Hà Nội

Hùng Dũng sẽ tập luyện thế nào sau chấn thương gãy chân?

25-03-2021 07:12 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Nhiều độc giả lo lắng và băn khoăn đã gửi đến Báo Sức Khỏe & Đời sống về vấn đề chấn thương thể thao, thời gian phục hồi cũng như quá trình tập luyện của cầu thủ tiền vệ Đỗ Hùng Dũng.

Trả lời với Báo Sức khỏe & Đời sống BSCKI Y học thể thao Nguyễn Trọng Thủy, Phòng Khoa học Y học thể thao, Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc Gia Hà Nội (nguyên là Bác sĩ ĐTVN và U23 Việt Nam) cho rằng; trong chấn thương thể thao nếu gãy xương không phạm vào khớp cổ chân và khớp gối thì sẽ không phức tạp lắm.

Nếu tổn thương đi kèm các khớp cổ chân và khớp gối thì quá trình phục hồi sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Ngoài ra, nếu gãy xương phức tạp, có nhiều mảnh rời vụn thì hay đứt mạch máu, thần kinh vùng cẳng chân càng khó khăn sẽ gấp lên rất nhiều lần. BS Thủy nói.

Hùng Dũng bị chấn thương nặng sau pha vào bóng của Hoàng Thịnh


       Đối với trường hợp gãy xương được sơ cứu đúng cách, tập luyện và dinh dưỡng đúng thì sẽ phục hồi nhanh. Tuy nhiên để thi đấu thể thao với cường độ cao như vận động viên thì phải mất 9-12 tháng tùy thuộc vào mức độ tổn thương, phẫu thuật có thành công cao, tập phục hồi có đúng không và tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người, BS Thủy chia sẻ thêm.
   Cũng theo Bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy, thông thường, quá trình tập phục hồi được chia làm 4 giai đoạn chính:
       - Trong hai tuần đầu sau phẫu thuật cần bất động bảo vệ vùng xương gãy, kiểm soát đau, tình trạng phù nề, tập vận động chủ động các khớp liên quan như ngón chân, cổ chân, khớp gối, khớp háng hết tầm có thể, tránh tình trạng co gân cứng khớp. Độc lập trong sinh hoạt. Thời gian đầu tập trên giường bệnh như: tập ngón chân, cổ chân, nâng chân, gấp, duỗi gối, tập gồng cơ tĩnh... tùy thuộc vào tình trạng hiện tại của bệnh nhân, từ đơn giản phức tạp... BS Thủy giải thích.

- Giai đoạn tiếp theo là giai đoạn vận động có kiểm soát. Giai đoạn này kéo dài từ 2 đến trên 8 tuần.
Ở giai đoạn này, cần đạt tối đa tầm vận động và biên độ của các khớp liên quan, giảm phù nề và giảm đau, masage, kéo giãn, tập cơ ... chống teo cơ, cứng khớp, dính sẹo, cho chân mổ chịu lực từ nhẹ đến nặng, bằng đi bộ... có nạng hỗ trợ cũng như các dụng cụ hỗ trợ khác.

Bức ảnh được BS Thủy đưa lên facebook của mình và kèm theo lời nhắn: Ước mong mọi điều tốt đẹp nhất sẽ luôn bên Em!  Kiên cường, Hùng Dũng như chính Tên của mình Em yêu nhé.

- Giai đoạn từ 8 tuần đến 6 tháng: Tập lên từ nhẹ đến nặng, từ đơn giản đến phức tạp, các cơ và khớp hoạt động hoạt động sinh hoạt và tập luyện thể thao tiến tới bình thường.

- Giai đoạn từ 6 Tháng đến 12 tháng, đây là giai đoạn vận động tăng tiến, tạo can xương vĩnh viễn.
Trong giai đoạn này, tập tất cả các cơ, khớp liên quan bình thường và tăng dần, tới chơi thể thao với cường độ cao.
       Hồi phục sau chấn thương là điều cực kỳ quan trọng đối với các cầu thủ bóng đá. Trên thực tế, theo BS Thủy đã từng có cầu thủ gặp chấn thương phải chia tay giải đấu.
       Chấn thương là điều không thể tránh khỏi trong tập luyện và thi đấu thể thao. Trong thể thao, đặc biệt là những môn thi đấu đối kháng như bóng đá, võ thuật, tennis, bóng chuyền… nhiều người rất dễ gặp phải những chấn thương đơn giản như chuột rút, căng cơ... tới những chấn thương nặng, phải điều trị dai dẳng như gẫy xương. BS Thủy nhấn mạnh.

Được biết, trưa nay 24/3, Hùng Dũng đã được mổ thành công. Và hành vi vào bóng thô bạo khiến Đỗ Hùng Dũng bị gãy chân của Ngô Hoàng Thịnh đã phải trả giá bằng án phạt nguội nghiêm khắc từ Ban kỷ luật VFF.
       Theo đó, sau khi tổng hợp báo cáo, hồ sơ, dựa trên các điều luật và quy định xử phạt, Ban kỷ luật VFF đã quyết định phạt cầu thủ Ngô Hoàng Thịnh của TPHCM: "Cấm thi đấu ở tất cả các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đến ngày 31/12/2021, đồng thời nộp phạt 40 triệu đồng và đền bù chi phí cho cầu thủ Đỗ Hùng Dũng theo quy định".


Khánh Mai
Ý kiến của bạn