Hừng hực khí thế mùa thu cách mạng

02-09-2021 15:24 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Sự kiện Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9 trở thành nguồn cảm hứng và tạo nên một dòng âm nhạc và ca khúc cách mạng.

Cho đến hôm nay, mỗi khi những giai điệu đó vang lên gợi lại bao cảm xúc cho nhiều thế hệ người Việt Nam, tạo nên một năng lượng tích cực lan tỏa...

Nghe những ca khúc ấy, dường như ai cũng có thể cảm nhận được không khí hào hùng, sục sôi khí thế cách mạng của toàn dân tộc 76 năm về trước. Đến nay không chỉ làm lay động trái tim những khán giả lớn tuổi từng tham gia các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, mà ngay cả lớp khán giả thế hệ 7X, 8X, 9X, GenZ cũng phần nào hình dung được không khí đấu tranh cách mạng của toàn dân tộc.

mùa thu cách mạng 1

Mít tinh tại quảng trường Nhà hát Lớn ngày 19/8/1945

8 ca khúc mùa thu cách mạng

Ngoài những ca khúc do quần chúng sáng tác ngay trong những ngày Hà Nội ầm ầm rung sông Hồng reo của Cách mạng Tháng Tám, có 8 ca khúc thường xuyên được vang lên trong không gian Hà Nội, trong không khí sôi sục của một thời đại mới. Đầu tiên phải kể đến ca khúc Cùng nhau đi Hồng binh - Đinh Nhu, như nhắc lại quá khứ hào hùng của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm xưa: "Cùng nhau đi Hồng binh/ Đồng tâm ta đều bước/ Đừng cho quân thù thoát/ Ta quyết chí hy sinh...". Ca khúc này đã được nhạc sĩ Hoàng Vân tái hiện lại dưới hình thức hợp xướng mùa thu 1960 nhân dịp 15 năm Quốc khánh Việt Nam trong hợp xướng mang tên "Hồi tưởng".

Với ca khúc Tiến quân ca, nhạc sĩ Văn Cao đã viết trong nhiều ngày tại căn gác số 45 Nguyễn Thượng Hiền vào năm 1944. Ngay từ khi ra đời, Tiến quân ca đã được coi là bài hát chính thức của Mặt trận Việt Minh. Sau Cách mạng Tháng Tám, ca khúc này được chọn làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Khi đất nước thống nhất (1975), ca khúc tiếp tục được chọn làm Quốc ca của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Một ca khúc khác của Văn Cao - Chiến sĩ Việt Nam được viết cùng thời gian với Tiến quân ca cũng được Đại hội Quốc dân xem xét để bầu chọn làm bài ca chính thức của Mặt trận Việt Minh: "Bao chiến sĩ anh hùng/ Lạnh lùng vung gươm ra sa trường/ Quân xung phong/ nước Nam đang chờ...". Diệt phát xít - Nguyễn Đình Thi, hòa chung vào những ca khúc chống phát xít của toàn thế giới. Tác phẩm cũng được đưa ra là 1 trong 3 ca khúc để bầu chọn ca khúc chính thức của Mặt trận Việt Minh tại Đại hội Quốc dân, rồi trở thành nhạc hiệu hàng ngày của Đài Tiếng nói Việt Nam cho đến tận hôm nay.

mùa thu cách mạng 2

Lên đàng của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước - Huỳnh Văn Tiểng

Một ca khúc nữa cũng được hát vang trong những ngày đầu cách mạng, mang hơi thở mới từ chiến khu, Du kích ca - Đỗ Nhuận, viết đầu 1945 tại nhà tù Sơn La. Trong số những ca khúc được vang lên trong những ngày Tháng Tám lịch sử phải kể đến 2 hành khúc của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, đó là Lên đàngTiếng gọi thanh niên. Cho đến ngày nay Tiếng gọi thanh niên trở thành ca khúc chính thức của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.

Đặc biệt ca khúc Mười chín tháng Tám - Xuân Oanh với những lời ca đầy phấn khích: "Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày/ Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai" cho đến tận hôm nay vẫn giữ vẹn nguyên khí thế hừng hực, quyết tâm của toàn dân tộc Việt Nam đứng lên đấu tranh giành chính quyền từ các thế lực đế quốc, phát xít.

Cảm hứng cho dòng ca khúc cách mạng Việt Nam ngay từ những ngày đầu của cách mạng tiếng hát đầy hào khí hừng hực đã vang lên khắp nơi. Ngoài 8 ca khúc mùa thu cách mạng, còn nhiều ca khúc khác được sáng tác trong thời gian này. Những ca khúc như: Cùng nhau đi hồng binh, Tam Bình, Cờ Việt Minh, Không khuất phục của các nhạc sĩ Ðinh Nhu, Trần Văn Úc, Vương Gia Khương, Phất cờ Nam Tiến - Hoàng Văn Thái, Bắc Sơn - Văn Cao, Đoàn Vệ quốc quân - Phan Huỳnh Điểu. Đặc biệt, những ca khúc "chính ca" lần đầu tiên cũng đã xuất hiện vào thời gian này như: Chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam - Đỗ Minh, Ca ngợi Hồ Chủ tịch - Lưu Hữu Phước, Ba Đình nắng - Bùi Công Kỳ…

Và có một thế hệ các nhạc sĩ đã dần trưởng thành trong cách mạng, quen thuộc với đồng bào, đồng chí như các nhạc sĩ ở phía Bắc: Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Đức Toàn, Lê Yên, Nguyễn Đình Phúc, Xuân Oanh, Tô Hải, Văn Chung..., ở miền Trung như: Nguyễn Văn Thương, Trần Hoàn, Nguyễn Văn Tý..., ở miền Nam là các nhạc sĩ: Phan Huỳnh Điểu, Ngô Huỳnh, Dương Minh Ninh, Vân Đông, Trần Kiết Tường...

