Ngày 7/1, Chi cục Kiểm lâm TP Huế cho biết, UBND thành phố vừa có quyết định về việc thành lập Khu Dự trữ thiên nhiên Sao La (gọi tắt Khu Dự trữ).
Theo đó, tổng diện tích Khu Dự trữ 19.375,55 ha (rừng tự nhiên 18.077,62 ha, rừng trồng 6,01 ha, diện tích chưa có rừng 1.291,92 ha), trong đó, diện tích Khu Bảo tồn Sao La hiện đang quản lý 15.303,39 ha và diện tích mở rộng 4.072,16 ha.
Việc thành lập Khu Dự trữ thiên nhiên Sao La nhằm bảo vệ diện tích rừng tự nhiên ở khu vực Trung Trường Sơn, với chức năng phòng hộ đầu nguồn sông Hương và sông Bồ. Bảo vệ, xây dựng, phát triển rừng và tài nguyên thiên nhiên, khôi phục, bảo tồn nguyên vẹn các hệ sinh thái, các loài động thực vật quý hiếm khác, đặc biệt quần thể Sao La và hai loài thú móng guốc Mang lớn và Mang Trường Sơn.
Bên cạnh đó, Khu Dự trữ còn bảo tồn tính đa dạng sinh học, bảo tồn các loài, nguồn gen có trong mỗi loài và các sinh cảnh, cảnh quan của các khu rừng. Nâng cao ý thức của dân, thúc đẩy sự hợp tác giữa cộng đồng địa phương với Nhà nước và các tổ chức quốc tế.
Thông qua các hoạt động trong Khu Dự trữ góp phần phát triển kinh tế xã hội các xã vùng đệm và giữ vững an ninh quốc phòng. Phối hợp với các cấp chính quyền địa phương để bảo vệ các nguồn gen khác...
Theo UBND TP Huế, quyết định này thay thế quyết định 2020 năm 2013 về việc thành lập Khu Bảo tồn Sao La.
Như Báo Sức khỏe & Đời sống thông tin, Khu bảo tồn Sao La nằm ở phía Tây Nam TP Huế, có diện tích 15.303,39 ha, bao gồm diện tích rừng nguyên sinh tự nhiên còn sót lại của khu vực Trung Trường Sơn.
Khu bảo tồn Sao La được ghi nhận là một trong những nơi có tính đa dạng sinh học cao nhất trong khu vực và là nơi sinh sống của Sao La - một trong những loài động vật có vú lớn quý hiếm nhất, thuộc danh mục loài động vật cực kỳ nguy cấp.
Khu bảo tồn Sa La hiện là "mái nhà chung" của nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Cụ thể, tại đây ghi nhận 42 loài thú, 84 loài ếch nhái, bò sát, 139 loài chim, 54 loài cá… với nhiều loài nằm trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ IUCN và 1.114 loài thực vật.