để hạn chế, buộc những chủ kho, xưởng, kinh doanh chấp hành nghiêm quy định PCCC, thiết nghĩ các cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra, giám sát, bắt buộc dừng sản xuất, kinh doanh khi chưa có đủ điều kiện PCCC an toàn. Đặc biệt, cơ quan cấp phép không cấp cho bất kỳ một cơ sở nào chưa có đủ giấy phép an toàn cháy nổ.


Bình An
Ý kiến của bạn