Một loạt ca khúc ra đời làm lay động bao con tim tăng thêm niềm phấn khởi, truyền cảm hứng thực hiện lý tưởng, mà đi tới cho đến ngày toàn thắng. Từ đây các ca khúc như nguồn năng lượng, nội lực sống mãi trong lòng nhân dân, như các ca khúc thời kháng chiến chống thực dân Pháp: Ngày về, Trường chinh ca, Lô Giang - Lương Ngọc Trác, Người Hà Nội - Nguyễn Ðình Thi, Chiến sĩ sông Lô - Nguyễn Ðình Phúc, Lá xanh, Lên ngàn - Hoàng Việt, Áo mùa đông, Du kích sông Thao, Chiến thắng Ðiện Biên - Ðỗ Nhuận, Làng tôi, Ca ngợi Hồ Chủ tịch, Sông Lô, Tiến về Hà Nội - Văn Cao, Tiếng chuông nhà thờ - Nguyễn Xuân Khoát, Quê em - Nguyễn Ðức Toàn, Hò kéo pháo - Hoàng Vân, Bộ đội về làng - Lê Yên, Tiểu đoàn 307 - Nguyễn Hữu Trí và Nguyễn Bính; Bình Trị Thiên khói lửa - Nguyễn Văn Thương, Đường lên Tây Bắc - Văn An, Sẽ về thủ đô - Huy Du...

Sau Hiệp định Geneve 1954, miền Bắc xây dựng kiến thiết, làm hậu phương vững chắc cho cuộc kháng chiến thống nhất nước nhà tiếp diễn. Hàng loạt nhạc sĩ mới xuất hiện, trong đó có một thế hệ nhạc sĩ được học tập một cách chính quy và đầy đủ ở trong nước và nước ngoài. Nhiều tác phẩm mới của nhạc sĩ thuộc nhiều lứa tuổi được nhanh chóng ra đời như: Bài ca người thợ rừng - Phạm Tuyên; Ánh đèn sáng trên cầu Việt Trì - Hoàng Hà, Cô thợ hàn - Thịnh Trường.

Và những ca khúc đi cùng năm tháng

Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dòng âm nhạc cách mạng còn phát triển mạnh hơn nữa, với đội ngũ tác giả và số lượng tác phẩm nhiều hơn, khó có thể liệt kê ra hết, chất lượng về kỹ thuật âm nhạc cũng cao hơn, ca khúc cũng khắc đậm trong tình cảm người nghe da diết sâu thẳm hơn: Câu hò trên bến Hiền Lương - Hoàng Hiệp và Đằng Giao, Tình trong lá thiếp - Phan Huỳnh Điểu, Bài ca hy vọng - Văn Ký, Tình ca - Hoàng Việt...

mùa thu cách mạng 3

NSND Thu Hiền là một trong những nghệ sĩ thể hiện ca khúc Câu hò bên bến Hiền Lương được khán giả cả nước yêu mến

Trong các căn cứ chiến trường miền Nam cũng đã vang lên những giai điệu hào hùng kêu gọi người dân đoàn kết theo Mặt trận như: Giải phóng miền Nam - Huỳnh Minh Siêng (Lưu Hữu Phước), Trên đường Thiên Lý - Phan Thế, Xuân chiến khu - Xuân Hồng... Hay những ca khúc trên đường ra trận đã trở thành "di sản" âm nhạc chống Mỹ cứu nước như: Chiếc gậy Trường Sơn - Phạm Tuyên; Quảng Bình quê ta - Hoàng Vân; Hà Tây quê lụa - Nhật Lai; Bài ca Hà Nội - Vũ Thanh... Ngay giữa các đô thành miền Nam, bằng tài năng của mình các nhạc sĩ Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Trương Quốc Khánh... và cả Trịnh Công Sơn với chùm tình khúc phản chiến, các ca khúc phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe, Tiếng hát những đêm không ngủ gây một chấn động lớn và một phản xạ tích cực trong mọi tầng lớp nhân dân được xã hội ghi nhận.

Cho đến tháng 4/1975, mấy ai không xúc động nghẹn ngào mỗi khi thời điểm 30/4 hàng năm đến lại vang lên câu hát "Việt Nam Hồ Chí Minh" trong Như có Bác trong ngày vui đại thắng - Phạm Tuyên, Đất nước trọn niềm vui - Hoàng Hà, Bài ca thống nhất - Võ Văn Di, Hát mừng non nước hôm nay - Trần Chung, Việt Nam ơi ta bước tiếp - Huy Du...

76 năm, những cảm hứng từ các ca khúc mùa thu cách mạng năm 1945, vẫn tiếp nối truyền năng lượng tích cực, tạo nên dòng chảy không bao giờ cạn kiệt những ca khúc cách mạng, có tính đại chúng, rung động lòng người, âm hưởng và giai điệu có sức lan tỏa, tạo nguồn cảm hứng lớn đến các thế hệ, để như một niềm tự hào về cha ông, như một lời hứa trách nhiệm với đất nước trong công cuộc xây dựng Tổ quốc Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc, thịnh vượng và trường tồn.


Hoài Hương
Ý kiến của bạn